Lam lũ mưu sinh giữa lòng hồ thủy điện

GD&TĐ - Ngày ngày, giữa lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) có nhiều người lam lũ mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá.

Họ là những người dân nghèo đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng đều có chung một niềm mong ước cuộc sống vơi bớt đi nỗi nhọc nhằn, khốn khó.

Vật lộn mưu sinh

Chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi đến khóm Năm Tài nằm giữa lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Khóm Năm Tài có hơn 50 hộ dân, họ đến từ các tỉnh miền Tây và một số địa phương khác. Các ngư phủ lí giải, sở dĩ được gọi là khóm Năm Tài, do người dân nơi đây đặt theo tên gọi của ông Võ Văn Tài (quê Tiền Giang). Nhà ông này chuyên bán hàng tạp hóa, là nơi các ngư phủ thường xuyên tập trung bàn chuyện giá cả thủy sản.

Điều kiện sinh hoạt dù khó khăn, nhưng mọi trang thiết bị được người dân mua sắm khá đầy đủ. Căn nhà nổi của ông Võ Văn Tài trở thành ki ốt buôn bán, cung cấp các mặt hàng chủ yếu cho người dân trở thành trung tâm của làng chài. Tuy nhiên, để có hàng hóa, người dân phải di chuyển một chặng đường khá dài.

Ban đầu họ sử dụng xuồng xuất phát từ làng chài, đến huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) hoặc đi đến trung tâm xã Đắk Som. Sau đó, họ bắt thêm một chặng xe nữa mới đến trung tâm huyện để mua sắm. “Các vật dụng mắm muối và nhiều đồ dùng khác phục vụ cho sinh hoạt luôn phải có đầy đủ. Một lần đi là một lần khó, chúng tôi phải lên kế hoạch mua từng cái nhỏ nhất từ cái tăm xỉa răng… cho đến các vật dụng lớn hơn” - ông Võ Văn Tài cho biết.

Căn nhà của anh Nguyễn Văn Diện (48 tuổi), nằm ở đầu làng chài, mái lợp tôn. Anh Diện quê ở Bến Tre. Bố mẹ ở quê cũng nghèo, chẳng có gì làm của hồi môn cho con. Gia tài bố mẹ để lại đó là “truyền nghề” mưu sinh cho con trên các dòng sông, suối… kiếm từng con cá sống tạm qua ngày. “Tôi đến đây từ năm 2010, từng sống ở nhiều chốn ở Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng. Hồ thủy điện Đồng Nam 3, có lẽ là nơi cuối cùng tôi sẽ gắn bó mãi nơi đây, vì ở đây còn có thể kiếm ra tiền. Nơi khác chẳng biết làm gì mà nuôi gia đình” - anh Diện tâm sự.

Bên trong các căn nhà tạm bợ của các ngư phủ sống ở hồ thủy điện Đồng Nai 3 có các tiện nghi như tivi và các vật dụng đồ điện tử khác. Ban đêm, điện được thắp sáng bởi chiếc ắc quy, sau khi qua bộ phận kích điện sẽ đủ chiếu sáng và bật được truyền hình.

“Mỗi nhà mua sắm từ 3 đến 5 cái bình ắc quy, những hộ “đại gia” mới có ắc quy lớn đấu nối được với tivi. Mỗi một lần đi Di Linh là một lần khó, chúng tôi mang theo với số lượng lớn để sạc dự phòng. Đi mất cả ngày trời mới xong công việc. Biết là vất vả, nhưng không làm, không biết lấy gì mà sống. Về quê cũng vậy, chẳng có việc gì làm” - ông Tài kể.

Không chỉ có người miền Tây di cư đến đây, một số hộ dân sống ở các tỉnh khác cũng đến hồ thủy điện Đồng Nai 3 lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, ở thời điểm khó khăn việc cơm áo gạo tiền gắn liền với sông nước… cũng dần trở thành gánh nặng.

“Mấy miệng ăn trong nhà phụ thuộc vào mấy cái bè nuôi này. Ngày trước, ở Đồng Nai, Đồng Tháp làm ăn còn được, đánh bắt mãi cá cũng cạt kiệt dần. Thời gian đầu khi mới về đây thấy khấm khá hơn, nhưng nguồn tài nguyên trong lòng hồ cũng đang dần thưa đi. Những con cá lớn chúng tôi đem bán, cá nhỏ đem về nhà làm thức ăn để nuôi cá lồng bè và cải thiện bữa ăn cho gia đình” - chị Tuyết, một người nuôi cá bè - chia sẻ.

Khao khát đến trường

Ban ngày người lớn đi làm hết, chỉ còn lại trẻ con, hoặc những người phụ nữ mắc bệnh, ốm đau mới ở nhà. Những đứa trẻ ở đây không được học hành đến nơi đến chốn. Em Võ Thị Thúy Kiều (12 tuổi) được xem là người có trình độ văn hóa cao nhất khóm (học hết lớp 2). Khi bố vắng nhà, Thúy Kiều là người lao động chính như chèo thuyền ra giữa lòng hồ cho cá ăn, làm công việc gia đình… vì mẹ của em mắc chứng bệnh bại liệt đã nhiều năm nay. Xếp bỏ ngư cụ vào bên trong nhà, Thúy Kiều lần giở quyển sách Toán lớp 2, là kỷ niệm duy nhất của em khi còn ở miền Tây, nơi em có cơ hội được đến trường.

Kiều lưu giữ kỷ niệm cất giấu cẩn thận trong ngăn tủ, mặc dù thời gian thấm thoát thoi đưa đã hơn 4 năm, nhưng quyển sách Toán, tiếng Anh lớp 2 trông vẫn còn mới. “Gia đình em nghèo lắm, bố mẹ lên đây lập nghiệp bắt em ở lại miền Tây để học hết lớp 12. Nhưng em nhớ ba và thương mẹ mắc trọng bệnh, nên phải bỏ quê lên đây chăm mẹ và phụ ba làm việc kiếm sống. Mỗi lần mở sách làm em nhớ lại ký ức khi còn đi học” - em Thúy Kiều trầm tư, cho biết.

Ở làng chài có gần 20 em nhỏ đang độ tuổi đến trường, cũng nằm trong diện không có cơ hội đến lớp. Tha thiết lớn nhất của Thúy Kiều và bao em nhỏ là muốn được cắp sách đến trường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, giao thông đi lại xa xôi, vất vả… các em đành nghe tiếng trống khai trường trong ký ức. “Em muốn đi học lắm, nhưng hoàn cảnh hiện tại không cho phép. Ba đi làm suốt ngày đêm, mẹ bị bệnh, em còn nhỏ, từ lòng hồ đến trường lại rất xa. Nếu trường học có ở gần, điều kiện gia đình cũng không nuôi em đi học được” - Thúy Kiều bùi ngùi chia sẻ.

Khó khăn định canh, định cư

“Con ngựa chạy mãi cũng chồn chân…”, mưu sinh đủ mọi miền ở nhiều tỉnh thành, những hộ dân làng chài khát khao được lên bờ, có cuộc sống ổn định. “Từ nhà tôi lên trung tâm xã mất những hơn 10km, đường đi lại rất khó khăn. Mỗi lần cho con đi học thêm cơ cực. Trước mắt phải cho nó học lấy cái chữ, sau này nếu không thích học nữa, sẽ cho nó theo nghiệp mẹ cha” - anh Diện chia sẻ.

Như bao hộ dân khác, gia đình chị Nguyễn Thị Ka (35 tuổi) khát vọng mãnh liệt có được mảnh vườn, rẫy để định canh định cư lâu dài. “Bao nhiêu năm lênh đênh nghề sông nước, nay chúng tôi mong muốn có mảnh vườn để lên bờ làm ăn, mở mày mở mặt, con cái có điều kiện ăn học. Chồng tôi bệnh tật, con cái còn nhỏ dại. Tuy nhiên, việc nhập khẩu lại rất khó khăn do chúng tôi chuyển từ nơi khác đến, cho nên chúng tôi chỉ được phép đăng ký tạm trú tạm vắng mà thôi. Gia đình tôi và nhiều hộ khác mong muốn chính quyền tạo điều kiện cấp đất canh tác để được ổn định cuộc sống trên bờ. Chúng tôi còn kiếm được cá ở lòng hồ, mai kia đời con hết cá, lấy gì mà ăn” - chị Ka bộc bạch.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/lam-lu-muu-sinh-giua-long-ho-thuy-dien-2506685-b.html