Làm "bảo mẫu" chim Quốc

Chúng mình cùng theo bạn Nguyễn Sỹ Đạt (lớp 11 VA, THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) xuống miệt vườn tham quan làng nuôi chim Quốc.

Từ thợ săn quốc... Theo lời giới thiệu của Đạt thì xã Tân Long Hội (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) là một trong những nơi nuôi chim quốc nhiều nhất ở Việt Nam. Trước đây, làng này còn nổi tiếng bởi nghề gác quốc (săn chim quốc). Đạt cũng là thợ săn chim quốc đấy. Mùa sinh sản - mùa quốc bay về bụi lùm là từ tháng 9 - 10 đến tháng 5 - 6 âm lịch năm sau. Trước đây, vào ngày này, các thợ săn quốc đi khắp nơi để gác. Cứ sáng sớm, khi thay nước xong cho tất cả các con quốc, thợ săn bắt những con quốc mồi hay nhất cho vào lục (lồng đựng quốc khi đi săn có gài bẫy). Để làm được lục, những tay thợ teen như Đạt phải học hỏi các cựu thợ săn như ông Tư, Tư Ven, Út Đẹt... Người ta dùng dây thép để dấn cây làm kèo, trục lục và lấy sắt làm cung lục, nối trọ để đựng quốc mồi. Sau đó dùng dây bồn bồn đan kịt lại, chỉ cần từ 5 - 10 ngàn thôi là làm được một cái lồng quốc. Một bí kíp rất lợi hại để săn quốc - đó là dùng ống thổi quốc. Đây là một dụng cụ giả tiếng kêu của chim quốc. Nó thường được làm từ các loại cây gỗ lâu năm như sao, trầm... Ống quốc dài khoảng 5 cm, rộng 3 cm và người làm ra ống thổi này là ông Tư. Ông Tư cho biết, phải mất khoảng 2 ngày cưa, đục, gọt, khoét... ông mới làm xong một ống thổi. Chỉ cần nghe tiếng quốc do các thợ săn thổi, những con quốc mồi sẽ kêu ré lên, thu hút sự chú ý của những con quốc khác... Khi đến địa điểm săn, các thợ săn đặt lồng xuống và gài bẫy. Khi đặt bẫy xong, người ta dùng tay dọn cỏ khu vực trước lồng và lấy cây cỏ ngụy trang phía sau lồng lại. “Phải dọn mặt trước trống trải để khi quốc rừng đến sập bẫy, lồng không bị vướng cây”, cậu bạn giải thích. Mỗi chầu săn, Đạt thường đặt 2 bẫy sau đó chọn một vị trí cách nơi đặt bẫy một quãng để nấp và theo dõi. Vì quốc rất hiếu chiến nên thợ săn dụ chúng bằng cách dùng ống quốc thổi ra tiếng kêu làm quốc trong lồng cũng cất giọng theo. Những chú quốc ở ngoài phát hiện có “kẻ lạ” xuất hiện trong lãnh thổ của mình lập tức chạy tới lục để nghênh chiến. Nhưng chỉ cần bước vào lục chưa kịp tung chiêu thì: Xạch! Lưới sập xuống và tóm gọn chú chim. Thợ săn chỉ việc chạy ra, gỡ bẫy và tóm gọn con mồi... Đến “bảo mẫu” của chim quốc Trước đây người ta thường săn quốc để làm thịt. Tuy nhiên hiện nay, các thợ săn nổi tiếng một thời lại trở thành những người nuôi và chăm sóc chim quốc rất giỏi. Nhiều teen ở đây cũng thích thú với công việc “bảo mẫu” của quốc. Đạt là người am tường không chỉ cách bẫy quốc mà còn cả việc làm bẫy, nuôi chim mồi khi chúng còn... là trứng. Đạt bật mí: “Nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ ông ngoại của mình nên những bí kíp gác quốc giờ đã thuộc ràu ràu”. Ông Tư, ngoại của Đạt hiện là người nuôi quốc nhiều nhất xã Tân Long Hội. Trước đây, ông không chỉ nổi tiếng là thợ săn giỏi mà còn có biệt tài nuôi chim mồi. Thợ săn quốc từ khắp nơi trong tỉnh, lâu lâu lại tìm đến ông bàn bạc chuyện nuôi quốc... Nhờ học lóm được nghề của nhiều người như vậy, nên dù ít tuổi nhưng kinh nghiệm làm “bảo mẫu” cho quốc của Đạt rất đáng nể. Bạn của Đạt cũng có nhiều người rành rẽ nghề nuôi quốc, thậm chí nhiều teen có biệt tài nuôi quốc từ khi còn là trứng. Anh chàng Trọng Nghĩa (15t, xã Nhị Tường, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), thường rong chơi ở các bưng, lùm nên mỗi khi nghe tiếng quốc kêu, Nghĩa sẽ lùng sục tổ quốc. Nếu may mắn hốt trọn ổ, anh chàng sẽ bán với giá 50k/trứng. Mỗi tổ quốc thường có 4 - 6 trứng, vậy là Nghĩa thu được bộn tiền. Những teen khác như Hoàng Tú (16t, Tân Long Hội, Vĩnh Long), Khắc Vinh (19t, Phạm Thái Bường, Vĩnh Long),... tuy không phải là “bảo mẫu” chuyên nghiệp, nhưng những lúc rảnh các bạn ấy thường tìm bắt chim quốc ở những khu vực bưng gần nhà. Trước đây, săn quốc để bán cho nhà hàng làm thịt, mỗi con chỉ bán được 20 - 25k, nhưng hiện nay, nhờ nhiều người thích nuôi quốc nên các bạn ấy bán với giá 200 - 300k/con... Chăm những bé quốc xinh xinh - nghệ thuật cả đấy! Các teen cho biết, cái khó của nghề gác quốc chính là nuôi chim mồi bởi phải nuôi chúng từ khi còn là... trứng và công việc này đòi hỏi nhiều thời gian cũng như công sức. Chính vì vậy, thợ săn các nơi đến hỏi mua chim mồi không ngại trả giá 3 triệu đồng/con. Đạt hào hứng: “Để có con giống phải đi nhiều nơi, nhất là nơi nào có bụi lùm, có ao nước, ít cỏ. Nhưng tốt nhất là bạn phải lắng nghe tiếng kêu của con quốc mái và trống nếu có bắt tổ của chúng về ấp”. Sau khi đem trứng về, teen sẽ lấy một thùng xốp hoặc bìa các - tông nhỏ, lót ở đáy thùng một lớp cỏ khô hay lớp trấu mỏng khoảng 2cm rồi cho trứng vào. Bí kíp của các “bảo mẫu” kì cựu đó là phải đậy trên thùng hở khoảng 10cm nếu thời tiết nóng và 5cm nếu thời tiết lạnh. Sau đó, các teen dùng đèn 5W để ấp trứng, đèn được đốt suốt 24/24g nên ban đêm, người thợ phải thức để trở 2 - 3 lần. Những khi cúp điện, người ta phải đốt bằng đèn dầu, cực hơn. Đến ngày thứ 20, trứng sẽ nở ra quốc con. “Những người có kinh nghiệp ấp trứng như ngoại tớ thì tỉ lệ nở là 100%”, Đạt khoe. Sau khi quốc nở, bạn phải chăm sóc rất tỉ mỉ. Phải để một dĩa nước để quốc leo ra leo vào cho khỏi khô chân. Hằng ngày các teen phải ngắt nhỏ cào cào, lột tép rong, lấy thịt cá lóc... cho quốc con măm măm. Phải như thế đến một tháng rưỡi quốc con mới trưởng thành thành chim mồi. Trước đây, chim mồi được sử dụng trong những chầu săn, nhưng hiện nay, người ta chủ yếu nuôi để làm cảnh. “Ở thành phố mà nghe tiếng quốc kêu thì có cảm giác như đang đứng trước một cánh đồng, hay sống ở miền quê yên bình”, Đạt hãnh diện. Một teen khác bật mí: “Nếu nuôi quốc thêm một năm rưỡi nữa thì cần phải làm lồng sắt lớn hơn để nhốt chúng. Nếu nuôi lồng nhỏ, quốc sẽ phá lồng và lủi mất”. Nuôi quốc cảnh đỡ cực hơn bởi chúng đã tự ăn. Người nuôi chỉ cần để nó với một chậu nước, một lon nhỏ thức ăn là gạo lức trộn cám con cò. Muốn quốc mồi khỏe mạnh, kêu to thì người nuôi sẽ cho chúng ăn dặm thêm cua đồng, châu chấu, cào cào, thằn lằn... Mọi người cùng nuôi chim quốc Đạt và ông ngoại thường đi săn quốc ở xa với phương tiện là chiếc cup 50. Các teen khác thì thường săn ở khu vực bưng hay ruộng vườn gần nhà. Thường các teen đi từ sáng sớm đến xế chiều và di chuyển nhiều nơi để gác quốc. Một chuyến như vậy, các teen thường bắt được khoảng 6 - 7 con. Nhưng nhiều khi không được vậy, quốc mồi không kêu thế là phải tay không đi về. Nhiều khi quốc đến nhưng không đá nhau, thế là không sập bẫy hoặc sập bẫy nhưng bị cây cản, thế là quốc thoát khỏi... Hoặc đi gác quốc gặp rắn, bị ong chích xảy ra như cơm bữa. Những lúc như vậy các teen thường... bỏ của chạy lấy người... Thịt chim quốc làm được nhiều món ăn rất ngon và bổ dưỡng, ngoài ra, mật quốc có thể dùng cho các em bé khò khè, chân quốc nướng cho khói bay lên và hít vào, có thể chữa bệnh viêm xoang... Tuy nhiên, đa số teen bây giờ thích chăm sóc quốc hơn là ăn thịt chúng. Có thời gian, một toán thợ săn ở nơi khác đến bày cho các bạn ấy cách dùng thuốc độc để bẫy chim. Các teen phản đối và báo cho người lớn biết để kịp thời ngăn chặn hành động này. “Ông tớ bảo gác quốc là một thú vui tao nhã ở miệt vườn. Săn bắt có chừng mực thì sẽ không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của quốc, còn dùng thuốc độc sẽ tận diệt đàn chim. Vì thế bọn tớ chỉ thích chăm sóc những em quốc xinh xinh hơn là ăn thịt chúng”, Đạt nói. Đó cũng là lí do tại sao ở đây lại có nhiều “bảo mẫu” chim quốc tuổi teen như vậy. *** Nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, cán bộ phòng công nghệ quản lí tài nguyên môi trường, Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM cho biết: Chim quốc có thân cánh xanh đậm, cẳng cao, mồng đỏ, nhỏ con thường hay ở trong những lùm bụi dọc theo các bờ rạch, cận bờ sông. Đây là loại chim khá phổ biến ở miền quê. Tuy không nằm trong danh mục các loại động vật quí hiếm nhưng dù sao cũng nên hạn chế săn bắt chim. Nuôi cũng là một hình thức bảo vệ loài chim này! Bài & ảnh: MỘC LAN

Nguồn Mực Tím: http://muctim.com.vn/vietnam/the-gioi-tuoi-moi-lon/2010/3-13/36278/