Lãi cao từ cây chanh không hạt

Gần đây, giá chanh không hạt liên tiếp tăng, nhà vườn lãi lớn. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng loại chanh này và tìm đầu ra ổn định là câu hỏi mà chuyên mục được nhiều bà con thắc mắc nhất.

Ảnh minh họa

Cây có thể làm giàu

Mười năm trước, bà Bùi Thị Ba, 56 tuổi, quê Bến Lức, Long An có 2 ha đất phèn trồng nhiều loại cây trồng nhưng không hiệu quả. Tình cờ, trong một lần thăm vườn ở Bình Dương, bà Ba chú ý đến cây chanh không hạt, thời điểm đó có giá cao gấp 10 lần chanh bình thường. Về quê nhà, bà quyết tâm trồng loại canh này. Thời điểm này ở Long An và miền Tây gần như chưa có loại cây này. Đến năm 2008, không chấp nhận qua trung gian, bà Ba tự đứng ra xuất khẩu chanh của gia đình, sau đó kiêm luôn đầu nậu mua chanh cho các hộ dân trong vùng. Bà còn mạnh dạn bỏ ra 800 triệu đồng thuê người chế tạo máy làm sạch và phân loại chanh. Từ 2ha đất ban đầu, chỉ trong vòng mười năm, bà Ba mua thêm 10ha đất và thuê tiếp 20ha của nông dân trong vùng để mở rộng canh tác. Vậy mà sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP HCM. Hiện nay, mỗi ngày nông trại này còn xuất khoảng 40 tấn chanh đi Singapore, Thái Lan và các nước Trung Đông, thu lãi gần 3 tỉ đồng/năm. Ngoài cơ sở chính ở Long An, bà Ba còn có một cơ sở thu mua khác ở TP Cần Thơ để gom hàng từ các tỉnh miền Tây.

Chị Nguyễn Thị Nga ở Bến Lức thuê 0,5ha đất trồng chanh không hạt. 6 năm sau, chị Nga đã tích lũy được 1ha đất trị giá hàng tỉ đồng.

Tại Hậu Giang, Bến Tre, cây chanh không hạt đã đem đến cho nhiều nhà vườn từ tay trắng thành tỉ phú. Điển hình như anh Nguyễn Văn Thật, xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang. Từ 11 cây chanh không hạt do một doanh nghiệp mua từ Mỹ về trưng bày tại Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ đem về trồng thử, bây giờ anh là tỉ phú chanh không hạt tại địa phương. Trồng chanh, ươm mầm và xuất khẩu thuận lợi, anh thành lập HTX thu mua chế biến xuất khẩu tại địa phương. Đến nay, mỗi ngày hợp tác xã thu mua được hơn một tấn chanh với giá 30.000 đồng/kg để cung cấp cho siêu thị, chợ đầu mối trên cả nước. Ngoài ra, mỗi tháng còn bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Âu. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống kho lạnh, lò sấy để bảo quản, dự trữ chanh.

Kỹ thuật không đơn giản

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, đến nay, địa phương đã tăng diện tích chanh không hạt lên gần 500 ha và đang là cây trồng cải thiện đáng kể đời sống người dân. Tuy nhiên, theo bà Khanh, kỹ thuật trồng chanh không hạt có khác hơn trồng chanh bình thường nên bà con cần chú ý đến hướng dẫn của các trung tâm giống nông nghiệp của địa phương.

Đối với người trực tiếp sản xuất như anh Thật lại cho rằng, chanh không hạt dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Trung bình một cây sẽ cho khoảng 40 kg, năng suất trung bình khoảng 30 - 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng mỗi kg. Trừ chi phí, nông dân còn lãi trên 400 triệu đồng/ha. Hiện tại, hợp tác xã có 84 hội viên tham gia trồng chanh không hạt trên diện tích 97 ha, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP vào năm 2012. “Để đạt 2 tiêu chuẩn trên thì các hội viên phải tham dự lớp tập huấn kỹ thuật bài bản, sử dụng phân, thuốc theo đúng quy trình chứ không được làm theo ý thích của mình. Hợp tác xã sẽ cung cấp cây giống chất lượng để trồng rồi bao tiêu mua sản phẩm lại bằng với giá thị trường để hội viên không bị thiệt và yên tâm sản xuất”, anh Thật nói.

Nói về quy trình làm giống sạch bệnh, anh Thật chia sẻ: “Làm cây giống phải đam mê và nắm vững kỹ thuật nếu không cây con sẽ dễ nhiễm bệnh dẫn đến ảnh hưởng chất lượng và uy tín của đơn vị mình”. Trước đây, hợp tác xã đã đầu tư 5 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích 240m2, trị giá hàng trăm triệu đồng để ươm cây đầu dòng, sau đó mới đem ra ngoài vườn nhân giống.

Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt rất lớn, hợp tác xã không đủ hàng cung cấp cho doanh nghiệp nên đã đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang cho thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn khoảng trên 200ha. Trong đó, hợp tác xã sẽ hỗ trợ cây giống, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, trong năm nay hợp tác xã sẽ đặt hàng Viện Cây ăn quả miền Nam 400 cây chanh không hạt đầu dòng để tiếp tục nhân rộng giống chất lượng cung cấp cho người dân.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành Ngô Minh Long cho biết, trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp người trồng thay đổi tập quán chăm sóc theo hướng khoa học, ổn định đầu ra và giá cả. Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX về kỹ thuật chăm sóc, cách chọn cây giống, bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập người dân và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hoàng Huy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/lai-cao-tu-cay-chanh-khong-hat-609772.bld