Lại đổi mới kỳ thi THPT quốc gia 2017: Học sinh có kịp trở tay?

Những dự kiến về đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 đang làm đau đầu khá nhiều người. Nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 tại các trường THPT tỏ ra khá lo lắng, thậm chí “đứng ngồi không yên” trước những thay đổi. Khá nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về kỳ thi đổi mới này.

Thí sinh thảo luận kết quả bài làm sau môn thi. Ảnh Trần Vương

Còn nhiều băn khoăn

Những thông tin dự thảo về đề án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2017 sẽ chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (KHXH) (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) và các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm ngoại trừ môn Văn đã khiến cho khá nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 đứng ngồi không yên trước những dự kiến đổi mới này.

Em Trần Thị Hoa, THPT Nghèn (Hà Tĩnh) cho biết: "Hai năm gần đây những đổi mới đó đã khiến cho chúng em hoang mang, nhìn những anh chị dẫu điểm cao vẫn không vào đúng nguyện vọng của mình. Rồi đến ngày thi vẫn chưa rõ quy chế và nhiều anh chị bối rối. Nên giờ em lại sợ những thay đổi đó. Hôm nay đi học em cũng có nghe thầy cô và các bạn nói phương án dự kiến, khiến cả lớp em đứng ngồi không yên, cả buổi không học được.”

Phụ huynh ngồi đợi con trong phòng thi tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh Trần Vương

Sự thay đổi liên tục hay nói đúng hơn là sự thiếu ổn định trong phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã khiến cho nhiều phụ huynh cảm thấy bất an. Nhiều ý kiến cho rằng không nên cứ mỗi năm lại thay đổi một kiểu, như là lấy học sinh làm chuột bạch để thử nghiệm phương pháp thi. Hơn nữa, những thông tin chưa rõ ràng về kỳ thi tiếp theo như thế nào đang là câu hỏi lớn được nhiều phụ huynh đặt ra. Phụ huynh Nguyễn Thị Hậu (Phúc Thọ, Hà Nội) băn khoăn: “Nếu tổ chức thi theo bài thi như vậy thì xét tuyển của các trường Đại học với các khối thi truyền thống như thế nào? Việc tính điểm sẽ ra sao? Hơn nữa suốt 3 năm học các học sinh đang học theo khối đã chọn từ trước mà giờ bắt thi theo kiểu tổng hợp như vậy có khác gì đánh đố học sinh. Chưa kể đến trước đây các em chủ yếu chỉ học có 4-5 môn để thi tốt nghiệp, giờ phải học thêm 2-3 môn nữa như vậy có quá nặng không? Tôi nghĩ Bộ nên xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định chính thức!”

Thời gian quá gấp gáp

Trao đổi với PV Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng những thay đổi như giao kỳ thi THPT quốc gia cho Sở GD&ĐT các địa phương là hoàn toàn hợp lý. Các Sở GD&ĐT đã phụ trách các em học suốt 12 năm học, bắt đầu cũng là họ thì kết thúc cũng nên để họ tổng kết, đánh giá. Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. Nói về việc dự kiến sắp tới sẽ có 5 bài thi, ông Nhĩ nhận định đây là điểm sáng và đúng quy luật trong việc đảm bảo giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được thị trường lao động. Bài thi trắc nghiệm cũng giúp kiểm tra kiến thức toàn diện, tránh tình trạng học tủ, thi tủ. Việc này cũng giúp giảm tải và tránh cảm tính của người giáo viên trong việc chấm thi. Tuy nhiên để nâng cao được hiệu quả, cần phải đảm bảo được tính nghiêm túc từ khâu đề thi, khâu kiểm soát chất lượng, phương thức thi cụ thể và ba-rem chấm điểm chặt. Cần có những giải pháp kỹ thuật để phản ánh đúng chất lượng của kỳ thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh Trần Vương

Theo cô giáo Vũ Thị Khuyên (Trường THPT Quảng Xương 3, Thanh Hóa): “Với mục đích giáo dục toàn diện thì việc chuyển đổi sang mô hình đánh giá năng lực và thi trắc nghiệm sẽ giúp cho thí sinh tránh được tình trạng học vẹt, kiến thức tổng hợp sẽ rộng hơn giúp ích nhiều hơn cho công việc sau này. Tuy nhiên nếu thực hiện ngay điều này vào kỳ thi năm 2017 thì học sinh khó có thể trở tay ngay được. Tôi cho rằng nên có độ lùi về thời gian sau 2-3 năm để học sinh có thể làm làm quen với phương pháp học, phương pháp thi sao cho hiệu quả và đạt được chất lượng cao nhất.”

Khá nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức thi ngay vào năm 2017 là khá gấp gáp và khiến cho nhiều học sinh không kịp thích ứng ngay được. Một phương thức thi mới hoàn toàn so với những hình thức thi trước đây, học sinh chưa có thời gian làm quen nhiều. Mặt khác nay lại phải bổ sung kiến thức của nhiều môn không phải khối khiến áp lực học tập tăng lên, điều này khiến cho khá nhiều học sinh lo âu.

Ông Trần Thanh Bằng (Quảng Xương, Thanh Hóa) lo lắng: “Việc thay đổi cách thi như vậy là quá bất ngờ và bị động đối với học sinh, học sinh chưa được làm quen với phương thức thi và phương pháp học đối với các môn thi từ tự luận chuyển ngay sang trắc nghiệm. Đặc biệt với môn Toán, việc thi trắc nghiệm sẽ có thể làm giảm đi khả năng phân tích, tính toán sâu của học sinh. Bộ nên có những quyết định cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và không lấy học sinh ra làm chuột bạch.”

Theo dự thảo tóm tắt đề án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2017, Bộ GD & ĐT lên phương án giao kỳ thi chung về cho các Sở GD&ĐT chủ trì. Cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như năm 2016. Tất cả chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Dự kiến đề thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian 60 phút. Ngoại trừ môn Văn thi tự luận, các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút.- Trần Vương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/lai-doi-moi-ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-hoc-sinh-co-kip-tro-tay-590602.bld