Làm nhà 25 m2 như thế nào để không thành 'ổ chuột' trên cao?

Gần 10 năm nhấc lên đặt xuống, đến nay việc làm nhà 25 m2 gần như được thông qua.

TP.HCM hiện có 300.000 lao động có thu nhập thấp, nhiều ý kiến cho rằng căn hộ 25 m2, giá khoảng 300 triệu đồng là cứu cánh cho họ. Mới đây Bộ Xây dựng đã cơ bản đồng ý với đề xuất của Hiệp hội BĐS TP.HCM về triển khai xây dựng nhà diện tích 25 m2.

Giải quyết nhu cầu của người nghèo đô thị

Sở hữu căn hộ ở TP.HCM là đích đến mà rất nhiều người dân nhập cư không thể với tới. Các dự án thương mại hiện tại có mức giá đang vượt quá tầm với của họ.

Chung cư Thái An 3, quận 12, TP.HCM đã có những căn hộ 22 m2 với giá bán khoảng 350 triệu đồng từ nhiều năm trước.

Anh Hoàng Quyền, chủ căn hộ ở đây, cho biết gia đình anh chị mua căn hộ này từ năm 2014, sống hơn 2 năm tại đây và thấy thoải mái nhờ khá tiện nghi, sạch sẽ. Quan trọng là căn nhà thuộc sở hữu của gia đình, không phải đi thuê.

Bên trong căn hộ 25 m2 tại chung cư Thái An 3, quận 12, TP.HCM. Ảnh: Liêu Lãm.

Chủ nhà này tính toán vợ chồng làm công nhân may, lương hai vợ chồng chỉ khoảng 16 triệu đồng/tháng, con gái đi học lớp 4. Trước khi mua căn hộ này, họ ở nhà thuê với giá 3 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền điện nước khoảng 300.000 đồng, mỗi năm mất gần 40 triệu đồng tiền thuê nhà. Như vậy gia đình mất khoảng 7 năm tiền thuê nhà là có thể sở hữu được căn hộ này.

“Không chỉ có nhà mà kèm theo đó tôi sẽ có hộ khẩu, con tôi sẽ đi học trường công, cuộc sống ổn định hơn. Mua được căn nhà giải quyết được nhiều vấn đề khác thì cuộc sống của chúng tôi đang là một cuộc cách mạng đúng nghĩa”, anh Quyền hồ hởi nói.

Tuy nhiên trong hàng trăm nghìn người lao động có mức thu nhập thấp không phải ai cũng có được may mắn như anh Quyền. Nhu cầu sở hữu nhà có nhưng vẫn thiếu sản phẩm phù hợp để họ lựa chọn, họ vẫn phải ở trong những khu nhà trọ không đảm bảo về không gian sống tối thiểu.

Chị Trần Thị Xuân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), cho biết chị đã làm ở đây 6 năm, lấy chồng, sinh con. Nhưng phần vì thu nhập cũng chẳng là bao nên gia đình vẫn phải đi thuê nhà trọ. Con cái phải gửi về quê nhờ ông bà trông hộ, vì các khu trọ này không đảm bảo và việc xin học cho con cũng khó khăn.

Tiện ích nội khu vẫn khá đảm bảo. Ảnh: Lê Quân

Chị Xuân chia sẻ: “Nếu như TP.HCM được phép xây dựng căn hộ 25 m2, với giá từ 300-400 triệu đồng, thì chúng tôi có thể vay mượn để sở hữu. Làm công nhân sống ở nhà trọ không phải là khổ, nhưng không được ổn định, nay đây mai đó. Có nhà đồng nghĩa với việc có hộ khẩu, con cái có thể đi học, cuộc sống được đảm bảo”.

Làm sao tránh ổ chuột trên cao?

Là người kiên nhẫn theo đuổi ý tưởng về căn hộ diện tích nhỏ suốt mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng người độc thân, người mới lập gia đình chiếm 25% tổng dân số, có quyền đòi hỏi xã hội cung cấp căn hộ nhỏ đáp ứng được nhu cầu và khả năng của mình. Đó là lý do ông phát triển thí điểm dự án căn hộ nhỏ Thái An 3 ở quận 12.

“Người thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng làm sao mua nổi căn hộ trên 500 triệu đồng? Căn hộ tái định cư, nhà ở xã hội hay cho thuê cũng phải có diện tích nhỏ.

Hơn 90% dân tái định cư phải bán căn hộ vì không đủ tiền trả và chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê thất bại một phần cũng do căn hộ có diện tích lớn”, ông Đực chia sẻ.

Sử dụng đươc không gian chung là điều mà cư dân ở đây thấy thoải mái hơn các xóm trọ. Ảnh: Lê Quân.

Theo các chuyên gia xây dựng, để đảm bảo cuộc sống và vấn đề vệ sinh môi trường tại các khu chung cư, cơ quan quản lý sẽ quy định về diện tích căn hộ. Tuy nhiên, không quan trọng là căn hộ to hay nhỏ mà là diện tích bình quân trên đầu người là bao nhiêu. Nhà 25 m2 cho 2 người ở thì diện tích bình quân đầu người vẫn cao hơn nhà 50 m2 mà 5 người ở.

Ở thời điểm hiện nay, nhà 25 m2 là giải pháp hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều người ở các khu lao động tập trung, khu công nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhà quản lý phải tính xa hơn.

Cho phép xây dựng nhà 25 m2 nhưng phải có tỷ lệ nhất định, nếu một khu toàn nhà 25 m2 thì kiến trúc rất đơn điệu. Đồng thời, trong 10-15 năm nữa, khi những khu nhà này xuống cấp, dân số tăng lên sẽ gây áp lực lớn về hạ tầng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, việc triển khai phát triển nhà ở thương mại diện tích nhỏ đang là xu hướng hợp lý trong thị trường hiện tại. Hiệp hội đang chờ bộ tiêu chí, quy chuẩn xây dựng được ban hành chính thức.

"Tuy nhiên, để loại hình này đảm bảo được chất lượng thì nên có tỷ lệ nhỏ trong một dự án lớn, chứ không phải xây hoàn toàn một dự án diện tích nhỏ", ông Châu chia sẻ.

Vị này cũng cho rằng làm nhà diện tích nhỏ cần được đưa ra các quận vùng ven chứ không thể phát triển trong nội thành. Phải làm sao để nhà thương mại diện tích nhỏ không tạo nên “ổ chuột” trên cao, gây sức ép lớn cho đô thị.

"Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng điều quan trọng nhất của loại hình này là không gian chung và hạ tầng xã hội, chứ không phải là diện tích. Điều này quyết định chất lượng sống của nhà diện tích nhỏ”, ông Châu nói thêm.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cung cầu thị trường đang có vấn đề. Sản phẩm chất lượng cao căn hộ lớn, sang trọng khó bán, do cầu thực có thể thanh toán được ít.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lam-nha-25-m2-nhu-the-nao-de-khong-thanh-o-chuot-tren-cao-post747714.html