Làm thế nào để điểm ưu tiên không còn là gánh nặng?

Tuyển sinh đại học năm nay, nhiều thí sinh đạt điểm tiệm cận tuyệt đối 29,15 điểm mà vẫn trượt nguyện vọng một thì thật là 'kì dị'. Điểm chuẩn vượt ngưỡng tuyệt đối.

 Ảnh: Vương Trần.

Ảnh: Vương Trần.

Cụ thể, điểm chuẩn D01 đối với nữ ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An ninh nhân dân) lên đến 30,5. Tức là, ngoài điểm thi, chỉ những em ở vùng sâu, vùng xa được cộng thêm điểm ưu tiên mới được vào học trường top đầu. Điểm bất hợp lý của tuyển sinh năm nay chính là điểm chuẩn "vượt trần".

Các thí sinh đạt số điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng. Vì thế sẽ có những trường hợp thí sinh ở khu vực 3 trượt nguyện vọng một nếu đăng kí vào những trường "hot" mà không lường trước được "rủi ro" từ điểm cộng.

Môi trường giáo dục tiên tiến luôn coi trọng sự cạnh tranh và công bằng. Hơn thua điểm cộng thực sự đã tước đi ước mơ đẹp đẽ của người này để trao cho người khác có mặt bằng tri thức kém hơn. Trong khi đó, việc đặt ra số điểm ưu tiên cho học sinh vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách là để tạo sự công bằng trong thụ hưởng giáo dục. Chủ trương đúng đắn, chính sách nhân văn nhưng áp dụng còn bất cập. Có lẽ, việc ưu tiên điểm cần xem xét lại bởi nhiều lý do.

Điểm ưu tiên ban quả ngọt cho người này lại gieo trái đắng cho người kia khiến “thế trận” tuyển sinh năm nay thật “ngộ” (theo cách nói của TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT).

Thế nên theo tôi, đầu tiên việc xét đối tượng ưu tiên cần rạch ròi và có những tiêu chí cụ thể hơn nữa, ví dụ chỉ cộng điểm đối với những đối tượng “thực chất” sinh sống ở những khu vực khó khăn. Tiếp đó, cần có những “cam kết” giữa những người may mắn nhận được ưu tiên, chẳng hạn người đó sẽ phải quay về phục vụ quê hương mình. Hoặc cần cân nhắc lại số điểm cộng hợp lý với tính chất đề thi từng năm...

Giáo dục nước ta đang phải loay hoay trong những bài toán cải cách, đổi mới phương thức thi. Thế nhưng, chúng ta đã lãng quên đến hiệu quả thực chất của những chương trình hướng nghiệp. Chính nghịch lý này đã kéo theo sự thất thế của khối trường kỹ thuật, nông nghiệp khiến chúng ta nhiều năm liền “vật vã” không lời giải cho thực trạng ‘thừa thầy thiếu thợ’.

Mặc dù Bộ GD&ĐT cũng đã nghiên cứu cải cách, đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự tìm ra hướng đi tối ưu. Đề thi có khoảng 70% câu hỏi vừa sức, chỉ có 30% câu hỏi phân tầng thí sinh chạy đua đại học. Chính vì thế năm nay mới dẫn đến tranh cãi tính công bằng của điểm ưu tiên. Rơi vào nhiều thế “khó” như vậy có lẽ nên chỉ ra căn nguyên từ chính tính phân loại thấp của đề thi đại học năm nay. Để tìm giải pháp cho vấn đề này, mấu chốt là tính phân loại thí sinh.

Gần đây trên diễn đàn Báo Lao Động, TS Lương Hoài Nam đóng góp quan điểm như sau: "Hai kỳ thi, hai mục đích khác nhau lại cố để dung hòa và trộn lẫn vào làm một tạo ra những bất cập. Vì thế, tốt nhất theo tôi để vẹn toàn và đạt được hiệu quả cao nhất thì nên bỏ đi hẳn mục đích xét tuyển THPT. Kỳ thi chung đó chỉ nên làm một mục đích chung duy nhất là xét tuyển vào đại học, cao đẳng”.

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/lam-the-nao-de-diem-uu-tien-khong-con-la-ganh-nang-545232.ldo