Lạm dụng rượu bia: Uống lấy cái chết?!

Chỉ trong vòng 10 ngày, tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 15 người ngộ độc rượu, trong đó có 11 người đã vĩnh viễn ra đi, 1 người mù và 3 người bị mờ mắt.

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho thấy 12/14 mẫu rượu có lượng Methanol cao gấp 27-80 lần mức cho phép. (LĐ) - Do hầu hết là lao động chính trong gia đình, nên cái chết này không chỉ đẩy nhiều người vợ vào cảnh mất chồng, con mất cha, cháu mất ông... mà còn đẩy hàng chục gia đình vào tột cùng đau khổ và đối mặt với tương lai đầy bế tắc... Chết... chồng chất... Ông Nguyễn Văn Điểm, Trưởng Ban nhân dân khóm 3, phường 3, thị xã Sa Đéc nhớ lại: Chỉ trong vòng hai ngày 16 - 17.6, sau 1 tiệc nhậu, 5 người cùng mắc chung triệu chứng: Ói mửa, khó thở, gia đình đưa đi Bệnh viện đa khoa Sa Đéc cấp cứu nhưng đã quá muộn. Hai người chết ngay tại bệnh viện, 03 người còn lại sau khi bị “thầy chạy, bác sĩ chê” được đưa về nhà và chết ngay sau đó. Cả 5 đối tượng đều là lao động chính của 5 gia đình nghèo ở khóm 2 và khóm 3, phường 3, thị xã Sa Đéc. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1954, người ít tuổi nhất sinh năm 1978. Trước đó, vào ngày 10.6 vừa qua, tại địa bàn ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông thị xã Sa Đéc cũng có 3 người chết do ngộ độc rượu. Thế nhưng, dường như những giọt nước mắt đầm đìa của cảnh thê lương vật vã, quặn đau đến xé lòng của cảnh vợ chết lịm khóc chồng, con nức nở khóc cha, cháu nỉ non khóc ông... vẫn chưa đủ sức răn đe các đệ tử Lưu linh đang dấn thân vào những cuộc nhậu “xả láng, sáng về sớm”. Đến ngày 21.6, tại Đồng Tháp tiếp tục có thêm 1 người chết vì ngộ độc rượu. Đối tượng là Phạm Tấn Tài, SN 1973, ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Ngoài các trường hợp ngộ độc rượu đã chết, đáng ngại hơn là tại ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành cũng đã có 3 trường hợp mờ mắt và 1 bị mù hoàn toàn do “hậu quả” từ rượu. Công nghệ “hô biến”... rượu Theo thông tin từ Chi cục ATVSTP, quy trình lên men tự nhiên của một mẻ rượu là 2 ngày và giá thành của mỗi lít rượu đảm bảo ATVSTP lên đến 15 ngàn đồng. Thế nhưng trên thực tế các chủ lò vẫn lãi... to ngay cả khi giá bán đến tận người tiêu dùng chỉ với 7-8 ngàn đồng/lít. Một chủ lò rượu đã “bật mí” vào chiếc máy ghi âm của tôi: “Không cần phải nấu nướng, chỉ cần 1 viên men là có ngay 20 lít rượu”. Tuy nhiên ngay ông chủ này cũng thừa nhận rượu được “hô biến” kiểu đó chắc chắn có... độc. Ông Nguyễn Văn Sáu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, nơi cung cấp rượu gây ra các vụ ngộ độc ở huyện Châu Thành vừa qua, cho biết “bí quyết” nấu rượu gia truyền gần 30 năm của mình: Vì men bây giờ có độ cay ít nên khi nấu xong, đổ thêm cồn 90 vào rượu theo tỷ lệ 1/10”. Cồn sử dụng pha chế, chủ yếu là cồn công nghiệp – Methanol. Đây là chất độc và nếu dùng làm thực phẩm thì chỉ cần số lượng rất nhỏ cũng có thể gây mù lòa, thậm chí là tử vong. Vì thế mà mới đây Bộ Y tế đã xiết chặt chuẩn hàm lượng Methanol trong rượu từ 0,1% xuống còn không được vượt quá 0,05% thể tích. Thậm chí, theo nhiều người để cho rượu trở nên trong hơn, người ta còn pha thêm 1 vài giọt thuốc trừ sâu vào rượu sau khi nấu. Tất cả đều diễn ra bình thường và được thực hiện từ ngày này qua ngày nọ, tháng nọ qua tháng kia... Phòng ngừa kiểu chắp vá BS Võ Công Đoàn, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Đồng Tháp, cho biết, trong số 14 mẫu rượu mà các nạn nhân uống còn sót lại thì có đến 12 mẫu có hàm lượng Methanol cao gấp 27-80 lần mức cho phép. Trong khi đó, chất lượng rượu đang lưu hành trên thị trường càng đáng lo hơn. Theo TS. BS Nguyễn Ngọc Ấn, GĐ TT YTDP Đồng Tháp, trong số 130 mẫu rượu gởi về sau tháng 6.2009 có nhiều mẫu hàm lượng Methanol vượt gấp 800 lần ngưỡng cho phép. Hiện Đồng Tháp đang áp dụng phương pháp xét nghiệm mới, có thể cho kết quả các độc độc tố trong rượu sau 4 giờ. Tuy nhiên, để kiểm soát việc sản xuất kinh doanh rượu hiện nay là điều không dễ. Bởi hiện toàn tỉnh có tới 2.484 lò, nhưng chỉ có 10 lò thực hiện việc đăng ký chất lượng sản phẩm... Tuy nhiên do các lò rượu liên quan đến công ăn việc làm của trên 10.000 lao động, vì vậy rất khó để có thể áp dụng biện pháp “cứng” trong quản lý, xử lý... Theo BS Võ Công Đoàn, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, nhiều lao động mất việc và rất khó tìm được việc làm như hiện nay, tốt nhất là thực hiện test kiểm tra hàm lượng Methanol trong rượu ngay tại lò làm cơ sở để bộ phận chuyên môn kiểm soát và cương quyết không cho xuất xưởng những lô rượu có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu rượu nào vượt quá 0,05% Methanol/Ethanol 1.0000 thì đề nghị chủ lò hủy bỏ. Tuy nhiên theo ông Đoàn, để làm việc này, tỉnh Đồng Tháp cần khoảng 10.000 dụng cụ test với tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. Chi cục đã có công văn chính thức đề nghị với UBND tỉnh Đồng Tháp xuất ngân sách mua dụng cụ test. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một vấn đề không kém phần quan trọng là việc lập lại ý thức: Vui đúng lúc, dừng đúng chỗ ngay trong nhóm có nguy cơ “hết mình” với rượu. Trung Hiếu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/lam-dung-ruou-bia-uong-lay-cai-chet/20097/148849.laodong