Làm gì để nhà báo không bị cản trở tác nghiệp?

Có xung đột là do phần lớn từ nhận thức và xử lý của lực lượng chức năng không đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Nhà báo Đức Hiển, Báo Pháp luật TP HCM

Tại Hội nghị thường niên Tư vấn bảo vệ tác nghiệp tổ chức sáng 1/11, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm nhận được 52 thông tin vụ việc về cản trở báo chí, trong đó có đến 14 vụ xung đột chức năng nhiệm vụ của báo chí với các ngành khác.

Trong đó, mới nhất là vụ va chạm giữa PV Báo Tuổi trẻ và cán bộ cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo ông Minh, vụ va chạm này giống như một cuộc xung đột pháp lý khi PV đòi được tác nghiệp và bảo vệ theo Luật Báo chí, còn cảnh sát hình sự lại cho rằng PV vi phạm các quy định về xử phạt hành chính.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc kể trên, nhà báo Đức Hiển (Báo Pháp luật TP HCM) cho rằng, nguyên nhân của xung đột trong hoạt động tác nghiệp của báo chí có thể do tâm lý “dị ứng” với báo chí của một số cán bộ và lãnh đạo, nhưng cũng có lỗi do báo chí “tự đánh mất thiện cảm”.

“Các bên không tìm được tiếng nói chung, không thuyết phục được xã hội là do mỗi bên đều vì lợi ích cục bộ, không đặt mục đích xã hội lên trên hết, giải quyết sự việc theo hướng không có lợi cho công chúng”, ông Hiển phân tích.

TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, vẫn đang có những hạn chế trong các quy định để nhà báo tác nghiệp. Lấy dẫn chứng về một quy định tác nghiệp tại các phiên tòa trước đây, phía tòa án yêu cầu phóng viên phải có cả giấy giới thiệu khi đã có thẻ nhà báo, Bộ Tư pháp đánh giá đây là hạn chế hoạt động tác nghiệp của báo chí nên đã có kiến nghị bỏ quy định này. Hay như mới đây có quy định cấm quay phim, chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ, Bộ Tư pháp đã góp nhiều ý kiến và sau đó quy định này đã được bãi bỏ.

TS. Sơn cũng cho rằng, chính vì thể chế chưa đầy đủ, cụ thể đã dẫn đến việc hiểu sai và vận dụng tùy tiện trong thực tiễn, các cơ quan công quyền đưa ra nhiều lý do để hạn chế tác nghiệp của báo chí. Ngược lại, bản thân báo chí cũng có những tình huống tác nghiệp không chuẩn trong việc xác định quyền tác nghiệp, tự cho mình quyền được vào cuộc “không giới hạn”, hoặc có tiêu cực, nhũng nhiễu…

“Có xung đột là do phần lớn từ nhận thức và xử lý của lực lượng chức năng không đảm bảo tính chuyên nghiệp. Về phía báo chí đôi khi cũng như thế. Lỗi là do thể chế nên cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đặt ra quy chuẩn rõ ràng để nhà báo có thể hoạt động đúng pháp luật và không bị cản trở”, ông Sơn đề xuất.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lam-gi-de-nha-bao-khong-bi-can-tro-tac-nghiep-d174699.html