Làm gì để tăng trưởng ổn định, bền vững?

Kinh tế trong những năm tới vẫn sẽ tăng trưởng, song tiếp tục tăng trưởng không ổn định, thiếu bền vững nếu như thể chế điều hành không có những chuyển biến căn bản. GS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định như trên khi trao đổi với Đất Việt.

- Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 tuy vượt kế hoạch nhưng kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc. Ông nghĩ sao về cảnh báo này? - Không phải tới bây giờ chúng ta mới đưa ra cảnh báo tăng trưởng kinh tế chưa đi kèm với chất lượng. Hiện nền kinh tế của nước ta đang tăng trưởng theo chiều rộng. Trong đó yếu tố vốn đầu tư của Nhà nước, sử dụng vốn tài nguyên, lao động… chiếm tỷ trọng lớn, song hiệu quả thu về lại chưa cao. Phần còn lại là tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, hiệu quả sản xuất… lại chiếm tỷ trọng rất thấp, dưới 30%. Hiện trạng này tiềm ẩn bất lợi cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế, đồng thời cũng là hậu quả của thể chế điều hành mất cân đối, chưa hoàn thiện diễn ra trong thời gian dài mà chưa có sự chuyển biến. - Muốn xóa bỏ những tiềm ẩn bất lợi như ông vừa nói, chúng ta cần phải làm gì? - Muốn nâng chất lượng tăng trưởng kinh tế, không còn cách nào khác là Nhà nước cần ra tay can thiệp mạnh hơn để thay đổi thể chế, tận dụng một cách hiệu quả việc sử dụng vốn, tài nguyên, con người… Yêu cầu này đã đặt ra khá lâu song cho tới thời gian này, việc thay đổi nền thể chế điều hành vẫn diễn ra một cách chậm chạp, chưa tạo ra những thay đổi căn bản. Ngay cả đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính sau hơn 3 năm thực hiện, tuy đã cắt giảm được 30% thủ tục không cần thiết song xét về hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt yêu cầu. - Những vấn đề đó nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo như thế nào, thưa ông? - Nền kinh tế phát triển không ổn định dẫn đến biểu hiện rõ nhất là doanh nghiệp khó hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Thể chế nền kinh tế của các nước thường bám theo hai mục tiêu: thông lệ quốc tế và khuyến khích doanh nghiệp phát triển trong khi đó thể chế của nước ta lại ngược lại. Tình trạng bất ổn định của nền kinh tế khiến ngay cả những nhà nghiên cứu kinh tế trong nước cũng không thể dự báo được tình hình lạm phát, còn giải pháp mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra nhiều khi doanh nghiệp lại không thể hiểu nổi. - Từ góc độ nghiên cứu, ông dự báo gì về tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới? - Theo đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang chứa đựng hai khu vực hoạt động là hoạt động kinh tế ngầm (chiếm khoảng 30%) và khu vực hoạt động chính thức (chiếm 70%). Nếu thể chế của Nhà nước hoạt động tốt sẽ thúc đẩy số 70% phát triển, song nếu điều tiết không đúng, không phù hợp với thực tiễn thì cho dù là khu vực chính thức, doanh nghiệp cũng tìm cách lách luật để tìm hướng phát triển cho mình. Chính vì vậy, nền kinh tế nước ta vẫn phát triển nhưng là phát triển không ổn định và bền vững, nếu thể chế điều hành vẫn không có những chuyển biến căn bản. - Xin cảm ơn ông! Tuyết Trịnh (thực hiện)

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Lam-gi-de-tang-truong-on-dinh-ben-vung/201010/113997.datviet