Làm giàu nhờ trồng cây hiếm: Thoát nghèo nhờ sâm rừng

Thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm chỉ với 2 công đất được xem là một thành công lớn đối với nông dân vùng đất phèn mặn ven biển Ba Tri (Bến Tre). Đặc biệt hơn, người trồng không phải tốn nhiều tiền đầu tư hay công sức để chăm sóc.

Đó là mô hình trồng cây sâm rừng để lấy lá của anh Ngô Văn Tân, tại ấp 8, xã An Hiệp, huyện Ba Tri (điện thoại: 0752.212.776). Anh Tân cũng là người đầu tiên ở Ba Tri đưa cây sâm rừng về trồng trong vườn nhà. Sâm rừng là một loại dây leo mọc hoang trên các chòm cây, bờ rào dễ bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn. Lá sâm rừng được dùng để chế biến nước uống có tác dụng thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe. Cách đây 4 năm, gia đình anh Tân cứ loay hoay với các giống dưa, cà, bầu, bí... để gieo trồng trên 2 công đất nhà, vậy mà mãi không mang lại hiệu quả. Những thứ trồng được chỉ đủ để vợ anh mang ra bán ở chợ xã. Lúc đó, thỉnh thoảng chị lại hái thêm lá sâm ra bán cùng với các loại rau vườn. Nhưng bất ngờ là nó lại được nhiều người chọn mua. Từ đó, vợ chồng anh phát triển thêm cây sâm nhưng vẫn không đủ bán. Vậy rồi anh bàn với vợ chuyển hẳn đất vườn sang trồng sâm. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm anh Tân chỉ trồng sâm lông (lá có nhiều lông tơ). Loại này có chất lượng tốt nên giá bán rất cao, có khi tới 50.000 đồng/kg lá. Nhưng sâm lông rất dễ chết vì sâu bệnh. Vậy là anh quay sang thử nghiệm với giống sâm rừng lá trơn. “Sâm rừng chỉ cần trồng một lần, rồi chăm sóc là có thể thu hoạch dài dài mà không phải trồng đi trồng lại” - anh Tân nói. Cây sâm rừng có thể trồng bằng hạt hoặc bằng dây sâm già. Theo anh Tân, nếu trồng bằng hạt, chỉ cần khoảng 30 ngàn đồng hạt giống, nông dân có thể trồng được khoảng 2.000 dây sâm. Chi phí phân, thuốc các thứ cộng thêm cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm/2 công đất. Lá sâm rừng khá ổn định về giá, khoảng 12.000 đồng/kg. Anh Tân nói thêm, do sâm rừng sống từ năm này qua năm khác nên anh đã chọn loại cây sống khỏe như bình linh để làm giàn cho sâm leo. Như vậy chỉ tốn công một lần mà có thể thu hoạch kéo dài nhiều năm. Để sử dụng triệt để diện tích đất, giữa các liếp sâm anh còn trồng xen rau ngót. Với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, rau ngót xen canh cũng mang lại một khoản thu nhập kha khá cho gia đình. Từ mô hình kinh tế hiệu quả trên, hiện nay phong trào trồng sâm đã lan ra gần chục hộ gần đó. Anh Tân giờ còn là đầu mối thu mua và phân phối sâm rừng ở xã An Hiệp. Mỗi ngày anh giao cho các đầu mối từ 15 - 20kg. Mấy năm gần đây, lá sâm của bà con ở xã An Hiệp trồng ra được tiêu thụ hết với giá khá cao. Ông Trần Văn Chận, Chủ tịch UBND xã An Hiệp nhận xét: “Cây sâm rừng tưởng trồng chơi mà ăn thiệt”. Thị trường tiêu thụ lá sâm còn khá lớn, trong khi nguồn cung còn hạn chế nên khả năng mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường là rất khả quan... Chí Nhân

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200927/20090701003954.aspx