Làm đẹp cảnh quan đường phố

Tại hội nghị Hà Nội hợp tác và đầu tư được tổ chức tháng 6-2016, UBND TP Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ với các tập đoàn, tổng công ty lớn về viễn thông. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) VNPT, Viettel, MobiFone đã cam kết đầu tư 1.500 tỷ đồng để xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2016-2020. Ngay sau đó, Công ty cổ phần Viễn thông FPT cũng đăng ký tham gia đầu tư hạ ngầm… Như vậy, có thể nói việc các nhà mạng lớn đều tham gia đầu tư xây dựng công trình ngầm, ngoài bài toán kinh doanh, còn cho thấy trách nhiệm xã hội với mong muốn bảo đảm an toàn cho người dân và trả lại cảnh quan đẹp cho Thủ đô.

Xây dựng công trình ngầm tại 17 tuyến phố

Để thực hiện biên bản ghi nhớ mà các tập đoàn, tổng công ty lớn đã ký kết hợp tác với Hà Nội, đầu tháng 7-2016, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Công Thương đã tổ chức buổi họp với các DN. Tại cuộc họp này, các bên đã thống nhất chọn danh mục các tuyến phố triển khai đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo hình thức xã hội hóa. Sau cuộc họp, các DN viễn thông đã có văn bản gửi UBND thành phố, Sở Xây dựng, Sở TT-TT đề xuất triển khai các tuyến hạ ngầm trên địa bàn.

Tuyến phố Chùa Bộc sẽ được xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Ảnh: Mạnh Hà

Theo ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đề nghị thực hiện tại 5 tuyến: Bà Triệu, Nguyễn Du, Đại Cồ Việt, Thụy Khuê, Giải Phóng. Viettel Hà Nội (Chi nhánh thuộc Tập đoàn Viettel) đề nghị 4 tuyến: Giang Văn Minh, Đào Duy Anh - Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trãi (đoạn từ Bách hóa Thanh Xuân đến Trần Phú). Công ty cổ phần Viễn thông FPT thực hiện tại 3 tuyến: Nguyễn Thượng Hiền, Lê Thanh Nghị, Phan Văn Trường - Phạm Tuấn Tài. VNPT Hà Nội (thuộc Tập đoàn VNPT) đề xuất thực hiện hạ ngầm tại 5 tuyến phố: Đào Tấn, Linh Lang, Trần Huy Liệu, Ngọc Khánh, Núi Trúc.

Cùng với việc xác định danh mục các tuyến phố thực hiện đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật, liên sở TT-TT và Xây dựng chủ trì cùng với tổ công tác ngầm hóa của thành phố và các DN khảo sát thực địa để quyết định phương án kỹ thuật trong việc xây dựng công trình ngầm cho các tuyến phố.

Chỉ cấp phép một lần

Tại buổi ký thỏa thuận hợp tác với các DN (ngày 4-6-2016), lãnh đạo UBND thành phố cho biết, Hà Nội sẽ cấp phép 1 lần cho các DN xây dựng công trình ngầm. Như vậy, việc cấp phép này được hiểu là cấp 1 giấy phép và 1 lần duy nhất (đã bao gồm cấp phép xây dựng, cấp phép đào đường, cấp phép đào hè).

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, thay vì trước đây để có được giấy phép hạ ngầm, DN phải cần tới 3 lần giấy phép do Sở Xây dựng (cấp phép xây dựng), Sở Giao thông - Vận tải (cấp phép đào đường), UBND quận, huyện (cấp phép đào vỉa hè), thì nay để giúp các DN đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình ngầm, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, thẩm định xây dựng cơ chế đặc thù chỉ cấp phép 1 lần cho DN xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật tại 17 tuyến nêu trên. Việc cấp phép theo cơ chế đặc thù này vẫn phải bảo đảm các quy định về pháp luật, song đã rút ngắn thời gian cấp phép liên quan đến các thủ tục hành chính. Việc xây dựng cơ chế đặc thù cho các DN thực hiện đầu tư công trình ngầm tại 17 tuyến phố ngoài được áp dụng trong cấp phép 1 lần, còn được áp dụng trong sử dụng nguồn vốn, thủ tục đầu tư, nghiệm thu, quản lý chất lượng…

Theo đó, sau khi nhà mạng hoàn thành việc xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật, chỉ phải bàn giao hoàn trả lại mặt bằng theo hiện trạng; phần còn lại, thành phố sẽ giao quận, huyện chỉnh trang đồng bộ lại tuyến phố như lát lại hè, trồng cây xanh (nếu có). Hiện, thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở liên quan xây dựng cơ chế giá thuê để làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị, DN khác thuê lại. “Các DN sẽ được quản lý, khai thác các tuyến hạ ngầm do họ đầu tư, song thành phố sẽ xây dựng cơ chế giá thuê làm căn cứ để các DN khác thuê lại theo hướng giá thuê vừa bảo đảm các yếu tố giá phù hợp với hiệu quả đầu tư và bảo đảm cạnh tranh” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong nhấn mạnh. Trong đó, thành phố cũng tính đến trường hợp cùng là đầu tư công trình ngầm, song có những tuyến phố chỉ chủ yếu là các cơ quan nhà nước, do vậy sẽ ít khách hàng thuê hơn so với những tuyến phố tập trung dân cư đông đúc. Từ đó, đưa ra mức giá thuê để bảo đảm quyền lợi và cạnh tranh cho DN.

Được biết, Viettel Hà Nội đang thi công tại tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ thiết kế của 2 tuyến phố Thái Hà và Giang Văn Minh để xin cấp phép theo cam kết.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/845973/lam-dep-canh-quan-duong-pho