Làm giàu từ nuôi cá lồng bè: Bí quyết 'vàng' thu lãi tiền tỷ

Mô hình nuôi cá lồng trên sông là phương thức chăn nuôi làm giàu tiền tỷ mới, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Bí quyết vàng của mô hình này là gì?

Xã Vũ Đoài, Thái Bình nuôi cá lồng trên sông Hồng

Ông Phạm Đình Chiểu là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016” vừa được Chủ tịch nước vinh danh. Ông đã có những thành tựu trong nhất định trong việc làm giàu bằng nuôi cá lồng bè trên sông Hồng.

Ông Phạm Đình Chiểu (bên phải)- “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016” Làm giàu giỏi của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Báo Thái Bình

Ông Phạm Đình Chiểu (bên phải)- “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016” Làm giàu giỏi của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Báo Thái Bình

Ông Chiểu chia sẻ với báo Thái Bình, khi mới nhập cá giống về phải nuôi tại ao cho cá thích nghi với môi trường. Khi cá đã quen dần, đủ cứng cáp và có sức đề kháng tốt mới thả ra lồng trên sông. Môi trường nước luôn phải bảo đảm độ pH ổn định, không vẩn đục hay có rác thải trôi nổi mắc vào lồng. Thức ăn chủ yếu của các giống cá nuôi trong lồng là cám viên nổi (cám công nghiệp) và cá biển. Việc bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, chi phí thấp, ít bị dịch bệnh, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/lồng đối với cá diêu hồng và từ 8 - 10 tấn/lồng đối với cá lăng. Theo tính toán của ông Chiểu, một lồng cá nuôi trên sông cho năng suất bằng 6 mẫu ao, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi trong ao, hồ.

Một năm ông đưa ra thị trường Hà Nội khoảng 500 tấn, làm giàu trung bình 1 tỷ/năm, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động với mức lương 4 triệu rưỡi/tháng.

Cá lồng bè phát triển mạnh trên hồ Thác Bà

Làm giàu từ nuôi cá lồng bè tại Yên Bái. Ảnh Nông nghiệp Việt Nam

Theo Nông nghiệp Việt Nam, do thiếu vốn nên ban đầu người dân chỉ nuôi cá trong các lồng bè đóng bằng tre, hóp. Nuôi cá lồng đã mang lại nguồn thu cho người dân. Bởi thế, từ năm 2008 đến nay toàn huyện đã có 430 lồng cá, trên 100ha cá quây lưới trong các eo ngách hồ. Để khuyến khích người dân, tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đã hỗ trợ người dân nuôi cá lồng, trong 430 lồng cá thì có 303 lồng và 42ha nuôi cá quây lưới được hỗ trợ.

Các lồng cá được đầu tư mới chủ yếu là bằng lưới có độ bền 6 - 7 năm. Cá được nuôi chủ yếu là các giống trắm cỏ, nheo, lăng, tầm, chép, rô phi đơn tính.

Mỗi lồng cá 20m3 sau 8 tháng nuôi sản lượng cá thịt trung bình từ 5 - 6 tạ cá/lồng, lồng có thể tích trên 100m3 sản lượng 2,5 tấn, cho thu nhập từ 15 - 75 triệu đồng/lồng. Còn đối với nuôi cá quây lưới, năng suất 3,5 tấn/ha, sản lượng 147 tấn, hiệu quả kinh tế từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình nuôi cá trên sông hiệu quả ở tỉnh Phú Thọ

Theo Báo điện tử tỉnh Phú Thọ, gia đình anh Nguyễn Đạo Luật Chí (khu 4, xã Bảo Yên) đầu tư đóng 15 lồng bè với 1.500m3, thả cá trắm đen, cá điêu hồng, cá lăng chấm. Trong đó, anh thả 5 lồng cá điêu hồng, mỗi năm cho thu hoạch 2 lần với thu nhập 1 tỷ đồng/năm trừ chi phí. Còn cá lăng chấm hơn 1 năm mới cho thu hoạch nhưng lợi nhuận cũng khá cao (bình quân 150.000 đồng/kg mà mỗi 1 lồng đến kỳ thu hoạch khoảng 4 tấn cá).

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Đạo Luật Chí, khu 4, xã Bảo Yên. Ảnh: Báo điện tử tỉnh Phú Thọ

Nuôi cá lồng trên sông không phải là mới đối với các hộ dân giáp sông Đà như gia đình anh Chí, anh Văn nhưng chủ yếu các hộ nuôi theo hình thức tự phát, ít kinh nghiệm, chưa đầu tư nhiều nên hiệu quả kinh tế không cao. Cần chăm sóc quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng như: Kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, theo dõi hoạt động của cá; kiểm tra lồng thường xuyên tránh việc rò rỉ thất thoát, vệ sinh lồng định kì tạo thông thoáng nước trong lồng để tăng hàm lượng ôxy trong nước và chống kí sinh trùng cho cá; theo dõi tốc độ lớn để tách đàn phù hợp, tạo điều kiện để cá phát triển đều; bổ sung khoáng chất, thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho cá khi cần thiết.

Trao đổi với báo điện tử Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết: Những hộ nuôi cá lồng khẳng định, lãi từ việc nuôi cá lồng là có, song khó khăn trong việc phát triển cá lồng cũng rất lớn và rất khó làm. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư vào thức ăn công nghiệp đã chiếm một khoản không nhỏ. Hiện trên thị trường giá cám vào khoảng 400.000 đồng/bao. Bình quân mỗi lồng cá chi phí khoảng 200 đến 400 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể đến đầu tư làm lồng. Như vậy, nếu người nuôi không có nguồn vốn lớn thì nuôi cá lồng không dễ chút nào.

Hoàng Linh (T/h)

Hoàng Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bi-quyet-vang-trong-nuoi-ca-long-be-lam-giau-tien-ty-d105915.html