Làm liều vì thiếu hiểu biết

Trang Trần

(Cadn.com.vn) - Chỉ đến khi được cơ quan chức năng mời lên làm việc, ông Hồ Văn Lũy (1954, trú P.Thanh Bình, Hải Châu, Đà Nẵng) mới hay những việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Đặc biệt khi TAND Q.Thanh Khê đưa vụ án của ông ra xét xử về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” ông mới hối hận về sự thiếu hiểu biết của mình...

Phiên tòa kéo dài hơn thường lệ bởi trong quá trình xét hỏi các vị trong HĐXX nhiều lần phải dừng lại để giải thích về nhiều góc độ pháp luật cho bị cáo được hiểu. Cũng chính từ sự “ngây ngô” về pháp luật của mình nên bị cáo bảo thủ cho rằng những việc làm của mình là không sai. Qua lời khai của bị cáo Lũy, nội dung vụ việc được thể hiện, ngày 10-7-2014 TAND TP Đà Nẵng có Bản án dân sự số 13/2014/DS-ST buộc vợ chồng ông phải tiếp tục thực hiện “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất” ngày 12-12-2012 đối với nhà đất tại số 4- Lý Triện (P.An Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng), đồng thời buộc vợ chồng ông phải giao toàn bộ nhà đất nói trên cho ông Phạm Phú Huy và bà Phan Thị Thanh Vân quản lý, sở hữu theo giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất có số hiệu BK992643 ngày 21-11-2012... Sau khi bản án có hiệu lực, thay vì thực hiện việc giao tài sản thì vợ chồng ông Lũy lại tỏ ra... tiếc của nên không chịu giao, buộc cơ quan THADS TP Đà Nẵng phải ra quyết định cưỡng chế giao nhà và ngày 27-11-2015 đã tiến hành cưỡng chế.

Tiếc là vậy nhưng khi cơ quan chức năng thi hành việc cưỡng chế ông Lũy đã chấp hành, chấp nhận giao nhà và đất cho vợ chồng ông Huy-bà Vân. Thời điểm cưỡng chế giao nhà, ông Lũy ký vào biên bản và không có thỏa thuận nào về tài sản nào khác. Sự việc tưởng đã xong xuôi, vậy nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến tài sản hai vợ chồng ki cóp mãi mới tạo dựng được nên cứ “ăn không ngon ngủ chẳng yên”. Đến ngày 6-1-2016, ngang qua nhà cũ thấy cửa mở và đang có người dọn vệ sinh, Lũy “bụng bảo dạ” phải lấy lại những thứ đáng ra hôm trước mình nên lấy trước khi giao nhà. Nghĩ là làm, Lũy và vợ cùng với con trai là Hồ Thanh Quang (1990) đến nhà số 4- Lý Triện đồng thời gây gổ, chửi bới và đuổi hai người đang quét dọn ra khỏi nhà. Lũy thuê thêm người đến tháo dỡ, cắt và lấy đi các tài sản của ngôi nhà gồm: 1 cửa cổng sắt, 4 cửa gỗ căm xe, 3 cửa nhựa, 4 bồn rửa mặt. Sau khi lấy những thứ trên, cái Lũy mang bán, cái cho người khác sử dụng. Khi sự việc xảy ra, bà Vân đã trình báo CAP yêu cầu ông Lũy phải chấm dứt hành vi trên, tuy nhiên đến chiều Lũy lại tiếp tục đến lấy phần còn lại của cánh cửa cổng sắt.

Khi được hỏi vì sao bị cáo đã giao nhà cho bà Vân lại còn đến tháo dỡ đồ trong nhà, và liệu bị cáo có biết như vậy là vi phạm pháp luật hay không thì bị cáo cho rằng không biết. Bị cáo lý giải, đấy là nhà bị cáo nên bị cáo chỉ lấy bớt đi một vài thứ chứ bị cáo không phá hoại. Và trên tất cả là do bị cáo xót của nên mới làm như thế, của cải được gầy dựng bằng tất cả mồ hôi và nước mắt của vợ chồng bị cáo nên càng xót làm liều. Với giá trị tài sản bị cáo chiếm là 8,2 triệu đồng, bị cáo đã bị truy tố về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Vậy nhưng trong suốt quá trình tố tụng và ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa bị cáo Lũy vẫn không hiểu tại sao mình lại là người có tội. Chỉ sau khi nghe HĐXX phân tích về những hành vi cụ thể của bị cáo đã cấu thành tội danh như trên như thế nào, bị cáo mới hiểu. “Do trình độ văn hóa thấp nên nhận thức về pháp luật của bản thân tôi có phần hạn chế. Tôi nghĩ mọi việc chỉ đơn giản chứ không phải phức tạp như thế này. Bây giờ tôi đã biết việc làm của mình là sai trái vi phạm vào khoản 1 Điều 137 BLHS thì chuyện cũng đã rồi, bị cáo nay đã có tuổi... chỉ mong HĐXX cho tôi cơ hội để sửa sai”, bị cáo Lũy nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án. Sau khi xem xét mức độ phạm tội của bị cáo HĐXX TAND Q. Thanh Khê đã tuyên xử bị cáo Lũy 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Có thể thấy, trong cuộc sống có không ít người đã rơi vào hoàn cảnh như bị cáo Lũy. Chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên làm liều rồi đến khi vướng vào vòng lao lý mới thấy mình sai, ân hận. Mỗi công dân Việt Nam đều sống và làm việc tuân thủ pháp luật, trước khi hành động cần phải cân nhắc kỹ... như vậy sẽ tránh được trường hợp đáng tiếc xảy ra mà trường hợp của bị cáo Lũy là một minh chứng.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/78_157197_la-m-lie-u-vi-thie-u-hie-u-bie-t.aspx