Làm sao để người dân đổi vàng lấy “giấy”?

Mới đây, TP Hồ Chí Minh có đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do Nhà nước quản lý. Đồng thời, kiến nghị xây dựng đề án cho tổ chức được huy động vàng nhàn rỗi từ dân cư để phát triển kinh tế - xã hội.

Có sự tham gia của NHNH nhiều người dân sẽ đổi vàng lấy “giấy”. Ảnh: NL

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất thành lập sàn vàng được đưa ra. Từ vài năm trước và sau Nghị định 24/CP-2012, Chính phủ từng lưu ý NHNN nghiên cứu việc thành lập sàn vàng quốc gia, huy động vàng trong dân và đưa vào sản xuất.

Có niềm tin nhiều người dân sẽ đổi vàng lấy “giấy”

Chị Quỳnh Như (quận Tân Phú) cho biết: Tôi cũng như nhiều người mua vàng để phòng thân, vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Thói quen này đã ăn sâu bám rễ vào trong tâm trí từ bao đời nay. Thú thật, giữ vàng trong nhà nhiều khi cũng không thấy yên tâm, nhưng thuyết phục tôi đổi vàng lấy chứng chỉ, rồi lại đưa cho người khác sử dụng là điều không hề đơn giản. Có ai đảm bảo chắc chắn vàng của dân không bao giờ bị mất không? Vậy nên, niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế và cả những cam kết của Nhà nước là được xem “con át chủ bài” của việc thành lập sàn vàng để huy động vàng trong dân!

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cho biết, số lượng người dân thiếu niềm tin hay e ngại việc huy động vàng là có nhưng không chiếm đại đa số. Ngược lại, vẫn có lượng người có nhu cầu mong muốn được đầu tư qua sàn vàng. Bởi vài năm trở lại đây, đã có hàng loạt vụ sàn vàng chui khi bị sập chôn vùi hàng trăm tỉ đồng của nhà đầu tư. Cứ đánh sập sàn vàng chui này, lại có một sàn vàng chui khác xuất hiện. Tất nhiên ở đây có yếu tố hám lợi vì những lời quảng cáo siêu lợi nhuận. Cũng không thể phủ nhận một điều là nhu cầu đầu tư vàng luôn hiện hữu trong một bộ phận dân chúng. Chính vì lẽ đó không ít nhà đầu tư có thể biết, đầu tư sàn vàng chui là bất hợp pháp, là chịu rủi ro cao, không được pháp luật bảo vệ song họ vẫn “nhắm mắt làm liều”.

Vậy nếu giờ đây, “NHNN chấp thuận thành lập sàn vàng tại thành phố, người dân mang vàng đổi lấy chứng chỉ. Thông tin giao dịch minh bạch, có thể được dùng để chuyển nhượng, sang tên hoặc cầm cố đi vay vốn, thế chấp… làm tăng tính thanh khoản của vàng. Hơn nữa lại được pháp luật bảo vệ, thì không có lý do gì mà những nhà đầu tư vàng nói trên lại không “chạy ngay” vào sàn vàng do Nhà nước thành lập”, ông Khánh phân tích.

TS Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đặt câu hỏi: Tại sao người dân sẵn sàng gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng. Bởi, họ tin rằng không bao giờ bị mất tiền bởi không có chuyện ngân hàng phá sản. Vậy với việc thành lập sàn vàng cũng tương tự. Nếu cơ quan quản lý tạo dựng được niềm tin với người dân, thì không có lý do gì họ lại không đem vàng đến gửi.

NHNN nên thành lập sàn vàng quốc gia

Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, VGTA đã nhiều lần đề xuất phương án thành lập sàn vàng để trình NHNN. “Tuy nhiên, 4 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa làm được điều này. NHNN cứ im lặng mãi thế này cũng không ổn. Hơn nữa, thành lập sàn vàng đã trở thành thông lệ quốc tế và rất nhiều nước đã áp dụng hình thức này để đưa nguồn lực trong dân vào nền kinh tế”, ông Bảng cho biết.

"Thử hỏi bất kỳ ai có thể cho biết được con số chính xác về lượng giao dịch vàng hàng ngày, hàng tháng trên thị trường Việt Nam là bao nhiêu không? Nhưng nếu tổ chức sàn vàng thì nguồn đầu tư là bao nhiêu, xu hướng kinh doanh vàng sẽ thế nào… Nhà nước hoàn toàn giám sát được. Vậy, tại sao những cái kiểm soát được và đem lại nhiều mặt lợi cho nền kinh tế thì NHNN không muốn làm?", ông Bảng nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Cty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) - người từng có kinh nghiệm tổ chức sàn vàng đúng chuẩn của sàn hàng hóa nước ngoài cho biết: “Sở giao dịch vàng quốc gia hoạt động tốt, về lâu dài sẽ triệt tiêu vàng hóa, góp phần ổn định tỷ giá. Trong khi đó, NHNN huy động được một nguồn lực hùng hậu nhưng không tốn đồng lãi suất nào. Quan trọng hơn, với nguồn lực vàng này nếu đem làm tài sản đảm bảo, Chính phủ sẽ huy động trái phiếu trên thị trường quốc tế với lãi suất thấp hơn. Giống như một anh vay có bảo đảm với anh vay không có bảo đảm, chắc chắn lãi suất sẽ khác nhau. Đây cũng là xu hướng của các nước phát triển”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, NHNN nên thành lập một sàn vàng quốc gia để minh bạch hóa thông tin, đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân. “Việc lập ra sàn giao dịch vàng sẽ mang lại lợi ích tích cực cho nhiều phía, từ cơ quan quản lý cho tới người dân, nhà đầu tư. Thế giới có kênh đầu tư vàng cho người dân, tại sao chúng ta lại không?”, ông Hiếu nói

Nghiêm Lan

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/lam-sao-de-nguoi-dan-doi-vang-lay-giay_t114c1067n111894