Làm gì trước thị trường UAE 400 tỉ USD 10 năm tới?

Sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam từ trước đến nay còn yếu và thường là hàng gia công với thương hiệu của các quốc gia khác.

Mới đây, tại siêu thị Choithram Marina đã diễn ra Tuần hàng nông sản Việt Nam ở Dubai, thu hút sự tham gia của 20 công ty với hơn 60 mặt hàng Việt Nam. Các sản phẩm được bán và trưng bày như gạo, hạt điều, gia vị, trà thảo dược, cà phê, ca cao, mì ăn liền, rau củ quả sấy, tinh dầu... và hơn 10 loại trái cây Việt Nam (chuối, thơm, đu đủ, chôm chôm, xoài, bưởi, thanh long, hồng xiêm, ổi, nhãn...). Trái cây Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều thương gia.

Tiềm năng nào cũng có

Về mặt hàng chuối, ông Võ Quan Huy, đại diện của FOHLA (Fruit of Huy Long An), cho biết, các thương gia ở Dubai đã về tận vườn của FOHLA kiểm tra, đánh giá và đã ký nhiều đơn hàng dài hạn để chuối Việt Nam vào các nước thuộc khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, Mặc dù vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Dubai. Đặc biệt, dự báo của Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), nhập khẩu thực phẩm của UAE sẽ tăng từ 100 tỉ USD năm 2014 lên 400 tỉ USD trong 10 năm tới. Ngoài ra, UAE là thị trường cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa cho khu vực thị trường các nước Trung Đông và Bắc Phi. Do đó, việc giới thiệu và bán hàng trực tiếp tại các siêu thị của Dubai có ý nghĩa lớn đối với hình ảnh và thương hiệu của hàng Việt Nam.

Công ty Vietgate LLC là doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công các sản phẩm vật liệu xây dựng, thời trang và kết nối gần 60 mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Dubai, Ả rập Xê út, Syria, Oman, Iran và với các siêu thị Al Maya, Geap Group, K&M.

Theo ông Đinh Công Tuấn, Tổng Giám đốc Vietgate LLC, do hạn chế về nông nghiệp và công nghiệp, đa phần thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng của Dubai đều phải nhập khẩu. Thống kê cho thấy, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Dubai và UAE ước đạt 5,8 tỉ USD. Nhưng chiếm tỉ trọng lớn là điện thoại và linh kiện của các nhà máy Samsung, Intel... Các mặt hàng nông sản, gia vị, hàng dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng của Việt Nam tuy đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và được Dubai đón nhận nhưng chưa đạt giá trị cao.

Giao thoa giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, Dubai là trung tâm phát triển nhất trong 7 tiểu vương quốc thuộc UAE. Hơn 70% lượng hàng hóa nhập khẩu vào Dubai được tái xuất sang các nước thuộc Ủy ban Hợp tác vùng vịnh (GCC), tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực Đông Phi. Dubai là một thị trường mở, các rào cản thương mại như hàng rào thuế quan, phi thuế quan... gần như không tồn tại ở Dubai. Ông Ngô Khải Hoàn, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE, cho biết thuế nhập khẩu ở Dubai rất thấp, hầu như dưới 5%, thậm chí có một số mặt hàng còn được miễn thuế như gạo, cà phê, thủy sản, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất công nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư tại Dubai không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá cũng hầu như không có.

Với những lợi thế như vậy, các quốc gia xuất khẩu mạnh trên thế giới từ lâu đã xây dựng cứ địa vững chắc tại Dubai và là những đối thủ cạnh tranh của hàng Việt. Hạt tiêu, hạt điều Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ, gạo cạnh tranh với Campuchia, trái cây đối đầu với Thái Lan. Chưa kể Trung Quốc bao phủ gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người là hàng hóa phải “thượng phẩm” mới vào được Dubai. Thực tế thị trường này khá dễ tính và tiêu thụ hàng hóa rất đa dạng, thuộc nhiều phân khúc khác nhau để phục vụ cho dân bản địa, dân nhập cư và hơn 70 triệu lượt khách du lịch quốc tế hằng năm. Đối với những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, thực phẩm cần có chứng chỉ Halal để phục vụ cho thị trường hơn 90% là người Hồi giáo. Còn lại, các mặt hàng tươi sống, trái cây... chỉ cần thực hiện các bước kiểm định cơ bản là có thể xuất khẩu vào Dubai mà không gặp nhiều khó khăn về yêu cầu kỹ thuật.

Ngã trước cửa “thiên đường”

Tiềm năng là vậy, nhưng vì sao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Dubai còn khiêm tốn? Ông Đinh Công Tuấn giải thích là do sự khác biệt trong tư tưởng kinh doanh, sự thiếu hụt thông tin và các doanh nghiệp Việt còn tập trung vào những thị trường quen thuộc.

Thời gian gần đây, một trong những sự việc gây lo ngại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam là tình trạng thanh toán đơn hàng của nhà nhập khẩu Dubai. Mới đây, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã khuyến cáo không nên làm việc với 2 nhà nhập khẩu trái cây có chủ là người Pakistan khi họ lẩn tránh, trì hoãn và dùng thủ đoạn trong thanh toán. Không chỉ những đơn vị nhỏ, mà một doanh nghiệp có tiếng của Việt Nam từng mất hàng chục container khi xuất khẩu vào Dubai; một đơn vị xuất khẩu gạo từng “chết hụt” khi xuất khẩu một lô hàng 63 container cũng do rủi ro thanh toán...

Cũng chính vì thiếu thông tin và chiến lược đầu tư bài bản, các nhà xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Dubai thường tận dụng kinh doanh theo cơ hội. Ông Tuấn cho biết, trước đây, Vietgate LLC hợp tác với Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận xuất khẩu thanh long vào Dubai, giá bán là 200.000 đồng/thùng. Biết tin, hàng loạt thương lái Việt Nam đã đưa thanh long qua Dubai và cạnh tranh về giá, làm cho giá thị trường rớt xuống còn giá 90.000 đồng/thùng.

Một khó khăn khác với ngành nông sản là trình độ bảo quản sau thu hoạch và quy cách đóng gói xuất khẩu của Việt Nam còn yếu. Chẳng hạn, chuối Việt Nam thơm ngon, nhưng khi cập bến Dubai thì dập nát, thanh long thì héo cuống sau hơn 2 tuần lênh đênh trên biển. Còn xoài, chôm chôm, nhãn nếu vận chuyển bằng đường hàng không lại không thể cạnh tranh về giá. Sở dĩ trái cây Thái Lan có giá cạnh tranh là được chính phủ nước này hỗ trợ cước phí vận tải đến 50%.

Nông sản Việt Nam được người tiêu dùng Dubai đánh giá chất lượng cao hơn Trung Quốc và sẵn sàng mua với số lượng lớn. Nhưng với những hạn trế nêu trên, chỉ khi cạnh tranh về giá chấm dứt, các nhà xuất khẩu có phương thức xuất khẩu và kênh phân phối hợp lý, hợp tác thành một cộng đồng mới có thể xây dựng được vị thế vững chắc cho nông sản Việt tại một thị trường dễ biến động và tồn tại rủi ro như Dubai.

Một lĩnh vực khác mà Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội là xây dựng. Không chỉ Dubai hay UAE, mà những thị trường lân cận cũng đang có tốc độ và nhu cầu xây dựng cao. Chẳng hạn, GCC đang triển khai dự án đầu tư 5.000 tỉ USD cho sở hạ tầng, bất động sản; Dubai chi gần 754 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng; Qatar có nhu cầu xây 5 sân vận động trị giá 220 tỉ USD phục vụ World Cup 2022; Ả rập Xê út, Ấn Độ hay Pakistan cũng đang có nhu cầu kiến thiết và xây dựng trong giai đoạn cao điểm.

Một doanh nghiệp có kinh nghiệm về xây dựng tại Dubai cho biết, thói quen của người tiêu dùng tại đây khi muốn cất một ngôi nhà “cấp 4” thường mua vật liệu từ Trung Quốc; xây ngôi nhà chất lượng hơn thì sử dụng hàng nhập khẩu Thái Lan, Malaysia; xây biệt thự, khách sạn 5 sao thì tìm mua từ Tây Ban Nha và Ý.

Trong ngành vật liệu xây dựng, mặt hàng ống nhựa, xi-măng hay sắt, thép không phải là lợi thế của Việt Nam khi so với thị trường bản địa và hàng xuất khẩu. Nhưng ngược lại, đồ nội thất, bàn ghế, vật liệu sàn, ngoại thất cảnh quan... là những ngành hàng Việt Nam ít nhiều đã xuất khẩu thành công.

Một điểm lưu ý về quá trình đầu tư. Dịch vụ công của Dubai được Nhà nước thực hiện và kiểm soát khá tốt. Theo quy định, doanh nghiệp nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% nguồn vốn doanh nghiệp, phần còn lại được bảo lãnh hoặc chia sẻ vốn từ người dân bản địa. Cơ chế này đã sản sinh ra một loại hình kinh doanh bất thành văn là doanh nghiệp bản địa chuyên “tài trợ” cho các công ty nước ngoài để thu về lợi nhuận.

Một công ty Việt Nam trong lần mở văn phòng kinh doanh thương mại tổng hợp ở Dubai ước tính, tổng tiền xin giấy phép, chi “tài trợ” và thuê văn phòng đã tốn của đơn vị gần 1 tỉ đồng. “Do đó, doanh nghiệp cần trường vốn và xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững trước khi đầu tư vào thị trường nhiều tiềm năng này’”, ông Tuấn nói.

Lan Anh

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/kinh-te/lam-gi-truoc-thi-truong-uae-400-ti-usd-10-nam-toi-3315406/