Lắm “điểm đen” về ô nhiễm không khí

(HQ Online)- Bộ Tài nguyên- Môi trường cho biết: Hiện các khu công nghiệp (KCN) có nồng độ bụi trong không khí vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5 -2,5 lần như: KCN Thăng Long (Hà Nội), KCN Nomura (Hải Phòng), KCN Cái Lân (Quảng Ninh)…

Ảnh minh họa. Ảnh internet.

Theo báo cáo Công tác bảo vệ môi trường Bộ Tài nguyên- Môi trường vừa trình Chính phủ, ô nhiễm bụi xung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp khá nghiêm trọng, nhiều nơi nồng độ bụi trong không khí vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5 -2,5 lần.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm bụi tại các nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, các làng nghề (tái chế, chế tác đá, vật liệu xây dựng…) đáng lo ngại nhất.

Điển hình như tại các đô thị lớn với tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai,... ô nhiễm bụi vẫn diễn ra phổ biến. Tại các nút giao thông như: Đường Phùng Hưng- Hà Đông (Hà Nội), Nguyễn Văn Cừ - Long Biên (Hà Nội), Ngã tư An Sương, Gò Vấp (TP.HCM), ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai), nồng độ bụi đã vượt quá quy chuẩn cho phép 1,2- 2 lần.

Tại các công trường xây dựng, đặc biệt là khu vực đang thi công các tuyến đường trên cao như đường Nguyễn Trãi, bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội), ô nhiễm bụi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người dân khu vực lân cận.

Hiện một số “điểm đen” về ô nhiễm không khí tại các đô thị đã được cải thiện, như: khu vực ngã ba Huế (Đà Nẵng), ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai). Các khu vực khác, mặc dù hàm lượng một số chất gây ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao, vượt quy chuẩn cho phép nhưng cũng đã có xu hướng giảm qua các năm.

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước chủ yếu là: khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, dân cư tập trung; làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hoạt động khai thác khoáng sản; hoạt động khai thác vật liệu xây dựng; các dự án thủy điện; sử dụng hóa chất trong nông nghiệp; phương tiện giao thông.

Như công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng đã gay ra phát sinh mùi, khí thải gây ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Ngoài ra, Việt Nam lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn, đây là nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí, đặc biệt ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện còn hạn chế (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên), làm gia tăng đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đối với những kiểu loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác nhau sẽ đóng góp các tác nhân gây ô nhiễm không khí không giống nhau. Xe máy chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải các chất ô nhiễm CO, VOCs, TSP; ô tô con chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát thải SO2, NO2; các loại ô tô còn lại phát sinh nhiều bụi TSP, SO2 và NO2.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nong-do-bui-trong-khong-khi-o-nhieu-kcn-vuot-qua-muc-cho-phep.aspx