Lại 'nóng' chuyện di dời ga Hà Nội khỏi nội đô: 'Ăn mày dĩ vãng' đến bao giờ?

ndash; Ý kiến di dời ga Hà Nội khỏi nội đô đang làm dấy lên cuộc tranh cãi dữ dội từ các cơ quan chức năng, giới chuyên gia và quần chúng nhân dân. Và một câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người là, trước yêu cầu của tình hình mới, chúng ta còn tiếp tục “ăn mày dĩ vãng” đến bao giờ nữa?

Ngành đường sắt phản đối

Tại hội nghị về an toàn giao thông của thành phố Hà Nội sáng 8/8, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải di dời tuyến đường sắt và ga Hà Nội ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đây không phải lần đầu tiên việc di dời ga Hà Nội khỏi khu vực trung tâm được đặt ra.

Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Hà Nội có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt. Ga Hà Nội cũng là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân.Thực tế này đang gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông và là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông trên đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp.

Ga Hà Nội sẽ được di dời khỏi nội đô?

Trước ý kiến này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, đa số các ga đều nằm trong nội đô để đáp ứng thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ đường sắt quốc gia, mà đường sắt đô thị đều nằm trong nội đô, để tạo thuận lợi nhất cho đi lại. Nếu chuyển ga Hà Nội khỏi nội đô đồng nghĩa với việc sẽ phải trung chuyển một lượng lớn hành khách từ ga vào nội thành và ngược lại.

Cũng theo ông Minh, vấn đề quan trọng là trong quy hoạch của Hà Nội cũng như quy hoạch quốc gia, theo quyết định 214 của Chính phủ, đến năm 2020, ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm. Vì thế việc quy hoạch cân đối hài hòa yếu tố giữa các bên là yếu tố quan trọng nhất. Ông Minh nhấn mạnh: “Giao cắt giữa đường sắt và đường bộ rất phổ biến ở các nước châu Âu như Áo, Đức. Thậm chí ở Áo, đường sắt đô thị có đoạn còn đi trên mặt đường song song với đường bộ.

Nhiều chuyên gia đồng tình

Mặc dù ngành đường sắt không đồng tình với phương án chuyển ga Hà Nội dời khỏi nội đô, nhưng một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, văn hóa ... lại đồng tình với chủ trương này của công an TP. Hà Nội.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, việc di dời là cần thiết

Trao đổi với phóng viên, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho hay: “Trước hết tôi tán thành cách đặt vấn đề đó. Bởi vào thời điểm người Pháp xây dựng ga Hà Nội là họ bắt đầu triển khai tuyến đường sắt nối từ Hải Phòng đến Vân Nam (Trung Quốc) và Hải Phòng lên Lạng Sơn. Vì thế ga Hà Nội trở thành trung tâm của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương. Gần kề đó, người Pháp còn xây dựng một trung tâm kinh tế rất quan trọng là khu đấu xảo (nay là cung Hữu nghị Việt – Xô) và cũng gần với một căn cứ quan trọng của người Pháp. Nếu nhìn tổng thể thì việc sắp xếp đó rất hợp lý”.

Tuy nhiên đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, trong suốt một thế kỷ qua và nhất là những năm gần đây, với sự phát triển có phần hỗn loạn của nền kinh tế, ga Hà Nội đã bộc lộ những bất cập lớn. Một là hệ thống đường sắt của chúng ta hầu như lộ thiên và giao cắt với rất nhiều tuyến đường giao thông quan trọng gây ách tắc. Hai là hành lang đường sắt bị buông lỏng dẫn đến rất nhiều bất cập. Vì thế việc di dời là cần thiết.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm: Đây là một dự án phức tạp, một đề án gồm nhiều phần khác nhau

TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì phân tích: “Tôi thấy ga Hà Nội đặt ở vị trí hiện nay hiệu quả không cao. Bởi vì cả ngày có lẽ chỉ có chục chuyến tàu trong khi nó cản trở giao thông của thành phố. Thế nên việc di dời là hợp lý. Tất nhiên vấn đề không nằm ở bản thân nhà ga mà nó nằm ở hệ thống đường sắt vì nó cắt đôi thành phố. Dĩ nhiên khi di dời ga Hà Nội khỏi nội đô, rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh và đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải tính toán rất kỹ. Từ trụ sở ga Hà Nội, hệ thống hành lang đường sắt, hệ thống đường sắt, cầu Long Biên ... phải xử lý như thế nào? Đây là một dự án phức tạp, một đề án gồm nhiều phần chứ không có mỗi chuyện chuyển cái ga đó đi là xong”.

Hiện có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc quản lý, sử dụng khu “đất vàng” nếu di dời ga Hà Nội. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm cho biết: “Vấn đề hậu di dời ga Hà Nội cũng là câu chuyện rất đáng quan tâm. Chúng ta sẽ đấu giá khu vực nhà ga hay biến nó thành một đầu mối giao thông khác? Những biện pháp chống lấn chiếm hành lang đường sắt sẽ thế nào? ... Đó đều phải được quy hoạch cụ thể”.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển lại gợi ý một hướng phù hợp hơn: “Tôi cũng đồng tình với quan điểm di dời ga Hà Nội. Nhưng nếu vẫn tính tới phương án giữ lại ga thì chúng ta phải hướng tới một giải pháp hài hòa hơn. Chẳng hạn chúng ta có thể biến nó thành một điểm đầu mối của hệ thống đường sắt đô thị chẳng hạn. Tức là thay đổi hình thức này thành hình thức khác để sao cho thành phố thực sự văn minh, hiện đại lên”.

Phạm Văn – Hương Lan

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201708/lai-nong-chuyen-di-doi-ga-ha-noi-khoi-noi-do-an-may-di-vang-den-bao-gio-2833489/