Lạc quan với tương lai ngành chứng khoán

Hôm nay (28/11), ngành chứng khoán kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Tại thời khắc đáng nhớ này, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chia sẻ góc nhìn về một thị trường bậc cao của nền kinh tế thị trường, cũng như những trải nghiệm trên cương vị “người thuyền trưởng” đương nhiệm của ngành chứng khoán.

Ông Vũ Bằng

Nhìn về sự lớn mạnh của Là người thuộc thế hệ tham gia xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK) ngay từ đầu, theo ông, đâu là những thời điểm khó khăn nhất mà thị trường phải đối mặt kể từ khi khai trương hoạt động đến nay?

Trước hết, đó là khi mới mở cửa thị trường vào năm 2000, việc tìm kiếm doanh nghiệp để đưa lên sàn rất khó khăn. Chúng tôi phải đi xuống các địa phương vận động chính quyền các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp lên sàn, nhưng kết quả không như mong đợi.

Làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khi đó, tôi còn nhớ câu nói của lãnh đạo thành phố là doanh nghiệp sống trong bao cấp quen rồi, giống như gà công nghiệp, họ sống dưới ánh điện quen rồi, ngày cũng như đêm, nên nay thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, họ không chịu. Vì khan hiếm hàng hóa như vậy, nên thay vì khớp lệnh 1 lần/ngày như dự kiến ban đầu đã rút xuống 3 lần/tuần.

Tính đến nay, có 693 lượt công ty lên niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX), 373 công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Tính riêng 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Thời điểm khó khăn thứ hai là vào năm 2007, khi thị trường tăng nóng hơn 1.000 điểm, nhưng chưa có van xả nhiệt. Lúc đó, nhiều chuyên gia quốc tế chỉ ra 7 - 8 dấu hiệu trong số 10 dấu hiệu khủng hoảng tài chính ở Việt Nam và một số chuyên gia trong nước khuyến nghị nên áp dụng giải pháp mạnh như Thái Lan vào năm 1997 - 1998 là vốn đầu tư nước ngoài vào 1 năm sau mới được rút ra, nếu rút ra dưới 1 năm thì chỉ được phép rút 2/3 số tiền và đánh thuế vào việc hồi vốn này.

Thực tế, sau khi Thái Lan công bố hai giải pháp đó thì TTCK biến động mạnh, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt nên đã phải hủy bỏ giải pháp. UBCK cho rằng, nhận định của các chuyên gia nói vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi rút vốn ra ở Việt Nam là chưa chính xác vào thời điểm đó.

Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM khai trương hoạt động và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7

Bởi lẽ, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam là của tổ chức, nên mục tiêu của họ tương đối lâu dài và dự trữ ngoại tệ của ta khi đó khá cao. Cuối cùng, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, UBCK và không có những động thái gây phức tạp như Thái Lan, nên đã giúp TTCK vượt qua khó khăn.

Một biến cố lớn nữa là vào tháng 8/2012, TTCK đối mặt với thử thách rất cam go do chịu những tác động tiêu cực từ thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật của một số thành viên một ngân hàng. TTCK đã mất 5,6 tỷ USD giá trị vốn hóa khi chỉ số VN-Index giảm 11,8% và HNX-Index giảm 15,4% trong vòng 6 ngày.

Trong thời khắc khó khăn, nhạy cảm đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã họp khẩn cấp với lãnh đạo UBCK và các sở giao dịch chứng khoán, đưa ra những giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, qua đó có quyết định chính xác giúp ổn định tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư, giữ cho thị trường vận hành an toàn, liên tục.

Từ kinh nghiệm chèo lái thị trường vượt qua những biến cố như vậy, bài học ông rút ra đối với công tác chỉ đạo, điều hành là gì?

Trong điều hành không thể cứng nhắc, duy ý chí và bảo thủ. Để chỉ đạo, điều hành thị trường hiệu quả, ngoài thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như sự góp ý, phối hợp của các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo UBCK luôn lắng nghe ý kiến từ các đơn vị chuyên môn, các thành viên thị trường, kể cả thông tin báo chí với thái độ cầu thị, cởi mở, để tiếp thu những góp ý hay, sáng tạo giúp thị trường phát triển tốt.

Nguyên tắc nhưng phải mềm mại và linh hoạt thì mới đạt được các mục tiêu trong điều hành, chứ tự đề cao mình là nguy hiểm. Ở UBCK, chúng tôi bồi đắp được văn hóa dân chủ, đoàn kết, mọi người sống tình cảm, quan tâm đến nhau.

Theo ông, đâu là giá trị lớn nhất mà ngành chứng khoán đóng góp cho nền kinh tế sau 20 năm phát triển?

Dẫu còn không ít hạn chế, nhưng giá trị lớn nhất mà ngành chứng khoán đóng góp cho nền kinh tế là đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng, đặc biệt là huy động vốn qua kênh trái phiếu Chính phủ. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK đến nay đạt trên 2 triệu tỷ đồng.

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Lê Văn Châu, GS.TS. Trần Ngọc Thơ được trích từ Đặc san “20 năm ngành chứng khoán - Vị thế mới, sứ mệnh mới”, xuất bản ngày 28/11/2016, do Báo Đầu tư Chứng khoán, một ấn phẩm của Cơ quan Báo Đầu tư thực hiện.

TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước và huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài - giá trị danh mục chứng khoán của khối ngoại hiện đạt gần 17 tỷ USD. Hiện giá trị dư nợ thị trường trái phiếu chiếm khoảng 24% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 41% GDP. Điều này cho thấy sự tăng trưởng nhanh về quy mô của TTCK và ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Một giá trị nổi bật khác là TTCK khởi tạo văn hóa minh bạch trong nền kinh tế. Có TTCK, quy chuẩn về công bố thông tin, trách nhiệm giải trình dần được xác lập và thực thi. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính luôn lấy hình mẫu minh bạch trên TTCK để thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước cải thiện tính minh bạch, qua đó văn hóa kinh doanh minh bạch ngày càng lan tỏa và khẳng định giá trị trong đời sống doanh nghiệp, đời sống nền kinh tế Việt Nam.

Quy mô TTCK tăng trưởng nhanh và ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế

Ông dự cảm gì về giai đoạn phát triển trong thời gian tới của TTCK?

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, TTCK đã phát triển theo lộ trình đề ra, đồng thời trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý có tính linh hoạt để thích ứng với những biến động kinh tế trong và ngoài nước.

Với nền tảng tạo dựng được trong quá trình hoạt động, TTCK đang bước vào ngưỡng cửa của giai đoạn phát triển theo chiều sâu và chuyên nghiệp hơn theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Điều này được thể hiện cụ thể qua các nỗ lực khởi tạo TTCK phái sinh (ban đầu là phái sinh trái phiếu, cổ phiếu, tiến đến là phái sinh vàng, hàng hóa…), phát triển hệ thống quỹ hưu trí…

Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo phát triển mạnh TTCK, nền kinh tế cũng như TTCK ngày một hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, tôi tin rằng TTCK sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, năng động và chuyên nghiệp hơn trong giai đoạn tới, qua đó định hình rõ nét hơn kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế như đúng đặc tính cấu trúc của loại hình thị trường này theo thông lệ quốc tế.

“Tái cấu trúc thị trường vốn để nâng cao chất lượng tăng trưởng”

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Một trong những quan điểm xuyên suốt và trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới là tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; coi khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân là động lực để tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong dài hạn. Đây cũng là nhiệm vụ và mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như toàn ngành quán triệt một cách rõ ràng, coi đó là ưu tiên hàng đầu hiện nay cũng như trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.

Vấn đề tái cấu trúc thị trường tài chính, tập trung vào tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và TTCK, cũng là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm tới.

Khi quy mô thị trường vốn lớn lên, vị thế thị trường được cải thiện, sẽ tạo sức hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế những năm qua và tôi mong dòng vốn đầu tư nước ngoài, chảy qua kênh gián tiếp là TTCK, cũng sẽ sớm có những đóng góp xứng tầm cho sự phát triển năng động và hiệu quả hơn nền kinh tế đất nước.

“Phải phát triển TTCK với nhịp độ nhanh hơn”

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Để tiếp tục phát triển TTCK theo chiều sâu, từng bước khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, chúng ta phải phát triển TTCK với nhịp độ nhanh hơn, đảm bảo ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn thiện; tăng cường tính công khai, minh bạch và hội nhập quốc tế, áp dụng thông lệ quốc tế…

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo ngành chứng khoán tập trung hoàn thành tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển TTCK dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, phù hợp với cơ chế thị trường, điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai là, phát triển TTCK phải đồng bộ, toàn diện, hoạt động hiệu quả, vận hành an toàn, lành mạnh, góp phần huy động vốn cho đầu tư phát triển của đất nước, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lợi nhuận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, phát triển TTCK nhằm đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết nhằm minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước, tạo kênh huy động vốn đầu tư cho Nhà nước, địa phương và các thành phần kinh tế.

Bốn là, quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và phát triển TTCK lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ, hình thành hệ thống đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước.

Năm là, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

“Tự hào Việt Nam xây dựng thành công TTCK”

Ông Lê Văn Châu, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đến nay, những chức năng cốt lõi của TTCK là tạo “chợ” mua bán, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản, tạo kênh huy động vốn và tăng tính minh bạch về cơ bản đã đạt được. Điều quan trọng nhất, TTCK thể hiện được vai trò là một kênh dẫn vốn, bên cạnh hệ thống ngân hàng và sắp tới còn quan trọng hơn nữa khi hệ thống ngân hàng sẽ chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Do đó, muốn tạo nguồn vốn trung và dài hạn thì phải phát triển thị trường vốn. Đây vừa là mục tiêu, vừa là cơ hội để thúc đẩy TTCK phát triển hơn nữa, thể hiện rõ hơn vai trò là hàn thử biểu, là kênh dẫn vốn trực tiếp của nền kinh tế.

Để TTCK Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại như TTCK Mỹ, Singapore, Hồng Kông…, đòi hỏi cả một quá trình phát triển và thực hiện rất nhiều việc, từ chất lượng hàng hóa đến tính minh bạch thông tin trên thị trường. Nếu cùng một lúc đạt hết các tiêu chí đó thì tuyệt vời, nhưng theo tôi, điều này là rất khó. Bởi trong quá trình phát triển luôn có những biến cố, cho nên thị trường cần thời gian để tích lũy, trải nghiệm, sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện.

Đáng mừng là Chính phủ nhiệm kỳ mới đã đặt trọng tâm vào việc phát triển TTCK, với mục tiêu đưa thị trường trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ lực của đất nước. Đây là điều tốt, cho thấy vai trò của TTCK đã được đánh giá cao hơn trong việc phát triển kinh tế đất nước.

Hiện tại, các cơ quan quản lý TTCK đang nỗ lực có những chính sách và hoàn thiện khung pháp lý để thị trường phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu thực hiện tốt, tôi tin rằng, mục tiêu đặt ra cho TTCK sẽ không quá khó để đạt được.

“Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới TTCK Việt Nam”

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam

Trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi nhận thấy họ rất quan tâm tới TTCK Việt Nam, đặc biệt trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực tế dòng vốn nước ngoài rót vào TTCK chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.

Để thu hút vốn ngoại, cần tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai chính sách nới “room” đầu tư cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, cần tăng quy mô thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm. Gia tăng quy mô của thị trường còn giúp giảm áp lực tài trợ vốn lên vai hệ thống ngân hàng, từ đó xử lý nợ xấu.

Liên quan đến tăng quy mô thị trường, chúng tôi mong đợi rằng, khung pháp lý sẽ được sửa đổi, bổ sung để khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia thị trường. Ngoài ra, thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa lên sàn.

Hầu như lĩnh vực kinh doanh nào cũng tràn đầy cơ hội cho vốn đầu tư quốc tế cả trực tiếp và gián tiếp. Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị doanh nghiệp nhằm tiếp cận được dòng vốn và các thông lệ kinh doanh quốc tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư luôn tìm kiếm những doanh nghiệp có tư duy quản trị tiên tiến và sở hữu nguồn nhân lực chất lượng, nhất là nhân lực quản lý cấp trung và cấp cao. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được điều này, chắc chắn TTCK sẽ hoạt động ngày càng minh bạch và phát triển được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

“Thị trường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển”

Bà Josephine Yeo , Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya

Hai yếu tố quan trọng trong việc phát triển TTCK là quy mô thị trường và thanh khoản. Phát triển TTCK sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. TTCK lớn mạnh sẽ giúp giảm chi phí huy động tiền tiết kiệm và giúp hướng dòng vốn đầu tư vào công nghệ hiện đại.

TTCK với nhiều sản phẩm tài chính khác nhau sẽ dễ dàng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi và giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục của mình. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sẽ huy động được vốn với chi phí thấp cho hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, TTCK là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp huy động vốn nên nền kinh tế sẽ được hưởng lợi lớn. Điều này đặc biệt quan trọng ở các nước đang phát triển, nơi mà phần đông doanh nghiệp và cá nhân còn gặp khó khăn trong việc vay nợ ngân hàng vì các nhà băng chỉ cấp tín dụng cho một số doanh nghiệp và nhà đầu tư nhất định.

Ngoài ra, TTCK giúp gia tăng thanh khoản của các sản phẩm tài chính. TTCK gây sức ép các chủ doanh nghiệp phải làm việc hiệu quả hơn để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, là những người đã dùng nguồn tiền nhàn rỗi của mình để đầu tư vào doanh nghiệp...

Đến nay, TTCK Việt Nam đã phần nào hoàn thành được những vai trò trên. Thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh.

“Tái cấu trúc nền kinh tế 2016 - 2020: Bài toán quan hệ ngân hàng - TTCK”

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có đề cập đến tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó hàm ý đến sự phát triển cân bằng giữa TTCK và hệ thống ngân hàng. Song sẽ thật thiếu sót nếu đề án không đặt vấn đề điều tiết giữa hai khu vực này như thế nào.

Kế hoạch tái cấu trúc thị trường tài chính và nâng cấp TTCK sắp tới cần lưu ý những nội dung sau.

Thứ nhất, các quy định điều tiết và phát triển TTCK không thể tách rời các cải cách trong khu vực ngân hàng.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững và thị trường tài chính chỉ có thể phát triển ổn định nếu như các hoạt động của nền kinh tế thực dựa trên các nguồn vốn trung và dài hạn được huy động trên TTCK, thay vì tập trung toàn bộ vào nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng như hiện nay.

Thứ ba, cần phải có những khuôn khổ mang tính bắt buộc và hành chính rất mạnh mẽ để chuyển kênh dẫn vốn từ các ngân hàng thương mại chảy sang TTCK. Chẳng hạn, đối với một số ngân hàng thương mại yếu kém, trước mắt nên có những khống chế đặc biệt về hạn chế huy động tiền gửi và cho vay ở một con số thật thấp, các ngân hàng chỉ hướng đến các dịch vụ cho vay luân chuyển là chính, sau đó sẽ dần dần áp đặt các quy định này chung cho toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ tư, từ những vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ và nhiều nước cho thấy, cách tốt nhất để ngăn chặn những rủi ro hệ thống không hoàn toàn nằm ở vấn đề điều tiết, mà ở những vấn đề liên quan đến cách thức xử lý kiên quyết các ngân hàng yếu kém.

Thứ năm, việc phát triển các công cụ và sản phẩm mới trên TTCK là rất cần thiết. Lộ trình triển khai các công cụ phái sinh trên TTCK Việt Nam cần phải được thực hiện tuần tự và thận trọng với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý thị trường.

Thứ sáu, cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu về điều tiết giữa hai thị trường phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Hữu Hòe thực hiện.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/lac-quan-voi-tuong-lai-nganh-chung-khoan-170771.html