Lần đầu tiên triển khai SFM và Chứng chỉ rừng FSC

Từ ngày 3-6, tại Phú Yên diễn ra chương trình tập huấn Quản lý rừng bền vững (SFM) và Chứng chỉ rừng FSC (Hội đồng quản trị rừng Thế giới) cho 14 Ban quản lý rừng, doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp và chính quyền địa phương. Chương trình do doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu phối hợp tổ chức, lần đầu tiên được triển khai ở Phú Yên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thiện Đức, điều phối viên Chương trình rừng WWS (Tổ chức Phi Chính phủ về Bảo vệ rừng toàn cầu), thực tế cho thấy nhiều năm qua, bằng các biện pháp như luật pháp, ký kết công ước... thì khó bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên còn lại của nhân loại, nhất là rừng nhiệt đới tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay được cả cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm là cùng với những giải pháp truyền thống, cần thiết lập phương pháp Quản lý rừng bền vững (QLRBV) và cấp Chứng chỉ rừng (CCR). Tại Việt Nam hiện nay, một số tổ chức trong nước đã từng bước tiếp cận và thực hiện quản lý, bảo vệ rừng với phương pháp QLRBV và CCR rất hiệu quả.

Chương trình Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng FSC nhằm đào tạo và huấn luyện cách tiếp cận với phương pháp quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững cho doanh nghiệp, các tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương, từng bước nâng cao năng lực quản lý rừng cũng như hiệu quả kinh tế trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trước mắt và định hướng phát triển lâu dài. “Đây là việc chính quyền địa phương phải làm, nhưng doanh nghiệp đã tiên phong triển khai là điều rất đáng mừng và ghi nhận. Điều này thể hiện sự chung tay của cộng đồng, cùng với chính quyền thực hiện tốt việc xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển rừng”, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên nói.

Phú Yên có ba kiểu rừng chính là rừng kín lá rộng thường xanh, chiếm tỷ lệ 96,5% diện tích rừng tự nhiên; rừng rụng lá (khộp), chiếm 3,5% diện tích rừng tự nhiên; rừng trồng có 20.963ha và khoảng 8,4 triệu cây phân tán (tương đương 4.200 ha). Rừng trồng chủ yếu là các loại cây như keo tai tượng, xà cừ, phi lao, điều, dầu rái, sao đen, gõ đỏ, muồng đen, giáng hương.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm tỉnh trồng được hơn 4.000 ha rừng, nâng độ che phủ đến nay lên 39,4%. Thu nhập từ rừng trồng góp phần đáng kể trong giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm và đến năm 2016 còn 10,32%, giảm 2,3% so với năm 2015.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng ngày càng cao, giảm chi phí vận chuyển cho người trồng rừng trong và ngoài tỉnh, tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện cho hai doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Một nhà máy do doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (giáp ranh với tỉnh Bình Định) có công suất 50.000 tấn/năm. Dự án Khu liên hợp chế biến lâm sản Bình Nam do Công ty TNHH Bình Nam có công suất 200.000 tấn/năm đặt tại xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân (giáp ranh với tỉnh Bình Định và Gia Lai).

TRÌNH KẾ - PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33056802-lan-dau-tien-trien-khai-sfm-va-chung-chi-rung-fsc.html