Lạm bàn về chiếc ấn gỗ 'Sắc Mệnh Chi Bảo' tại Hoàng Thành Thăng Long

Báo NNVN giới thiệu bài viết của TS. Ngô Thế Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm (Bảo tàng Quốc gia Việt Nam) một góc nhìn mới khác xung quanh vấn đề này.

TS. Ngô Thế Phong (bên phải)

Từ ngày 6 - 8/10, chuyên gia cao cấp Kozuma Yosei (Nhật Bản) sẽ làm việc tại Việt Nam để xác định niên đại của hiện vật ấn gỗ “Sắc Mệnh Chi Bảo” phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long gây tranh luận gay gắt thời gian qua.

Báo NNVN giới thiệu bài viết của TS. Ngô Thế Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm (Bảo tàng Quốc gia Việt Nam) một góc nhìn mới khác xung quanh vấn đề này.

Tiếp cân dưới góc độ 'kỹ thuật'

Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn đã được phát biểu trong tọa đàm khoa học về chiếc ấn gỗ “Sắc Mệnh Chi Bảo” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức ngày 26/2 vừa qua. Đặc biệt là những tranh luận gay gắt chủ yếu từ những nhà nghiên cứu Hán Nôm đã làm cho không khí nóng ít thấy trong các buổi tọa đàm khoa học.

Về chiếc ấn, tôi muốn tiếp cận dưới góc độ “kỹ thuật” góp thêm một tiếng nói nhằm xác định chuẩn xác hơn hiện vật này. Ấn được làm từ gỗ bản (thớ gỗ song song với mặt ấn, kích thước vuông 11,5 x 11,5cm, dày 0,5cm.

Mặt ấn khắc nổi 4 chữ (ngược) “Sắc Mệnh Chi Bảo”, kiểu chữ Triện. Quanh mép ấn có đường viền khá đậm, khoảng gấp đôi nét chữ khắc bên trong. Mặt sau ấn phẳng, chính giữa có một mảng tròn giống như keo còn sót lại, đường kính khoảng 7 - 8cm. Ấn bị vỡ làm 2 mảnh đều nhau, dọc theo thớ gỗ, một nửa là 2 chữ “Sắc Mệnh”, nửa còn lại là 2 chữ “Chi Bảo”.

Khi quan sát hiện vật, PGS.TS Nguyễn Công Việt (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có nhận xét rằng, ấn bị chẻ đôi rất cân bằng, vết vỡ rất khít.

Nó đặt ra câu hỏi, ấn vốn đã là 2 mảnh hay bị vỡ sau này? Vả lại, ấn không có núm nên có thể nghĩ tới khả năng đây là một dạng “tỷ tiết”, sau này phát triển thành “hổ phù”, vật dùng để ban mật chỉ, mật dụ. Nhưng dường như chưa thật yên tâm, ông nêu thêm giả thiết, có thể đây chỉ là một khuôn đúc.

Giả thiết sau của PGS.TS Nguyễn Công Việt rất đáng chú ý nếu nhìn dưới góc độ kỹ thuật, nhưng từ ông dùng “khuôn đúc” chưa chính xác.

Mọi người đều biết, thông thường để gia công một ấn gỗ (hay con dấu nói chung), người thợ hầu như không dùng gỗ bản để khắc. Ấn - hay dấu - khắc trên gỗ bản thường là ấn dùng trong các đền, phủ, bản gỗ dày, núm ấn ngắn đủ cầm để tránh gãy vỡ.

Ấn hay dấu gỗ phải phổ biến được khắc trên mặt cắt của gỗ khúc hay gỗ đoạn. Đế ấn phải đủ dày để tạo độ đầm, nặng khi đóng và tránh cong vênh. Làm trên gỗ khúc còn một thuận lợi nữa là có thể tạo núm liền đế ấn, dù núm dài tới đâu cũng không lo gãy.

Chuyên gia Kozuma Yosei sinh năm 1962. Quê ở tỉnh Miyazaki, Nhật Bản. Ông là Tiến sĩ Khoa Nghiên cứu Nông học - Đại học Kyoto (1991). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu: Nghiên cứu phương pháp xử lý, bảo tồn di vật hữu cơ, phương pháp khảo sát không làm hư hại các tư liệu khảo cổ. Hiện tại ông là Trưởng phòng Khoa học Bảo tồn Phục chế - Trung tâm Di sản Văn hóa trong lòng đất thuộc Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara.

Chiếc ấn chúng ta đang bàn rõ ràng có núm gia công rời, được gắn với đế ấn bằng keo (hay sơn ta). Điều gì khiến người thợ phải chế tác phức tạp như vậy? Mặt khác, với chiếc ấn có kích thước 11,5 x 11,5cm, lại chỉ dày 0,5cm, sau khi khắc “lấy thịt”, những chỗ âm còn lại không đầy 0,4cm liệu có đảm bảo độ bền và tránh được cong vênh? Và, với độ dày như vậy, khi áp ấn có đủ nặng, đều mực không?

Không phải là ấn

Từ những quan sát và phân tích trên, tôi giả thiết với nhiều phần chắc chắn, hiện vật tìm được không phải là ấn mà là một phần - phần đế ấn - của vật mẫu dùng để đúc ấn kim loại (vàng, bạc hay đồng).

Trong cơ khí, để đúc những chi tiết đơn lẻ trước hết người ta phải làm vật mẫu bằng gỗ, gọi là mộc mẫu, thợ làm những vật mẫu đó gọi là thợ mộc mẫu. Các vật đúc phức tạp, người thợ mộc mẫu thường phải gia công từng phần, sau gắn lại bằng keo gắn gỗ, cuối cùng gọt chỉnh theo đúng yêu cầu của vật đúc. Gỗ làm mộc mẫu phải mềm, có độ dẻo và tránh mấu, mắt, dễ gia công.

Nếu suy đoán của tôi là đúng thì việc làm vật mẫu đế ấn bằng gỗ bản là hoàn toàn hợp lý. Gỗ bản dễ khắc hơn mặt ngang gỗ khúc và ít bị sứt mẻ, dù mỏng. Tôi cũng ngờ là núm ấn không phải hình trụ mà có thể có 2 cấp, hoặc được tạo tác hình động vật (rồng, lân?) vì vết gắn núm tới 7 - 8cm đường kính.

Từ vật mẫu, dù không đầy đủ có thể dựng lại cách đúc ấn của người xưa. Ấn được đúc bằng khuôn hai mang. Mang dưới (đế ấn) là khuôn hở, gồm mặt ấn (mặt chữ) và 4 mặt cạnh. Khuôn trên gồm núm ấn và mặt trên của đế ấn. Nếu hiện vật này không phải là ấn gỗ như tôi vừa chứng minh là đúng, thì chúng ta cũng chớ nên vội vàng gắn nó với một câu trong sử: “Giấy tờ trong việc quân không có ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn”, và định niên đại 1257 cho nó.

Tôi cũng không cho đây là “tỷ tiết” hay “hổ phù”. Nhìn trên mặt ấn ta thấy một khe dọc bên chữ “Chi” và bộ “miên” của chữ “Bảo” chẳng khác gì “rãnh mớm” khiến ấn bị vỡ đôi đều nhau. Có vết vỡ khít là do, như đã nói, vật mẫu đều được làm từ gỗ nục nạc, không có mắt. Cũng còn một khả năng nữa, sau khi đúc, vật mẫu bị đập vỡ làm nhiều phần.

Để kết lại, tôi mong các chuyên gia cần xem xét, nghiên cứu thật cẩn trọng bối cảnh địa tầng, chỉnh lý kỹ những hiện vật liên quan (toàn bộ hố khai quật, tầng vị những ô phát hiện ấn và quanh đó), nghiên cứu kỹ thuật thư pháp (ví như bộ “phộc” trong chữ “Sắc”), kích thước ấn, độ dày đường viền.v.v… Có như vậy mới có thể đưa ra những kết luận chính xác và thuyết phục.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lam-ban-ve-chiec-an-go-sac-menh-chi-bao-tai-hoang-thanh-thang-long-post176852.html