Làm sao để kiểm soát được tiền gửi trong ngân hàng?

Một loạt sai phạm của ngành Ngân hàng được khui ra khiến dư luận lo lắng về sự an toàn của tài sản. Vậy người gửi tiền cần phải làm gì để kiểm soát được tiền của chính mình?

Xét xử “đại gia” ngân hàng Hà Văn Thắm, một loạt sai phạm được khui ra, trong đó đáng chú ý là vụ mất tiền lên đến hơn 400 tỷ đồng của 24 người mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (Oceanbank) chi nhánh Hải Phòng.

Dư luận lo lắng về sự an toàn của tài sản. Vậy người gửi tiền cần phải làm gì để kiểm soát được tiền của chính mình?

Là một chuyên gia về tài chính, đồng thời lại là người làm quản lý tại ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vừa rồi, xảy ra những vụ việc khách hàng mở sổ tiết kiệm nhưng thông tin này không hề được đưa vào hệ thống, điều này có nguyên nhân do khách hàng không kiểm tra văn bản sổ sách mà nhân viên đưa ra.

Ngoài ra, còn xuất phát từ lý do một số người mở số tiết kiệm nhưng không đến ngân hàng mà tin tưởng tuyệt đối những thủ tục do nhân viên đến tận nơi phục vụ.

“Bởi vậy, để tránh xảy ra hiện tượng trên, giải pháp đơn giản để khắc phục vấn đề này là dịch vụ truy vấn thông tin biến động tài khoản qua điện thoại hoặc email đang được hầu hết ngân hàng triển khai. Dịch vụ này giúp khách hàng cập nhật mọi giao dịch phát sinh tiền ra tiền vào của tài khoản, chi tiêu qua thẻ, thậm chí ngay cả sổ tiết kiệm mới mở tại quầy sẽ được thông báo biến động cho bạn thông qua tin nhắn điện thoại hoặc email. Ngoài ra, người gửi tiền phải luôn luôn kiểm chứng thông tin về tài khoản của mình qua Internet. Những thông tin cần kiểm tra là số dư bao nhiêu, tháng vừa rồi có phát sinh giao dịch nào không.

Thứ 2 là tất cả các giao dịch, khách hàng nên đến tận nơi chi nhánh, phòng giao dịch, hội sở, không nên để các nhân viên đến tận nhà làm giúp các thủ tục. Các giao dịch phải được thực hiện trong khuôn viên vì còn có người làm chứng, có camera giám sát. Tuyệt đối không nên giao dịch ở ngoài khuôn viên ngân hàng, ngoài giờ làm việc. Thứ 3 là 1 tháng ít nhất 1 lần kiểm tra bản sao kê, các giao dịch đáng ngờ. Thứ 4 là đổi mật khẩu Internet banking mỗi tháng 1 lần, hoặc lâu nhất cũng là 3 tháng 1 lần”, TS Hiếu khuyến cáo.

Với trường hợp Oceabank, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu tiền gửi đã đến được ngân hàng hợp pháp, sau đó các cán bộ ngân hàng mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, thì chắc chắn ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn tiền cho người gửi.

Tiếp cận vụ việc theo khía cạnh luật sư, ông Trương Thanh Đức- Công ty Luật Basico cho rằng, chưa thể kết luận 100%, nhưng qua nội dung giao dịch, diễn biến bản chất có thể nghiêng về hướng những sổ tiết kiệm này là giả. Chưa nói về phôi sổ có thể là thật, nhưng về tổng thể có thể nói là sổ giả vay mượn, chi lãi bên ngoài.

Trong trường hợp này, người nhận tiền rõ ràng là lừa đảo, gian dối, còn người gửi tiền có thể làm đúng quy trình gửi tiền và bị lừa, nhưng cũng không loại trừ khả năng có những sai sót nhất định dẫn đến bị lừa...

Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/lam-sao-de-kiem-soat-duoc-tien-gui-trong-ngan-hang-459251/