Lãi suất tăng: Ngân hàng hưởng lợi hay chịu thiệt?

Sau một thời kỳ ổn định, nhiều ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất trở lại kể từ nửa cuối tháng 2. Thử nhìn sự mất cân đối kỳ hạn ở các NH và NH được lợi gì khi lãi suất đi lên.

Vẫn mất cân đối kỳ hạn

Ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định tăng lãi suất ở các NH chính là quy định giảm tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên nguồn vốn ngắn hạn từ 60% xuống 40% của Dự thảo Thông tư 36. Rất nhiều người đã nói đến vấn đề này, nhưng bản chất thật sự của tỷ lệ này là như thế nào?

Một ví dụ dễ hiểu như sau: một NH thời điểm hiện tại có tổng tiền gửi là 100 đồng, trong đó có 20 đồng là vốn huy động trung dài hạn, 15 đồng đang có kỳ hạn cao hơn 13 tháng, 5 đồng có kỳ hạn 12 tháng, 80 đồng là vốn ngắn hạn hiện có kỳ hạn dưới 12 tháng.

Bên sử dụng vốn, NH đang có khoản cho vay trung dài hạn 24 tháng là 50 đồng. Theo đó, tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên nguồn vốn ngắn hạn của NH là 38%.

Tuy nhiên, nếu đến tháng sau thì khi 5 đồng có kỳ hạn 12 tháng đã trở thành nguồn vốn ngắn hạn vì có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng, thì tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên nguồn vốn ngắn hạn của NH đã tự động tăng lên 44%.

Điều này có nghĩa là trong trường hợp không làm gì cả, nguồn vốn và cho vay của NH vẫn đứng yên trong tình trạng nguồn vốn trung dài hạn tập trung nhiều ở kỳ hạn 12 - 13 tháng, trong khi cho vay trung dài hạn tập trung ở các kỳ hạn từ 36 - 60 tháng trở lên (phổ biến hiện nay tại các NH). Tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên nguồn vốn ngắn hạn của NH sẽ theo xu hướng ngày càng tăng lên.

Khi tỷ lệ này buộc phải giảm từ mức tối đa 60% về 40% sẽ trở thành một áp lực rất lớn cho NH, nhất là khi dư nợ cho vay trung dài hạn của các NH đã tăng mạnh trong năm 2015 và dự báo sắp tới cầu vốn trung dài hạn sẽ tiếp tục cao khi nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục tích cực.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng trung vài dài hạn trong năm 2015 là 31,4%, cao hơn rất nhiều so với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 18%.

"Trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp tái cấu trúc sau giai đoạn khủng hoảng, cầu đối với nguồn vốn trung và dài hạn tăng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và đổi mới công nghệ”, báo cáo nhận định.

Trong năm 2015, các NH cũng đẩy vốn mạnh vào thị trường bất động sản khi dự báo thị trường này đang ấm trở lại. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014.

Một số NH cũng tập trung cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng với thời hạn vay kéo dài từ 5 - 10 năm, khiến NHNN phải có những cảnh báo về rủi ro. Việc cơ cấu nợ đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2015 khi Quyết định 780 theo quy định hết hạn vào ngày 1/4/2015 đã làm tăng nợ trung dài hạn ở đa số các NH.

Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên tới 31,8%, cao hơn nhiều so với mức 20,2% của năm 2014.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, chỉ ở mức hơn 14%. Tuy số liệu tăng trưởng huy động vốn trung dài hạn không được công bố, nhưng với đặc tính người gửi tiền tại Việt Nam chỉ thích gửi ở kỳ hạn ngắn thì nguồn vốn trung dài hạn tại các NH cũng khó tăng trưởng cao. Như vậy, các NH vẫn mất cân đối ở kỳ hạn dài, điều đã diễn ra trong nhiều năm nay.

Ngân hàng hưởng lợi?

Các NH chủ yếu tăng mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài từ 0,5 - 0,8%, trong khi kỳ hạn ngắn chỉ tăng từ 0,2 - 0,3%. Điều này phản ánh nhu cầu vốn trung dài hạn của các NH đang cao hơn.

Với lạm phát kỳ vọng 2016 tăng trở lại, các NH đang có chiến lược đi trước đón đầu để giữ và thu hút người gửi tiền trung dài hạn. Tuy nhiên, việc tăng mạnh lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có thể còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các NH.

Chi phí vốn đầu vào tăng, giá vốn bán ra của các NH chắc chắn cũng phải tăng lên. Nhưng chi phí đầu vào có thể tăng không đáng kể do mặt bằng lãi suất ngắn hạn chỉ tăng nhẹ, còn mặt bằng lãi suất trung dài hạn tuy tăng cao nhưng một số NH chỉ áp dụng với khách hàng có lượng tiền gửi lớn, trong khi đó đa số khách hàng hiện tại vẫn không mặn mà gửi tiền ở kỳ hạn dài vì cho rằng lãi suất có thể còn đi lên.

Ngược lại, ở phía đầu ra, các NH có lợi hơn rất nhiều. Trước hết, lãi suất cho vay đối với khách hàng vay mới sẽ tăng theo lãi suất huy động do các NH phải duy trì một biên độ sinh lãi tối ưu.

Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn chính là những khoản vay trung dài hạn mua nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh,... với lãi suất ưu đãi trong 1 - 2 năm đầu trước đây giờ sẽ được áp dụng mức lãi suất cho vay mới bằng với lãi suất huy động hiên tại ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng thêm biên độ 4 - 5%.

Điều này sẽ giúp các NH tăng biên lợi nhuận vì hầu hết các hợp đồng cho vay trung dài hạn đều áp dụng lãi suất thả nổi và điều chỉnh mỗi 3 - 6 tháng.

Như vậy, người gửi tiền rõ ràng không được lợi bao nhiêu, vì lãi suất tiền gửi dù có tăng nhưng nếu so với lạm phát kỳ vọng năm 2016 và thực tế của quý I năm nay là 1,25% so với cùng kỳ năm trước, thì mức lãi suất tăng lên chẳng đủ bù đắp.

Trong khi đó, người vay tiền đang phải chịu áp lực rất lớn khi các khoản vay trước đây với lãi suất ưu đãi giờ bắt đầu bước vào chu kỳ điều chỉnh, trớ trêu thay vào đúng thời điểm mặt bằng lãi suất đang đi lên trở lại.

> Sửa đổi Thông tư 36: DN BĐS và ngân hàng đang dần xa nhau?

> Sửa đổi Thông tư 36: Hạn chế xung đột lợi ích ngành

> Sửa đổi Thông tư 36: Có đáng lo?

HỒ LÊ

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/tai-chinh-chung-khoan/lai-suat-tang-ngan-hang-huong-loi-hay-chiu-thiet/1096516/