Lạm phát khó đạt mục tiêu 5%

(HQ Online)- Nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo này tại hội thảo diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cáo năm 2016 do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức sáng nay, 7-7.

Các chuyên gia dự báo, CPI cả năm 2016 đạt bình quân 3,5-4%. Ảnh: Hồng Vân.

Xu thế đảo ngược

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước tính có mức tăng trưởng giảm khá mạnh, chỉ 5,52% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ tăng trưởng này tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng lại thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng khá cao, 2,35% so với tháng 12-2015 và 1,72% so với bình quân cùng kỳ 2015. Hai chỉ số này của 6 tháng đầu năm 2015 chỉ ở mức 0,55% và 0,86%.

Với những con số đó, có thể nói, diễn biến 6 tháng qua có chiều hướng đảo ngược so với kết quả của năm 2015, tức là chuyển từ xu thế tăng trưởng cao, lạm phát thấp, tiêu dùng cao sang tăng trưởng giảm, lạm phát tăng, tiêu dùng giảm.

Phân tích nguyên nhân tăng của CPI, đại diện Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính nhận định, chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, biến động tăng của giá nguyên nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và lương cơ sở.

Cụ thể, giá xăng dầu, giá gas tăng trong quý 2 theo xu hướng biến động tăng của thị trường thế giới. Giá lương thực tăng trong tháng 3 cho đến giữa tháng 5 do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký cùng với những lo ngại về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến nguồn cung thóc gạo. Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm dùng trong Tết Nguyên đán, nghỉ lễ cũng đẩy giá mặt hàng này tăng nhẹ trong một số thời điểm,…

Bên cạnh đó, theo các quy định mới về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm và giá dịch vụ giáo dục đã tác động tăng giá các mặt hàng thuộc 2 nhóm này tăng 23,12% và 4,47%.

Tránh điều chỉnh giá cùng lúc

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2016, TS. Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Trong bối cảnh GDP khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% cả năm, CPI cũng khó đạt được chỉ tiêu dưới 5% so với tháng 12-2015.

Theo ông Phương, có thể CPI 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm khoảng 2,7-3% do giá hàng hóa thế giới đang có xu hướng tăng, dầu thô có thể đạt mốc 60USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình. Đặc biệt khả năng tăng trưởng tín dụng 2016 có thể trên 20%, “đổ vào” các khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản cũng sẽ góp phần đẩy giá lên.

Ông Phương dự báo, CPI cả năm 2016 sẽ trong khoảng 5-5,5% so với tháng 12-2015 và đạt bình quân 3,5-4%.

Cùng chung dự báo này, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nhận định: Với sự điều hành thận trọng, tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%. Tuy nhiên, do mặt bằng giá trong năm nay có thể có những biến động phức tạp đến từ ngoại sinh như thị trường thế giới, biến đổi khí hậu và từ nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền, biến động tổng cầu,… nên sẽ không loại trừ việc lạm phát năm 2016 vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ.

Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã xây dựng những kịch bản khác nhau. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường.

Khuyến nghị để kiểm soát giá, PGS. TS Ngô Trí Long đưa ra một số giải pháp khá toàn diện. Trước hết, theo ông Long, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp phù hợp nhằm hạn chế tác động của tình trạng ô nhiễm ở khu vực miền Trung đến hoạt động du lịch. Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn cổ phần của Nhà nước tại một số doanh nghiệp,…

Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực mà kim ngạch có xu thế thấp hơn năm trước như dệt may, điện tử. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định vĩ mô; phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định; phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, hầu hết các chuyên gia có mặt tại hội thảo đều đồng tình rằng: Trong trường hợp điều chỉnh giá, các cơ quan cần xây dựng phương án lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá vào cùng một thời điểm để tránh tác động tới mặt bằng giá, góp phần đảm bảo mục tiêu lạm phát đã đề ra.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-phat-kho-dat-muc-tieu-5.aspx