Lạc Long Quân và các thế hệ rồng Việt

Nhiều công tích lẫy lừng của các thế hệ con cháu Lạc Long Quân đã được lưu truyền rõ ràng trong sử sách để minh chứng cho sự linh hiển.

Trong quan niệm của người dân Việt, tổ tiên là Lạc Long Quân. Không những xuất hiện trong các chuyện kể truyền miệng trong dân gian, thần thoại này còn được ghi chép chính thức trong sách Lĩnh Nam chích quái, phần Hồng Bàng thị từ thế kỷ XV.

Lịch sử Lạc Long Quân

Ông tổ của Đại Việt, Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con, “đẹp đẽ dị thường, người nào cũng trí dũng song toàn”. 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non, cùng nhau lập nên nước Văn Lang, lập bao chiến công hiển hách lưu danh muôn đời, minh chứng cho bản lĩnh vĩ đại của hậu duệ vua Rồng xứ Lạc - “hậu duệ của Rồng”.

Không những là con rồng vật tổ của dân tộc ta, trước khi xuống biển, Lạc Long Quân đã cùng những thủ hạ của mình tiêu diệt nhiều thủy quái gây hại cho dân, như Ngư Tinh, Hồ Tinh và thậm chí còn giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi nhà Lương, mang lại bình yên cho con cháu mình.

Thế hệ thứ hai, tức 50 con theo Lạc Long Quân về biển, đã noi gương cha mình, tiếp tục diệt các loài ác thú hại dân và đóng góp nhiều công sức giúp vua đánh giặc giữ nước, được người dân yêu mến và lập đền thờ ghi nhận công trạng ở nhiều nơi. Một điều đặc biệt của con cháu Lạc Long Quân chính là không chỉ gắn bó với anh em của mình vào thời vua Hùng mà còn giáng trần giúp nhân dân Đại Việt trải dài suốt chiều dài lịch sử.

Thời vua Hùng

Tam Lang, tức anh ba của vua Hùng thứ nhất cùng với hai người anh của ngài, những người đã theo Lạc Long Quân xuống biển, hợp sức đánh đuổi giặc Mũi Đỏ xâm lược Văn Lang. Vì công lao của mình, ba ông được vua Hùng phong làm Đông Hải Đại vương, Tây Hải Đại vương và Bắc Nhạc Đại vương.

Một truyền thuyết khác cho rằng, Thiên Quang và Đài Vàng được trời ban cho người em thứ 8 của vua Hùng Duệ Vương là Hùng Khoan Công. Trên đường đánh giặc phương Bắc, họ hợp sức với hai nữ tướng vốn là thủy thần giáng sinh tên gọi Minh Công và Lan Nương, chia hai quân thủy bộ đánh bại quân thù, giữ yên bờ cõi Văn Lang.

Thời vua Hùng Duệ Vương, nhiều anh hùng xuất hiện giúp vua đánh đuổi vua Thục chính là đầu thai của những “hậu duệ Rồng”. Tiêu biểu như Thống chưởng Đô Xuyên sĩ Đại tướng quân Hùng Hựu và Đốc Lĩnh Lang chu chính ngự thủy đạo Đại tướng quân Hùng Chí vốn là hai thủy thần đầu thai. Sau khi đánh tan quân Thục, cả hai đã hóa Hắc Xà và Bạch Xà biến mất.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng.

Nhiều tướng tài dưới trướng của Sơn Tinh Tản Viên thời vua Hùng cũng là hóa thân của thủy thần. Hai ông Trâu Á - Trâu Thành chỉ huy thủy quân phối hợp với bộ quân của Sơn Tinh đánh Thục một trận là toàn thắng. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, hai ông dẫn quân của mình về thủy phủ, vua truy phong làm Vạn cổ phúc thần chưởng giang đầu và được dân thờ phụng đến ngày nay.

Một câu chuyện khác về tướng của Sơn Tinh là về hai anh em Trần Giới -Trần Hà. Hai ông dẫn thủy quân đi ngược sông Thao, hợp sức với Sơn Tinh đánh Thục. Thủy quân Thục tiến theo sông Mã đụng đầu quân của Giới, Hà, bị đánh cho tan tác, phải quay thuyền chạy trốn… Hai năm sau, hai ông lại tiếp tục truy đuổi giặc tận đất Thục mới kéo quân về. Cũng như những người anh em của mình, hai ông quay về thủy phủ sau khi giúp dân Đại Việt.

Các thế hệ sau

Thế hệ hậu duệ sau này xuất hiện trong hàng loạt các thần thoại về các bậc anh hùng thuộc dòng dõi bố Rồng Lạc Long Quân tiếp tục truyền thống hộ quốc như giúp Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt ... đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Dưới thời Đinh Tiên Hoàng có 3 hậu duệ Rồng nổi tiếng là Quan ải đại vương và Đô Công, Chất Công, Đinh Công. Quan ải đại vương theo Đinh Tiên Hoàng vừa bình định loạn 12 sứ quân, lập được nhiều chiến công. Về sau, ông còn giúp vua Đinh bọc hậu khi quân Ngô vây đánh.

Ba anh em Đô Công dù được Ngô Tôn Quyền sai sứ thần chiêu dụ, ba ông vẫn quyết chí không làm tôi cho giặc, phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân. Sau khi đất nước thái bình, ba ông cùng trở về thủy quốc.

Đời Lý - Trần, một truyền thuyết đặc biệt phổ biến là truyện Thánh Linh Lang. Truyện kể, Hạo Nương sinh ra Linh Lang: khôi ngô, tuấn tú, sau lưng có 28 nốt màu hồng, hệt như vảy cá, trước ngực có 7 nốt ruồi đen giống hạt châu. Độ chừng hơn một tháng tuổi, đang nằm trong nôi nghe sứ giả rao truyền cầu người tài ra giúp vua chống giặc Tống, liền bảo mẹ gọi sứ giả vào tỏ ý nguyện đi giết giặc. Sau khi đánh giặc, Linh Lang trở về được bảy tháng thì biến thành con đại giao long, dài trên trăm thước, từ từ bò đi.

Về sau, Linh Lang còn hiện thân thêm hai lần nữa vào triều vua Lý Nhân Tông và vua Lý Thần Tông. Lần nào các ngài cũng giúp vua bảo vệ bờ cõi, lập được nhiều công trạng to lớn, được vua lệnh cho dân lập đền thờ.

Những câu chuyện kể trên đều cho thấy, các hậu duệ của bố Rồng Lạc Việt - Lạc Long Quân luôn nối bước truyền thống giúp dân cứu nước. Không đời nào là không có những bậc anh hùng vĩ đại và khí phách đóng góp công sức mình để xây dựng Đại Việt luôn phát triển và vững bền, xứng danh các thế hệ con Rồng cháu Tiên.

Với niềm cảm hứng bất tận từ sử sách, giai thoại về tổ tiên người Việt gắn liền hình tượng linh thiêng của con rồng Việt Nam, Saigon Special ra mắt diện mạo mới với hình tượng rồng xanh. Sự uy nghiêm nhưng đầy cảm xúc của rồng thể hiện khí chất mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, của một thế hệ con Rồng cháu Tiên trẻ trung, năng động, tự tin và đầy hoài bão chinh phục mọi thử thách để vươn tới thành công.

Mộc Trà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lac-long-quan-va-cac-the-he-rong-viet-post662166.html