Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở các dự án bị thua lỗ

Ngày 15/11, trong số các câu hỏi của 18 đại biểu cuối cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhiều câu hỏi khá gai góc, tiếp tục "truy" đến cùng vai trò quản lý nhà nước với các dự án nhà nước bị thua lỗ thời gian qua.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

"Với các dự án tư nhân, nếu đầu tư thất thoát, những người có liên quan "khuynh gia bại sản", thậm chí có thể đi tù. Nhưng với các dự án công, qua giải trình của Bộ trưởng, chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai", ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận xét khi nêu chất vấn về các dự án đầu tư thất thoát.

ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm rõ vai trò, trách nhiệm của những người đệ trình dự án, tham gia vào quá trình thẩm định, tổ chức thực hiện dự án.... khi dự án không thực hiện được, để xảy ra thua lỗ.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu câu hỏi: "Là Bộ nắm giữ nhiều tập đoàn, tổng công ty và tài sản lớn của nhà nước, để xảy ra tình trạng thất thoát, thua lỗ tại 5 siêu dự án và một số quan ngại khác mà một số ĐB đã nêu, với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì vừa căn cơ, vừa táo bạo để bảo tồn vốn, phát triển mạnh mẽ DN, thực hiện cho được mục tiêu và yêu cầu là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo?".

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

"Cử tri bảo cứ đưa cho các DNNN triển khai dự án là thua lỗ, là không thành công, là mất mát rất nhiều, rất phổ biến. Vậy có lẽ đang có chưa ổn, còn bị sai trong cách thức thực hiện dự án. Vậy có nên thay đổi không? Bộ trưởng có thay giám đốc BQL dự án, tức là "trảm tướng" ngay để cải thiện tình hình không?", ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi.

Đặt câu hỏi cụ thể với dự án đạm Ninh Bình, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu câu hỏi về hướng xử lý với dự án này khi không còn hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tương lai của hơn 700 công nhân ra sao khi nhà máy đã ngừng hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Trong khuôn khổ thời gian dành cho phần trả lời chiều nay chỉ còn 20 phút, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi của Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình).

Bộ trưởng cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai thi công, đầu tư, dự án đạm Ninh Bình xuất hiện những vấn đề rất phức tạp. Đạm Ninh Bình sử dụng công nghệ chế biến đạm từ than, thực hiện khí hóa than rồi sau đó chế biến đạm từ khí đó.

Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư từ thời điểm giá khí, dầu mỏ còn ở mức rất cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, giá dầu thế giới giảm thấp, có thời điểm chỉ còn từ 40 - 50 USD/thùng, nên xét về mặt công nghệ và hiệu quả, dự án không còn khả năng cạnh tranh với các dự án chế biến đạm từ khí ở trong nước như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ; đồng thời không đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập từ Trung Quốc, Indonesia..., vốn đều sử dụng công nghệ chế biến đạm từ khí với giá rất cạnh tranh.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình)

Về trách nhiệm của các cấp quản lý trong dự án này, Bộ Công thương hiện đang tiến hành thanh tra, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm cụ thể. Bộ trưởng cũng cho biết, giải pháp để khắc phục hậu quả từ dự án này cần được nghiên cứu thấu đáo, xem xét đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể về tính khả thi, các phương án xử lý...; bảo đảm bảo vệ tài sản nhà nước ở mức cao nhất, có giải pháp triệt để xử lý cả khía cạnh công nghệ, kinh tế, thương mại của dự án, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để có hướng khắc phục lâu dài. Việc giải quyết 700 người lao động của nhà máy, nếu có, cũng phải được xem xét cho phù hợp với giải pháp tổng thể của dự án.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời về 5 "siêu" dự án thua lỗ

(HNMO)- Sáng nay (15/11), phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của QH khóa XIV đã mở đầu với phần đăng đàn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855072/lam-ro-trach-nhiem-quan-ly-nha-nuoc-o-cac-du-an-bi-thua-lo