Làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần

Chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Sáng nay 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,46%). Luật có 9 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Đáng lưu ý, Luật đã thông qua quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 4 Điều 27), chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Bởi bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người bị hại đã chết thì người thừa kế được hưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định như vậy là phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước.

Ông Định nhấn mạnh: “Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan”.

Sau nhiều lần chỉnh lý, tiếp thu ý kiện của các đại biểu Quốc hội, Luật đã thông qua quy định về việc: Khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không tại điểm a khoản 2 Điều 42 của dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nhiều luật quan trọng

Cũng trong sáng nay, với 458/458 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,28%), Quốc hội đã thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Một điểm mới của Luật được dư luận chờ đợi và đánh giá cao là diện người được trợ giúp pháp lý đã bao quát và mở rộng hơn so với luật hiện hành, lên 14 nhóm người. Điều đó thể hiện đúng bản chất của trợ giúp pháp lý của Nhà nước ta, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, một số nhóm người có khó khăn về tài chính cũng được trợ giúp pháp lý, cụ thể là: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân của hành vi mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS.

Các đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; họ có quyền lựa chọn tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố.

Bên cạnh đó, họ có quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Tiến Khánh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/lam-ro-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ve-tinh-than-d46290.html