‘Làm thế nào để học sinh không bỏ học?’

Đó là câu hỏi của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam GS. TS Nguyễn Thiện Nhân khi đến thăm và làm việc tại trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận chiều ngày 6/10. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm khảo sát, tiếp xúc các tầng lớp nhân dân tại tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận.

Cùng đi với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh và các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận hiện có 26 lớp; 742 học sinh (HS), chất lượng học tập luôn được giữ vững. Tuy nhiên theo Hiệu trưởng nhà trường Cao Thanh Xuân, do địa bàn cư trú của học sinh rộng, thường ở vùng xa xôi hẻo lánh nên nhà trường gặp khó khăn trong việc phối kết hợp với gia đình giáo dục học sinh vi phạm nội quy trường lớp, vận động học sinh tới trường.

Chính vì vậy, trường vẫn còn nhiều học sinh có chất lượng học tập yếu. Số HS ở lại lớp chiếm 13,6%, tỉ lệ học sinh có điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp THPT còn rất thấp (8,67%). Một số học sinh chưa xác định rõ ràng động cơ học tập, chưa tạo được thói quen tự học một cách nề nếp nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt kiến thức học tập ở chính khóa.

“Đó là một trong những lý do khiến nhiều em chán học dẫn đến bỏ học. Hiện tỉ lệ bỏ học toàn trường còn cao (66/780 HS chiếm 8,5%), nhất là học sinh khối lớp 10 (38/322 chiếm 11,8%)”, ông Cao Thanh Xuân khẳng định.

Chia sẻ với thầy trò trường Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng như các thành viên trong đoàn công tác rất trăn trở với câu hỏi: “Làm thế nào để các em không bỏ học”.

Về vấn đề này, em Trần Hương Giang, người dân tộc Chăm, lớp 12.5 cho biết, do năm học cấp 2, một số bạn không tập trung học nên bị hổng những kiến thức căn bản khi lên lớp 10 không theo kịp chương trình dẫn đến tâm lý nản và bỏ học.

Hương Giang cũng thẳng thắn cho biết tình trạng nhiều anh chị học sinh đi trước mình dù tốt nghiệp ra trường nhưng lại không xin được việc chính điều đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều học sinh không có động lực học tập.

Chia sẻ với câu chuyện của Hương Giang, GS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, dù mô hình một trường dân tộc nội trú có khó khăn như thế nào, dù còn tình trạng bỏ học nhưng các em vẫn là những đốm lửa cho vùng đất này, cho dân tộc mình.

Đối với các thầy cô giáo, ông Đỗ Quang Hưng đặt ra yêu cầu nên chăng thay đổi mô thức giáo dục phổ thông vì mô hình giáo dục dân tộc nội trú là một mô hình đặc biệt.

Trong khi đó, tình trạng học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm đang là một bất cập của xã hội không chỉ của các trường dân tộc nội trú. Để giải quyết được vấn đề này, một mình trường dân tộc nội trú không thể làm được.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, mô hình giáo dục dân tộc nội trú luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo địa phương.

Bày tỏ tấm lòng trước các thầy cô trong việc nỗ lực hướng dẫn, chăm sóc các em, người đứng đầu Mặt trận đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và nhà trường cần làm tốt hơn nữa trong việc vận động các em trong việc tham gia học tập tại trường.

Trong đó, việc hướng nghiệp được coi là một nội dung quan trọng. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh cần tăng cường định hướng các em phát triển theo từng ngành nghề, việc định hướng này cần làm ngay từ lớp 10.

Phát triển kinh tế gắn với gìn giữ văn hóa trong đồng bào dân tộc Chăm cũng là những trăn trở mà người đứng đầu Mặt trận đặt ra đối với đội ngũ làm công tác Mặt trận tỉnh Bình Thuận khi đến thăm và làm việc tại Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận trước đó.

Bình Thuận hiện có trên 1,2 triệu người trong đó có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Chăm, Raglay, K’ho. Vì vậy, theo ông Nguyễn Viết Triều, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận là công tác dân tộc tôn giáo.

UBND tỉnh Bình Thuận đã dành một nguồn kinh phí riêng để tập trung cho công tác dân tộc tôn giáo. Trên cơ sở này, Mặt trận tỉnh Bình Thuận có nhiều thuận lợi trong việc góp phần phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa cho đồng bào dân tộc Chăm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã xây dựng được mô hình về an toàn giao thông, về an ninh trật tự, về kế hoạch hóa gia đình và mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", MTTQ tỉnh Bình Thuận xây dựng được các cơ sở văn hóa người Chăm để đồng bào sinh hoạt. Cùng với đó, MTTQ tỉnh Bình Thuận đã vận động nhân dân trong việc xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa phục vụ sinh hoạt của đồng bào Chăm trong vùng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Viết Triều, số lượng trí thức người Chăm còn ít cho nên việc gìn giữ chữ viết người Chăm đang gặp khó. Hiện nay, nhiều người Chăm chỉ nói được tiếng dân tộc mình nhưng lại không viết được. Đó cũng là một trong những trăn trở mà Mặt trận tỉnh Bình Thuận đang tìm cách cùng với các cấp chính quyền gìn giữ và phát huy.

Trước những khó khăn này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, công tác Mặt trận của Bình Thuận cần lắng nghe xem đồng bào dân tộc có nguyện vọng gì mà hiện nay chính quyền chưa đáp ứng tốt. Trong đó có rất nhiều vấn đề như sản xuất nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, việc cấp nước.

“Kinh nghiệm của Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy có hơn 30 dân tộc nhưng cuối cùng chỉ có 3 dân tộc được quan tâm”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã tới thăm mô hình hợp tác xã thanh long Hàm Đức; thăm gia đình ông Thông Điệu sống tại thôn 3, Thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Đây là gia đình có tinh thần hiếu học dẫn đầu trong thôn với 5 người con đều học hành thành đạt.

Từ năm 2005 đến nay, gia đình ông Thông Điệu được tôn vinh danh hiệu “Gia đình hiếu học” tiêu biểu cấp tỉnh, là gia đình hiếu học hiếm có trong cộng đồng người Chăm nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung ở Bình Thuận.

Cũng nhân dịp này, Đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; thăm Trường Dục Thanh - Phan Thiết, nơi cách đây 106 năm Bác Hồ đã dừng chân dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, trên bước đường cứu dân, cứu nước.

Một số hình ảnh tại trường Dân tộc nội trú:

Dạ Yến - Văn Nhất
Ảnh: Hoàng Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/lam-the-nao-de-hoc-sinh-khong-bo-hoc/126092