Lãi suất cho vay giảm nhưng 'cửa' tiếp cận vốn còn hẹp

Cuối tuần qua, một số ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất cho vay. Điều này giúp các DN kỳ vọng sẽ vay được nguồn vốn giá rẻ, tạo thuận lợi cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Giảm lãi suất cho vay là động thái tích cực của các ngân hàng trong thời điểm kinh doanh cuối năm. Ảnh: Trần Việt.

Động lực tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20-9-2016, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%), có dấu hiệu chậm lại và vẫn còn khá xa so với chỉ tiêu dự kiến cả năm (18-20%). Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay. Trước tình hình này, từ ngày 26-9, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng. Sau đó, khoảng 2 tuần, một loạt ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay hoặc cho vay ưu đãi thông qua các chương trình khuyến mãi.

Cụ thể, kể từ ngày 15-10, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp. Với DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được ngân hàng này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm; các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa 6%/năm. LienVietPostBank cũng thông báo điều chỉnh hạ lãi suất cho vay với mức giảm từ 1-1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DN nhỏ và vừa. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng mở rộng triển khai gói tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh đến ngày 31-1-2017 với tổng quy mô lên đến 15.000 tỷ đồng, lãi suất vay vốn chỉ từ 6,6%/năm đối với các khoản vay dưới 6 tháng và từ 7%/năm đối với các khoản vay từ 6-11 tháng…

Hoan nghênh quyết định trên của các ngân hàng, đa số DN đều cho rằng, thời điểm từ nay đến tết Nguyên đán sẽ là vụ kinh doanh cao điểm để DN lấy hàng Tết, thanh toán “chốt sổ” các đơn hàng từ đầu năm, do đó, việc giảm lãi suất kinh doanh sẽ giúp các DN có được nguồn vốn giá rẻ, tạo thuận lợi cho việc thanh toán, nâng cao khả năng tài chính.

Tỏ ra vui mừng trước chính sách này, ông Trần Đức Trung, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH XNK nông sản Hưng Long cho hay, đây là động thái tích cực của các ngân hàng trong thời điểm kinh doanh cuối năm. Bởi thời điểm này, các DN sẽ cần vay vốn ngắn hạn để thanh toán, chuẩn bị hàng vụ Tết. Vì thế, nếu việc giảm lãi suất được nhân rộng ra toàn ngành ngân hàng, DN sẽ có nhiều thuận lợi hơn, giúp tăng trưởng đạt như đúng kỳ vọng đặt ra từ đầu năm. Bởi trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khá nhiều khó khăn, nguồn thu hạn hẹp.

Cần thực chất

Mặc dù lãi suất có mức giảm khá mạnh như trên, nhưng theo ông Bùi Văn Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng (DN chuyên về xây dựng, cung ứng vật liệu xây dựng), lãi suất ưu đãi thường hướng đến đối tượng DN ưu tiên, có hồ sơ tốt hoặc DN trong lĩnh vực sản xuất, XNK. Hơn nữa, Công ty Đông Hưng lại là DN mới hoạt động nên vẫn đang phải đi vay với mức lãi suất như bình thường, phải có tài sản thế chấp, không được hưởng ưu đãi.

Mặt khác, một số DN cũng nhận định, việc giảm lãi suất cho vay thời điểm này tuy thích hợp cho các DN vụ sản xuất cuối năm. Nhưng về trung và dài hạn, DN cần vốn nhiều hơn để đầu tư, phát triển khi bước vào năm 2017, việc cạnh tranh và hoạt động XNK sẽ khốc liệt hơn. Do đó, các DN này mong muốn các ngân hàng cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách điều tiết để giảm lãi suất mạnh mẽ hơn, đi vào hiệu quả và thực chất hơn.

Tuy lãi suất nay đã "dễ thở" hơn, nhưng hiện khó khăn lớn nhất của các DN vẫn là vấn đề tiếp cận vốn, khi nhiều ngân hàng đưa ra quy định khá chặt chẽ đối với DN khi đi vay. Do đó, theo các DN này, việc giảm lãi suất cho vay chỉ là một phần nhỏ của giải pháp khơi thông nguồn tín dụng, mà điều quan trọng phải là việc cải thiện phương thức để DN tiếp cận được nguồn vốn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN Tuyên Quang chia sẻ, khi vay vốn, các DN và ngân hàng thường vướng mắc trong khâu định giá tài sản đảm bảo. Đa phần các ngân hàng “vừa đá vóng, vừa thổi còi”, khiến DN không được hưởng đúng khoản vay theo giá trị tài sản. Do đó, Hiệp hội đã liên kết với các tổ chức định giá trung gian, nếu 2 bên không tự thỏa thuận được giá trị tài sản thì tổ chức này sẽ đứng ra định giá, đảm bảo DN được vay vốn với tỷ lệ 70% giá trị tài sản một cách hợp lý.

Đối với việc giải quyết vấn đề tài chính của DN, một vị lãnh đạo hiệp hội DN đã từng nói, từ trước đến nay, lãi suất cho vay cao hơn thì DN vẫn sống được, chứng tỏ lãi suất chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, điều cốt yếu nằm ở phương thức tiếp cận vốn cho DN. Bởi DN có vốn thì sẽ mở rộng được hoạt động sản xuất, kinh doanh nên sẽ có đủ tiềm lực để trả nợ ngân hàng. Do đó, hầu hết DN đều bày tỏ mong muốn cơ chế vay vốn được cải thiện nhiều hơn, để dòng vốn đến được những DN thực sự có nhu cầu về vốn.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lai-suat-cho-vay-giam-nhung-cua-tiep-can-von-con-hep.aspx