Lãi suất còn nghe ngóng thị trường

(ĐTCK-online) Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), bà Dương Thu Hương cho biết, trong cuộc họp với các thành viên ngân hàng mới đây, hầu hết nhà băng đều đồng thuận sẽ xem xét diễn biến để có thể điều chỉnh lãi suất kể từ ngày 15/10 tới đây.

Tuy nhiên, theo các ngân hàng, trước mắt phải theo dõi sát biến động của thị trường, tình hình lạm phát…, trên cơ sở đó mới có thể tính đến việc cắt giảm chi phí đầu vào, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế thường rơi vào quý IV, nên ngân hàng cần tăng lượng vốn huy động. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Hương về vấn đề này. Theo bà, liệu tới đây lãi suất có khả năng giảm như kêu gọi của VNBA đưa ra và trên tình thần đồng thuận của các thành viên? Trên tinh thần Hiệp hội kêu gọi, trong cuộc họp mới đây, các thành viên ngân hàng cũng muốn nghe ngóng diễn biến thị trường trước, nếu có điều kiện thuận lợi hơn thì mới điều chỉnh giảm tiếp lãi suất. Đồng thời, các ngân hàng đề xuất là nên có bước đi vừa phải, không thể cắt giảm mạnh lãi suất trong lúc này. Vì thế, trước mắt, khả năng lãi suất sẽ ổn định ở mặt bằng hiện nay, với lý do được các ngân hàng đưa ra là nhu cầu vốn thường gia tăng mạnh trong quý này. Do đó, nếu hạ lãi suất mà không có đủ vốn đáp ứng nhu cầu nền kinh tế cũng không nên. Mặt khác, áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng lên cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và kỳ vọng lãi suất tiền gửi cao hơn mặt bằng hiện tại. Chính những yếu tố này buộc các nhà băng phải tính toán kỹ hơn trong việc điều chỉnh giảm lãi suất, cho dù đã có đồng thuận sẽ bắt đầu điều chỉnh kể từ ngày 15/10 tới. Nhưng không chỉ với lãi suất tiền đồng mà ngay cả lãi suất tiết kiệm ngoại tệ và vàng, VNBA cũng kêu gọi các thành viên xem xét để giảm? Nguyên nhân là để giảm áp lực cho lãi suất tiền đồng thì trước hết cũng phải xem xét đà tăng của lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong 2 tháng qua. Hiện lãi suất tiết kiệm ngoại tệ đã ở mức cao, có nơi lên đến 5,5%/năm. Như vậy, nếu tính cả điều chỉnh tỷ giá thì lãi suất tiền gửi VND (bình quân 11%/năm) và ngoại tệ đã ngang ngửa nhau. Vì thế, VNBA kêu gọi các thành viên cần điều chỉnh lãi suất huy động ngoại tệ cho phù hợp với lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong bối cảnh thị trường hiện nay. Theo bà, việc chỉnh sửa của Thông tư 13 sẽ tác động như thế nào đến mặt bằng lãi suất? Tôi cho rằng, Thông tư 13 chỉnh sửa sẽ tác động tích cực hơn đến mặt bằng lãi suất, vì nếu không có chỉnh sửa, chi phí vốn đầu vào sẽ gia tăng, do cạnh tranh giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, với những chỉnh sửa này, khối ngân hàng quốc doanh sẽ thuận lợi hơn, bởi họ có một lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước, trong khi các ngân hàng cổ phần thì không. Mặt khác, tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế ở ngân hàng quốc doanh cũng lớn hơn ở ngân hàng cổ phần vừa, nhỏ. Tuy nhiên, Thông tư 13 chỉnh sửa có một điểm cần lưu ý là cho phép các tổ chức tín dụng vay mượn nhau với kỳ hạn từ 3 tháng trở lên (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước để bù đắp thiếu hụt tạm thời đối với tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Thông tư 13). Theo tôi, đây được xem là một yếu tố quan trọng, vì việc liên thông giữa thị trường một và thị trường hai (liên ngân hàng) sẽ được giải quyết đáng kể. Trên thực tế, việc không được sử dụng quá tỷ lệ 20% vốn liên ngân hàng để cho vay là chưa có một văn bản quy định nào cụ thể, mà NHNN chỉ đưa ra khuyến cáo, nhằm đảm bảo thanh khoản và an toàn cho cả hệ thống ngân hàng. Còn sau khi chỉnh sửa với nội dung trên thì không còn rào cản như trước đây. Như vậy, với kỳ vọng giảm lãi suất như chủ trương đưa ra, theo bà liệu có đạt được? Trên tinh thần đồng thuận của các thành viên cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới, song để thực hiện điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên chính là lạm phát, nhưng trong tháng 9 vừa qua, lạm phát có dấu hiệu tăng cao. Vì thế, lãi suất cũng phải nghe ngóng thị trường mới có thể điều chỉnh giảm thêm. Nhưng với mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận VND hiện nay, không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn, vì cho rằng áp lực chi phí còn cao, thưa bà? Sự đồng thuận của các thành viên VNBA về việc sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền đồng cũng được Thống đốc NHNN đồng tình. Trên tinh thần của Nghị quyết 18 của Chính phủ về việc kéo giảm lãi suất thỏa thuận hỗ trợ ba đối tượng khách hàng (xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn và DN nhỏ và vừa), chúng tôi cũng kêu gọi các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện triệt để vấn đề này. Còn với các đối tượng khách hàng khác, theo tôi, mặt bằng lãi suất cho vay tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Vì nếu hạ lãi suất xuống thấp, nhưng thiếu vốn cũng khó có thể làm được gì. Theo tính toán của NHNN hiện nay, bình quân lãi suất cho vay thỏa thuận trên 13%/năm là hợp lý. Bởi trên thực tế, các DN đang phát hành trái phiếu huy động vốn, lãi suất còn lên đến 15 - 16%/năm thì không thể kêu mãi về việc lãi suất thỏa thuận cao và khó tiếp cận vốn. Với mức lãi suất trái phiếu DN nói trên cũng tạo áp lực không ít đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay. Theo tôi, các DN kêu khó tiếp cận vốn vay cũng có rất nhiều loại, vì nếu với DN làm ăn không hiệu quả, khả năng trả nợ kém thì ngân hàng sẽ không cho vay. Còn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay, theo tôi, khả năng đạt được trong tầm tay. Tính đến cuối tháng 9/2010, tăng trưởng dư nợ toàn ngành đã gần 20% và mùa vụ kinh doanh của ngân hàng đang đến nên tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFGDHB/lai-suat-con-nghe-ngong-thi-truong.html