Làm thực phẩm giả ở Nhật Bản: ngành công nghiệp lên đến 90 triệu USD hàng năm

Ở Nhật Bản, làm thực phẩm giả để trưng bày ở Nhật Bản mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận hơn chúng ta nghĩ.

Tại Nhật Bản, ngành công nghiệp làm thực phẩm giả trưng bày là một ngành công nghiệp hàng tỉ Yên, và nó đã tồn tại đã gần một thế kỷ. Hầu hết các nhà hàng, quầy thức ăn, siêu thị đều trưng bày thực phẩm giả để trình bày món ăn cho các thực khách. Ngoài việc nó khiến món ăn trông hấp dẫn hơn, việc trưng bày thực phẩm còn giúp các khách hàng có cái nhìn bao quát về món ăn họ sẽ chọn lựa. Có thể nói, nó rất đúng với câu: những gì bạn thấy là những gì bạn sẽ nhận được (What you see is what you get).

Nó đã là truyền thống của Nhật Bản rồi. Người Nhật cẩn thận lắm, họ muốn biết trước món họ ăn sẽ trông như thế nào”, Fujita, nghệ nhân làm thực phẩm giả trưng bày, cho biết. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho biết từ lâu, người Nhật ngoài đòi hỏi món ăn phải ngon miệng, nó còn phải thỏa mãn được thị giác của người ăn.

Mỗi chiếc sampuru, từ mượn tiếng Anh “sample” (vật mẫu), là một tác phẩm nghệ thuật và gần như được làm thủ công. Thực phẩm giả trưng bày không được sản xuất hàng loạt, mà mỗi nhà hàng/quán ăn sẽ có yêu cầu riêng, không nhà hàng nào giống nhà hàng nào. Tuy các công ty khác có cung cấp phiên bản sản xuất hàng loại có giá cả phải chăng hơn, nhưng người ta vẫn chuộng những tác phẩm được làm một cách thủ công, vốn rất đắt đỏ (mỗi vật mẫu món ăn thường có giá gấp 10 đến 20 lần so với giá bán ra của món đó).

Ngày nay, ứng dụng của thực phẩm giả tại Nhật rất rộng. Ví dụ như dùng cho những buổi chụp ảnh quảng cáo, đặc biệt là các sản phẩm dễ tan chảy như kem hoặc dùng cho việc giáo dục. Ngoài ra nó giúp việc chọn món trong nhà hàng trở nên nhanh hơn vì khách hàng biết rõ họ muốn gì.

Cuối cùng, đây là một thứ giúp Nhật Bản trở nên đặc biệt và vô tình nó là điểm khiến khách du lịch thích, vì họ chỉ cần chỉ vào món muốn dùng (tiếng Anh không phổ biến tại Nhật Bản, khiến giao tiếp giữa khách du lịch và dân bản địa là một nỗi khó khăn không nhỏ).

Theo Fujita, mọi thực phẩm đều có thể làm mẫu vật giả. Đầu tiên, nhựa trộn màu sẽ được đun nóng, sau đó nó sẽ được đổ và khuôn (được tạo ra bằng cách nhấn thực phẩm cần tạo vào silicon nóng chảy) và để nguội cho đến khi cứng lại. Tiếp theo, nghệ nhân sẽ thực hiện công đoạn sơn vẽ sản phẩm, và cuối cùng phủ một lớp sơn bóng để bản quản màu bề mặt. Fujita cho biết công đoạn khó nhất là làm sao để màu trên sản phẩm giả giống thật nhất có thể.

Giống như những tác phẩm nghệ thuật, các thực phẩm giả có giá không hề rẻ, một miếng bít tết khoảng 500.000 VND, miếng sushi giá 600.000 VND, ly bia giá 1.300.000 VND, một bữa ăn đầy đủ có giá đắt hơn thế. Các nhà kinh tế học cho biết đây là nền công nghiệp có giá trị khoảng 60 đến 90 triệu USD hàng năm.

Tuy lớn như vậy, nhưng ngành công nghiệp này đang sụt giảm dần, lí do chính vì các thực phẩm giả hầu như không có hạn sử dụng và không ai cần thay thế nó. Rất may mắn nó vẫn là thứ thu hút các khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới, đã có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách được mở ra tại Nhật. Du khách có thể tự làm một chiếc sampuru với giá từ 230.000 VND từ sáp nóng chảy, vì phương pháp cổ điển an toàn hơn cho du khách so với phương pháp sử dụng nhựa nóng chảy. Các du khách được hướng dẫn đổ sáp nóng chảy vào nước lạnh cho sáp cứng lại, sau đó bỏ vào khuôn để tạo hình.

Dẫu sao, Nhật Bản có lẽ là nơi duy nhất chủ nhà hàng dành hàng ngàn USD cho những thực phẩm giả trưng bày. Và đây chắc cũng là nơi mà đồ giả còn… đắt hơn cả đồ thật.

Tham khảo VICE

Nguồn GenK: http://genk.vn/lam-thuc-pham-gia-o-nhat-ban-nganh-cong-nghiep-len-den-90-trieu-usd-hang-nam-20160812231446906.chn