Làm rõ Dự thảo Luật Quản lý, Sử dụng tài sản nhà nước

Tại diễn đàn Quốc hội, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công (Điều 6), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho rằng, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công được quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, làm rõ và chỉnh sửa một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong thực tế có nhiều loại tài sản công đang được các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng nhằm kinh doanh, cung cấp dịch vụ công và người sử dụng các dịch vụ phải nộp các khoản phí, lệ phí hoặc giá dịch vụ do cơ quan nhà nước quy định. Do đó, dự thảo Luật quy định “nguồn lực tài chính từ tài sản phải được khai thác hợp lý, theo cơ chế thị trường và phải bảo đảm bù đắp chi phí” (khoản 4) là chưa thực sự phù hợp.

Theo đó, nên xây dựng nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công cho các mục đích cụ thể như sau: Tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước phải sử dụng, khai thác đúng mục đích, tiêu chuẩn và tiết kiệm; tài sản cung cấp dịch vụ công thực hiện nguyên tắc của Luật phí và lệ phí; tài sản để kinh doanh phải thực hiện theo cơ chế thị trường, bù đắp được chi phí và bảo đảm được lợi ích của nhà nước;

Thứ hai, đề nghị cần bổ sung vào khoản 4 Điều 6 nguyên tắc: Việc khai thác các nguồn lực tài chính từ tài sản công phải bảo đảm tiết kiệm, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước;

Thứ ba, đề nghị đưa khoản 2 Điều 7 sang nội dung của Điều 6 vì đây cũng là nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công để trách trùng lặp và sửa lại tên Điều 7 là hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết có ý kiến trong Ủy ban đề nghị cần làm rõ khái niệm “khai thác tài sản công”, vì thực tế việc khai thác là hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết, thế chấp cho vay hoặc sử dụng tài sản để cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.

Về công khai tài sản công (Điều 8), Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho rằng: Nội dung công khai về tài sản công tại khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật còn thiếu chi tiết, đề nghị cần làm rõ việc công khai trên cổng thông tin điện tử ở cơ quan nào, địa điểm niêm yết công khai, hình thức công khai (công bố tại các kỳ họp nào, định kỳ công bố hay công bố khi có điều chỉnh, thay đổi về tài sản...).

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo luật này. Đại biểu Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho biết: Đánh giá tài sản công là công cụ hết sức quan trọng, là tiềm năng của quốc gia. Ở nước ta, có rất nhiều tài sản hiện nay chưa đánh giá theo giá thị trường, đặc biệt là tài nguyên về đất đai, công trình phúc lợi xã hội, kể cả hệ thống đường giao thông... Dự thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, phù hợp với giai đoạn phát triển mới để quản lý tài sản công ngày một bài bản hơn, công khai minh bạch để toàn dân biết về tài sản quốc gia.

Quốc Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/lam-ro-du-thao-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-nha-nuoc-d49236.html