Làm mới bưu chính trong thế giới số

ICTnews - Bưu chính các nước châu Âu đã tự làm mới mình với nhiều dịch vụ chuyển phát phong phú và thông tin phù hợp với đối tượng khách hàng của thế giới “ảo” hiện đại.

ICTnews - Bưu chính các nước châu Âu đã tự làm mới mình với nhiều dịch vụ chuyển phát phong phú và thông tin phù hợp với đối tượng khách hàng của thế giới “ảo” hiện đại.

Trụ sở bưu điện Đức đối diện ga điện ngầm cung cấp đủ thứ - từ đĩa DVD, ô, thẻ điện thoại và đồ chơi – song song với việc xử lí thư từ. Trụ sở này, cũng như nhiều khu vực khác, không còn đảm nhiệm chức năng bưu chính đơn thuần.

Trong khi tổng lượng thư hàng năm giảm từ 1-2% ở nhiều nước, bưu chính các nước châu Âu, từ Đức tới Thụy Điển hay Thụy Sỹ đã tự làm mới mình trong suốt thập kỉ qua với các dịch vụ chuyển phát phong phú cũng như thông tin phù hợp với đối tượng khách hàng của thế giới “ảo” hiện đại. Dù vẫn hoạt động 6 ngày/tuần, Bưu chính Đức đã loại bỏ hàng chục nghìn bưu cục, 100.000 việc làm cũng như bỏ trọng tâm vào thư tay.

Bán bưu cục, thuê trụ sở

Đang lâm vào cảnh vỡ nợ và buộc phải thuê chuyên gia tư vấn tái cấu trúc, Bưu chính Mỹ (USPS) buộc phải nhìn sang châu Âu tìm kiếm mô hình hoạt động mới, dù luật pháp Mỹ hiện ngăn cản một số thay đổi. Theo John Payne – Giám đốc điều hành Zumbox, một doanh nghiệp Mỹ chuyên cung cấp hộp thư ảo trên máy tính cá nhân cho bưu chính ngoại quốc, trong khi Bưu chính châu Âu đang chuyển mình để thích nghi với kỉ nguyên số theo nhiều mức độ khác nhau thì “USPS có lẽ là ví dụ tốt nhất minh họa cho chế độ độc quyền thuần túy ít thay đổi nhất”. Payne cho rằng “quá dễ dàng để nói USPS là dạng “người suy thoái”, nhưng thực tế họ đang phải chịu đựng quy định khắc nghiệt và bị ngăn chặn làm kinh doanh trừ lĩnh vực có liên quan tới thư truyền thống”.

Sau khi bán đi 29.000 trụ sở bưu điện trong 15 năm qua, Bưu chính Đức nay chỉ hiện hữu trong không gian của các “đối tác” như ngân hàng, cửa hàng tiện lợi, thậm chí là cả tư gia. Ở nông thôn, nhân viên bán hàng hay chủ hộ ở trung tâm thị trấn đều được cấp dấu hiệu và cử làm “trưởng bưu cục” bán thời gian. Sau khi đóng cửa bưu điện làng Dorn-Assenheim 7 năm trước, bưu chính Đức đã tuyển Renate Weitz – một người nghỉ hưu – phân phát dịch vụ bưu chính từ ngôi nhà của mình mỗi buổi sáng. Còn tại thị trấn Schmitten 10.000 dân, Jens Kinkel thực hiện nhiệm vụ bưu chính tại cửa hàng văn phòng phẩm: “Tôi kiêm luôn hoạt động bưu điện để có nhiều khách hơn. Hầu hết khách mua tem hoặc phong bì và mua thêm một tờ báo”, ông Jens Kinkel nói.

Bưu chính Đức cũng mở rộng mạng lưới phân phối bưu kiện đón đầu nhu cầu mua sắm trực tuyến phát triển mạnh, tích cực mở rộng nhiều dịch vụ hoàn toàn mới, như triển khai chợ điện tử tương tự eBay cho các nhà văn tự do. Thay vì ngồi yên nhìn ngành kinh doanh bị xói mòn bởi các đối thủ cạnh tranh khác như Bưu chính Mỹ, bưu chính Đức đã hoàn tất mua lại công ty logistics DHL năm 2002, đồng nghĩa với việc nhiều người Mỹ giờ trở thành khách hàng của Bưu chính Đức.

“Số hóa” bưu chính

Nhiều dịch vụ bưu chính châu Âu đang phát triển một loạt các dịch vụ điện tử thay thế bưu điện truyền thống và hộp thư lỗi thời. Mọi hóa đơn và danh mục sản phẩm đều gửi trước tới các hộp thư điện tử trên máy tính khách hàng, khách hàng sẽ thông báo cho bưu điện họ muốn in gì và chuyển phát gì. Trong khi người Mỹ đang còn đề xuất nhân vật nào sẽ được xuất hiện trong bộ tem sắp tới, người Đức đã có thể mua hàng ảo ngay từ điện thoại di động. Sự thiếu vắng của bưu cục sẽ gây tổn thương tới thế hệ người cao tuổi vốn không quen với các hộp thư số hóa hay điện thoại di động, tuy nhiên việc mở rộng sang dịch vụ ảo đã làm thỏa mãn khách hàng, tiết kiệm chi phí và giúp giảm thiểu khí thải carbon.

Hộp thư ảo có thể nhận, lưu trữ, sắp xếp hóa đơn của năm, đề phòng trường hợp khách hàng cần kiểm tra lại từng công ty tín dụng hay nhà cung cấp viễn thông. Dù dịch vụ miễn phí loại này triển khai khá chậm ở Thụy Điển, số lượng thành viên đăng kí vẫn tăng vọt trong năm qua. Đối với bưu kiện thực tế, khách hàng Bưu chính Đức được gửi hàng tại tủ đựng đồ ở các ngân hàng tự động đặt tại nhiều địa điểm như nhà ga; số tủ và mã mở tủ được gửi tới điện thoại di động của họ. Posten, Bưu chính Thụy Điển thậm chí còn cho phép du khách chuyển hình ảnh chụp từ di động để Posten in ra dạng bưu thiếp và chuyển phát như thư tay thông thường.

Có lẽ điều ngạc nhiên nhất chính là mô hình bưu chính mới không đồng nghĩa với ngày tàn của tiếp thị trực tiếp dù các chuyên gia cho rằng nội dung tiếp thị sẽ tiếp cận máy tính và điện thoại di động nhiều hơn. PostNord – doanh nghiệp hoạt động bưu chính ở cả Đan Mạch và Thụy Điển, còn giúp các công ty nhỏ phát triển chiến dịch tiếp thị trực tiếp, “đảm bảo dịch vụ tới đúng đối tượng, đúng thời điểm thông qua vệ tinh và mạng ảo cũng như người đưa thư truyền thống”.

“Nhận ra cung cấp dịch vụ bưu chính quốc gia là ngành kinh doanh nhiều rủi ro, chúng tôi quyết định xác định lại vai trò của nhà cung cấp bưu chính trong thế giới số.” (Clemens Beckmann, Phó Chủ tịch đổi mới mảng thư từ của bưu chính Đức)

Du Lam

Theo NYtimes

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 131 ra ngày 2/11/2011.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/buu-chinh/Lam-moi-buu-chinh-trong-the-gioi-so/2011/11/2SVCM7696825/View.htm