Làm gì để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng?

Làm gì để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng? Thêm một lần nữa, câu hỏi này lại thu hút sự tham gia ý kiến sôi nổi của gần 100 người vốn là các chuyên gia, nhà văn, nhà quản lý, nhà khoa học, các bậc thức giả trên cả nước trong buổi hội thảo về thực trạng, giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban điều hành dự án giáo dục sachhay.com tổ chức vào ngày 16/9 tại TP HCM.

Đây cũng là một trong những hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng "Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng" theo yêu cầu của Chính phủ. Nhận định về thực trạng văn hóa đọc trong xã hội nước ta hiện nay, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm thay đổi thói quen đọc sách nhưng đến nay tình hình vẫn chưa thay đổi được nhiều. Một trong những dấu hiệu đáng tin cậy để đánh giá là số lượng sách in. Bình thường, một cuốn tiểu thuyết hiện nay chỉ in 1.000 bản. Nếu được in lên 2.000 bản, hoặc được tái bản đã là hiện tượng bất thường. So với con số trên 80 triệu dân thì quả thật, đây là tình trạng rất đáng lo lắng. Không chỉ tiếc cho một "thời hoàng kim" đã qua của văn hóa đọc ở Việt Nam và lo lắng cho văn hóa đọc hiện nay như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Lý Trần Chiến còn đưa ra khá nhiều minh chứng khiến không ít người giật mình. Theo đó, kết quả một khảo sát nhanh về thói quen đọc và nội dung đọc cho thấy: có đến 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm, gần 12% người có đọc các sách, truyện ngoài chuyên môn, gần 80% người được hỏi không đọc sách trong 1 năm qua, 98% không đọc sách trong tuần qua và gần 100% nói gần như ít để ý đến thơ… Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ giải pháp phát triển văn hóa đọc tại hội thảo. Không phải cứ in ra nhiều sách là nâng cao được văn hóa đọc. Những người làm sách chỉ là một bộ phận rất nhỏ cung cấp cho người đọc công cụ để tiếp cận và nâng cao văn hóa đọc của chính mình. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi khẳng định. Đóng góp về giải pháp để nâng cao văn hóa đọc, chị cũng cho biết, trước hết phải nhìn nhận một cách công bằng rằng việc xây dựng văn hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội, với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ, đơn vị, cơ quan chính quyền. Nếu chúng ta hình thành được, xây dựng được văn hóa đọc ngay tại gia đình, bố mẹ chịu khó mua sách vở về đọc cho con cái nghe trước khi đi ngủ lúc ấu thơ, dần dần tự tập cho con thói quen đọc sách thì cũng đồng nghĩa với việc góp phần giúp văn hóa đọc có điều kiện phát triển hơn. Các đơn vị, cơ quan cũng cần có thêm các thư viện, vừa giúp cán bộ công nhân viên tiếp cận, bổ sung kiến thức chuyên ngành vừa bổ sung kiến thức xã hội. Song song với cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh cho văn hóa đọc thì các nhà quản lý chuyên ngành cấp quốc gia cần nhanh chóng lập ra những lộ trình phát triển văn hóa đọc lâu dài, không để tình trạng tự phát hoặc chạy theo những kế hoạch ngắn hạn vài năm, thực thi theo kiểu đối phó rồi hài lòng với những con số nhỏ lẻ trong tăng trưởng so với năm trước… Để phát triển văn hóa đọc lành mạnh, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, đối tượng quan trọng nhất hiện nay cần phải hướng đến là gia đình và nhà trường. Nếu không bắt đầu từ gia đình sẽ rất khó có thói quen đọc sách suốt đời cho con người. Vì vậy, phải nghĩ cách đến với các bậc cha mẹ, giúp và vận động sao cho trong mỗi gia đình, đọc sách là hoạt động không thể thiếu trong mỗi ngày. Tiếp sau gia đình là nhà trường, cầu nối đưa đứa trẻ và người học vào thế giới sách, thế giới ngôn từ.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2010/9/137149.cand