Lãi suất cho vay sẽ ổn định nếu 'khéo' điều hành

Trước hiện tượng tăng giảm lãi suất trái chiều, mặc dù do nhiều nguyên nhân, nhưng các chuyên gia đều đánh giá, đây chỉ là ngắn hạn và sẽ ổn định trở lại.

Lãi suất tăng có thể chỉ là ngắn hạn. Ảnh: H.Dịu

Tại buổi tọa đàm “Đường đi của lãi suất năm 2017” được tổ chức vào ngày 28/3, các chuyên gia ngân hàng đã đưa ra nguyên nhân của hiện tượng tăng lãi suất tiền gửi thời gian qua, đặc biệt là việc một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi theo kỳ hạn dài với mức lãi suất rất cao, lên tới 8-8,8%.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán SSI cho rằng, hiện tượng trên chịu tác động của 3 yếu tố chính là: lạm phát, tỷ giá và thanh khoản ngân hàng.

Theo đó, lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2017 ở mức cao so với cùng kỳ năm trước do tăng giá xăng dầu. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần nâng lãi suất, nhưng kể từ khi nâng lãi suất thì đồng USD lại mất giá, các đồng tiền lớn, kể cả Nhân dân tệ đều lên giá so với USD và VND. Động thái này làm tăng lợi thế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song tiềm ẩn rủi ro tỷ giá do nhập siêu và lượng cung ngoại tệ giảm trong khi cầu tăng.

Đặc biệt, thanh khoản ngân hàng trong tháng 3 khá căng thẳng, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng tăng khá cao, nhu cầu vay qua thị trường mở OMO xuất hiện sớm, dư nợ hiện tại là 25,7 nghìn tỷ.

Cùng với 3 nguyên nhân trên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, lãi suất tiền gửi tăng còn do ảnh hưởng của Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với yêu cầu giảm tỷ lệ cho vay dài hạn bằng nguồn vốn ngắn hạn từ 60% xuống 50% có hiệu lực từ đầu năm 2017.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, nếu nhìn tổng thể thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn vào cuối năm 2016 của toàn hệ thống chỉ là 34,5%, trong đó khối ngân hàng TMCP có tỷ lệ cao hơn trung bình cũng chỉ là 39%. Việc sử dụng chứng chỉ tiền gửi huy động kỳ hạn dài vỡi lãi suất cao theo đó sẽ chỉ giới hạn ở quy mô nhỏ, tập trung ở những ngân hàng cổ phần chưa đảm bảo được tỷ lệ này.

“Vì thế, việc lãi suất tăng trong thời gian qua có thể chỉ là ngắn hạn và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ ổn định trở lại”, ông Linh nhận định.

Nhận định về tình hình lãi suất trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Đức Độ, xu hướng lãi suất chủ yếu sẽ phụ thuộc vào cách thức NHNN xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng như thế nào. Bên cạnh đó, NHNN cần tích cực xử lý nợ xấu, càng nhanh càng tốt.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho hay, năm 2017, áp lực tăng lãi suất là có. Nhưng nếu NHNN quyết liệt và khéo điều hành thì mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giữ được như hiện tại.

Giải pháp về điều hành, theo TS. Lực cần đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu NH yếu kém và tiến trình xử lý nợ xấu. Thứ hai là cần tìm biện pháp tăng cường huy động vốn từ dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh. Thứ ba là theo dõi chặt chẽ biến cố bên trong, bên ngoài để có ứng phó kịp thời. Cuối cùng là biện pháp tâm lý.

“Dù có hay không có thêm sức ép, thì lãi suất tại Việt Nam hiện nay đã ở mức cao và tác động không tốt đến nền kinh tế. Vì vậy, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng. Nhưng làm thế nào vẫn là câu chuyện tương đối dài”, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lai-suat-cho-vay-se-on-dinh-neu-kheo-dieu-hanh.aspx