Lạm thu đầu năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh có phải là 'tội đồ'?

Nhiều ý kiến cho rằng, “chính danh thủ phạm” của tình trạng lạm thu trong nhà trường hiện nay là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thậm chí, còn đề xuất xóa bỏ tổ chức này. Tuy nhiên, đây có phải là giải pháp hữu hiệu?

Tiền trường đầu năm trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh. Ảnh: QĐ

Việc xác định Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội phụ huynh) là đối tượng phải chịu trách nhiệm, hoặc “tiếp tay” cho tình trạng lạm thu, chỉ đúng ở hiện tượng. Về bản chất, các hoạt động của Hội phụ huynh đều tuân theo chỉ đạo của Hiệu trưởng. Tiền, của Hội, cũng phải thông qua Hiệu trưởng, mới được chi.

Lãnh đạo Hội phụ huynh, cũng do Hiệu trưởng “chọn”. Và nếu ai không “ăn cánh”, thì sẽ bị cho ra rìa. Nhiều ý kiến đã chỉ ra, Hội phụ huynh thu tiền, thực chất cũng là “thu hộ”. Nhiều vị Hội trưởng, không nắm rõ các quy định của ngành giáo dục về thu, chi; nên chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo. Giả sử biết, phản đối, thì đồng nghĩa với việc con mình sẽ trở thành "học sinh cá biệt".

Hội, chỉ là một tổ chức có tính chất dân cử, không có quyền lực hành chính và không phải chịu trách nhiệm hành chính.

Hiệu trưởng làm việc với Hội phụ huynh, họp hành, chỉ đạo miệng. Khi có thanh tra về, “khẩu thuyết vô bằng”, không có cơ sở để xử lý.

Tiền Hội thu được, nhưng Hiệu trưởng lại quản lý, chi tiêu. Sai, thì Hội chịu.

Nhiều vị Hội trưởng tâm sự, cảm thấy áp lực vì "đứng giữa hai làn đạn", chứ không có quyền hành gì.

Việc yêu cầu xóa bỏ Hội phụ huynh trong nhà trường xuất phát từ bức xúc của phụ huynh, nhưng sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Chỉ có giải pháp duy nhất, đó là ban hành quy định, cách chức ngay Hiệu trưởng lạm thu; có thể truy tố. Vì bản chất của lạm thu là lạm quyền, tham nhũng.

Đồng thời, yêu cầu tất cả các trường phải công khai các khoản thu chi lên trang thông tin điện tử, niêm yết công khai và gửi cho phụ huynh mỗi người một bản cuối mỗi học kỳ. Nếu không thực hiện, sẽ bị kỷ luật tương tự hành vi lạm thu.

Bởi vì, chỉ có nhập nhèm, tham nhũng, mới tìm cách che giấu, không công khai tài chính.

Phụ huynh phải có quyền biết được đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ đóng góp cho nhà trường, đã được chi tiêu như thế nào.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là, nếu thực hiện đúng quy định, thì nguồn tiền chi thường xuyên của các trường không có nhiều. Và có những khoản chi lễ tết, quà cáp, ngoại giao… theo phong tục hay thông lệ, mặc dù không có quy định, nhưng các trường vẫn phải chi.

Trong kiến nghị mới đây, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cấp đủ nguồn chi thường xuyên theo quy định cho các trường (đảm bảo tối thiểu 20% theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ), để ngăn chặn lạm thu.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/lam-thu-dau-nam-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-co-phai-la-toi-do-565610.ldo