Lại một nghệ sĩ cải lương qua đời vì ung thư gan

NSƯT Bạch Lan ra đi vào 22h55 ngày 4/11 tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo (TP HCM), hưởng thọ 82 tuổi sau thời gian chống chọi căn bệnh ung thư.

Tối 4/11, nghệ sĩ Gia Bảo đăng lên trang cá nhân thông tin chia buồn về sự ra đi của NSƯT Út Bạch Lan - "cây đại thụ" của làng cải lương Việt Nam.

Anh viết: "Trời ơi! Con không tin điều đó là sự thật! Vậy là bà Út đã đi rồi sao? Cuộc đời mong manh quá... Con sinh sau đẻ muộn nhưng cũng may mắn có được những kỷ niệm với bà Út! Con cám ơn bà Út đã giúp con... Xin cúi đầu tiễn đưa NSƯT Út Bạch Lan về cõi Phật".

NSƯT Bạch Lan thời xuân sắc. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời vào lúc 22h55 ngày 4/11 tại nhà riêng vì căn bệnh ung thư gan, hưởng thọ 82 tuổi. Hay tin một trong những cây đại thụ của nền nghệ thuật cải lương miền Nam qua đời, nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn như NSƯT Hoài Linh, Thoại Mỹ, Võ Minh Lâm…

Linh cữu nghệ sĩ Út Bạch Lan được quàn ở chùa Xá Lợi, quận 3, TP HCM.

Theo đó, đầu tháng 1/2016, NSƯT Út Bạch Lan phải nhập viện điều trị khối u lớn ở bụng. Ở thời điểm đó, bà cũng đang điều trị bệnh tim và cao huyết áp. Sau khi được đốt bỏ khối u, nghệ sĩ được đưa về nhà để nghỉ ngơi nhưng vẫn theo dõi và điều trị.

Sầu nữ Út Bạch Lan trên giường bệnh. Ảnh: Thanh Hiệp.

Ngày 24/10, nữ Nghệ sĩ Ưu tú còn suất tập cuối cùng tại Rạp Công Nhân, TP HCM chuẩn bị diễn vở Mẹ ngồi sàng gạo (kịch bản NSƯT Bắc Sơn) để biểu diễn trong chương trình từ thiện Trái tim yêu thương gây quỹ học bổng Bắc Sơn cho con em nghệ sĩ nghèo.

Nhưng đến ngày 27/10, bà trở bệnh nặng phải nằm ở nhà, vai người mẹ trong vở diễn của bà được nghệ sĩ Cao Mỹ Châu đóng thế. Đầu tháng 11, khi phóng viên điện thoại hỏi thăm, bà vẫn trò chuyện và cho biết sức khỏe đã yếu rất nhiều.

Cuối tháng 9 vừa qua, làng cải lương miền Nam cũng thương tiếc trước sự ra đi một cây đại thụ là NSND Thanh Tòng.

Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan, tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại Long An, Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ.

Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai.

Bà từng hát qua các đoàn như Kim Chưởng, Thanh Minh... Với giọng ca buồn, giàu cảm xúc, bà đã được công chúng và báo giới ngày ấy ưu ái gọi tên Sầu nữ Út Bạch Lan. Thời ở đoàn Kim Chưởng, bà cùng nghệ sĩ Thành Được tạo thành một cặp đào kép lừng lẫy, được khán giả hết sức ái mộ.

Thời gian năm 1976 đến 1986, Út Bạch Lan làm trưởng đoàn cải lương Long An, thời điểm này bà đã dìu dắt, nâng đỡ, chỉ dạy các nghệ sĩ trẻ, trong đó có ba nghệ sĩ đã được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy, Ngân Vương.

Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, ngoài những giải thưởng đạt được trong nghề, nữ nghệ sĩ được báo giới và khán giả ưu ái dành tặng các danh hiệu như "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng vọng cổ", "Sầu nữ Út Bạch Lan"...

Nguyễn Hồng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/lai-mot-nghe-si-cai-luong-qua-doi-vi-ung-thu-gan-d28446.html