Lận đận... đất vàng

Dự án 164 Đồng Khởi và khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (TP.HCM) là hai dự án nằm tại vị trí đắc địa ở Q.1 và Q.Bình Thạnh nhưng 'số phận' của hai dự án này khá long đong, lận đận. Nhà đầu tư trong nước không kham nổi, trong khi nhiều nhà đầu tư ngoại dòm ngó nhưng không mấy ai trụ lại được lâu.

Khu đất 164 Đồng Khởi (Q.1) vẫn 'ế' - Ảnh: Hà Văn

Những cuộc đàm phán bất thành

Dự án 164 Đồng Khởi (Q.1) hiện đang là trụ sở làm việc của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Đây là một trong 20 “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm Q.1 mà UBND TP.HCM công bố mời gọi đầu tư vào năm 2007. Vị trí đắc địa của dự án này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, vào năm 2009, có tới 70 nhà đầu tư nhắm vào khu đất này, trong đó có liên danh hai công ty Hongkong Land International Holdings Limited (Vương quốc Anh) và Sumitomo Realty & Development Co.,Ltd (Nhật Bản).

Năm 2013, sau khi được Thủ tướng chấp thuận được lựa chọn liên danh này, TP.HCM đã lập một tổ công tác liên ngành để đàm phán với nhà đầu tư về các tiêu chí lập hồ sơ và đầu tư dự án.

Theo đó, TP đưa ra hai tiêu chí chính: liên quan đến đất, TP dự kiến tiền thuê đất và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.412 tỉ đồng (tương đương khoảng 170 triệu USD). Riêng tiền thuê đất trả một lần cho 50 năm sẽ được xác định tại thời điểm có quyết định giao đất hoặc ngày bàn giao đất thực tế. Tiêu chí thứ hai là nhà đầu tư phải thực hiện đúng chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, theo văn bản của UBND TP báo cáo Thủ tướng ngày 5.10.2015, phía liên danh lại yêu cầu TP.HCM phải cố định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và xác định rõ thời gian hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng. “Nhà đầu tư đặt ra yêu cầu như xem xét lại các chỉ tiêu quy hoạch theo hướng tăng thêm chiều cao công trình để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho dự án, xác định rõ tổng chi phí bồi thường, thời hạn cụ thể bàn giao đất. Trong đó, TP phải đáp ứng được hai nội dung nêu trên”, văn bản của UBND TP nêu.

Nhưng báo cáo của tổ liên ngành cho biết việc ấn định mức giá cố định trong toàn bộ quá trình thực hiện và hoàn thành dự án là không thể thực hiện được do quá trình thương thảo, bồi thường với các hộ dân thường rất phức tạp. Các chi phí trong phương án bồi thường chỉ là dự kiến, trong quá trình thỏa thuận bồi thường sẽ phát sinh thêm các khoản chi phí ngoài dự kiến.

Về thời gian bàn giao, TP cũng “chỉ có thể dự kiến, còn xác định cụ thể cố định để hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng là không thể. Vì trong quá trình thực hiện, chỉ cần một hộ dân khiếu kiện cũng sẽ dẫn tới việc bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài”.

Không xác định được tổng tiền bồi thường và thời gian bàn giao mặt bằng, TP.HCM cũng không chấp thuận việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch theo mong muốn nên liên danh hai nhà đầu tư đến từ Anh và Nhật Bản quyết định rút lui.

Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra với khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, P.28, Q.Bình Thạnh sau hơn 25 năm quy hoạch “treo” và “đỏ mắt” tìm nhà đầu tư. Năm 2015, UBND TP đã ban hành quyết định công nhận liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và một đại gia bất động sản đến từ Trung Đông là Tập đoàn Emaar Properties là chủ đầu tư dự án này. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, đại gia ngoại cũng phải rút lui vì đàm phán bất thành. Trong đó, nguyên nhân chính là TP vẫn không xác định được khi nào thì bàn giao mặt bằng và tổng tiền chính xác của bồi thường, giải phóng mặt bằng là bao nhiêu.

Nhà đầu tư rút lui

Giải thích về việc nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi dự án sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho hay, quá trình đàm phán, nhà đầu tư luôn yêu cầu phải có đất sạch và đơn giá đất cụ thể. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến quá trình đầu tư cũng phải nhanh gọn, trong khi đó quy định hiện nay mất rất nhiều thời gian nên họ xin rút.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 7 tháng đầu năm 2017, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thẳng thắn nhìn nhận, việc nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi dự án như tại 164 Đồng Khởi hay Bình Quới - Thanh Đa sau một thời gian tìm hiểu không phải là ngoại lệ. Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào TP đầu tư đã có sẵn tiền, họ mong muốn bắt tay ngay vào đầu tư, nghĩa là phải có đất sạch chứ không phải vào rồi mới đi làm bồi thường, tiền bồi thường cũng phải có những con số cụ thể. “Khi nào thì giao đất sạch? Chốt bao nhiêu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng? Người ta đã hỏi những câu hỏi mà mình không trả lời được. Người ta đi vào đi ra miết, thấy khó khăn quá nên thôi”, ông Hoan nói.

Ngoài hai dự án trên, một số khu “đất vàng” khác tọa lạc tại trung tâm TP do nhà đầu tư trong nước làm chủ đầu tư cũng bị “treo” nhiều năm nay do mặt bằng giải tỏa không xong. Điển hình như dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Từ năm 2000, UBND TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và chỉnh trang khu vực này. Năm 2007, tập đoàn Bitexco được chính thức là chủ đầu tư của dự án có quy mô 6,8 ha với gần 1.500 hộ dân này. Tuy nhiên, suốt 10 năm nay, phía chính quyền vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến hành bồi thường.

Mãi đến đầu năm 2017, UBND TP.HCM có văn bản giao Sở TN-MT rà soát pháp lý, phối hợp với Q.1 tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án. Đồng thời chỉ đạo Q.1 chủ trì, phối hợp với Bitexco và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổ chức điều tra khảo sát lập phương án tái định cư hoàn thành trong quý 2. Nhưng đến nay đã hết quý 2 nhưng Q.1 vẫn chưa triển khai bồi thường dự án này.

Hà Văn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/lan-dan-dat-vang-866155.html