Lạ lùng... Tà Ẻn

Tà Ẻn (xã Phiêng Khoải, huyện Yên Châu, Sơn La) là bản đặc biệt khó khăn với hơn 100 hộ đồng bào Sinh Mun sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%. Nhưng nay đến với Tà Ẻn, dù còn nhiều khổ cực nhưng đã thấy những niềm vui bởi nơi đây đang có nhiều cái mới, và đói nghèo đang dần lùi xa...

Chia tay với lạc hậu

Ông Vì Văn Vầu - Bí thư chi bộ bản Tà Ẻn tâm sự rằng: Người Sinh Mun ở nhiều nơi vốn là dân tộc chậm tiến bộ. Nhưng ở Tà Ẻn thì khác. Chúng tôi đã đoàn kết cả bản, xóa đi nhiều đói nghèo, lạc hậu. Tà Ẻn hôm nay không có tình trạng kết hôn cận huyết, tảo hôn hay sinh quá nhiều con. Cả cái bản vùng sâu này không có ai nghiện hút ma túy dù những vùng lân cận quanh bản, chuyện ấy không thiếu. Còn chuyện trộm cắp, các anh cứ để xe bên đường cái này đi công tác mấy ngày cũng không mất được đâu. Người Tà Ẻn miếng cơm còn nghèo nhưng cái lòng rất tốt”.

Chị Vì Thị Mai - dân bản Tà Ẻn có thêm con bê sau khi chăm sóc tốt bò giống được hỗ trợ. Ảnh: K.T

Trong thời gian vừa qua, nhờ tinh thần đoàn kết, chúng tôi đã giải phóng mặt bằng gần 1km đường nội bản mà không phải mất một xu đền bù nào. Hiện tại, chúng tôi đang hô hào nhau góp sức để cứng hóa con đường này bằng nội lực của bản đấy. Tuy hộ nghèo, hộ khó khăn vẫn còn nhưng chúng tôi quyết đuổi nghèo, xóa khó trong 5 năm tới”.

Ông Vi Văn Vầu

Ông Vì Văn Thức - dân bản Tà Ẻn cho hay: Tuy bản nhiều hộ dân, trải rộng trên cả cây số đường đất nhưng chỉ cần nhà ai đó có chuyện buồn, chuyện vui, có khó khăn, mất đoàn kết là cán bộ bản đến ngay chung vui hoặc phân tích, giải thích để giảng hòa. Chính nhờ thế mà dù cách xa trung tâm huyện, ở nơi heo hút này nhưng Tà Ẻn vẫn có nhiều nét văn hóa mà những bản khác chưa có được. Ngay cái chuyện giữ rừng ở bản này, nhà báo cứ hỏi ai cũng sẽ nhận được câu trả lời, chúng tôi giữ rừng cho hôm nay và cho cả ngày mai.

Từng bước tiễn biệt đói nghèo

Cái sự nghèo của người Sinh Mun thì đã nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc và bản Tà Ẻn cũng không là ngoại lệ. Chi hội trưởng nông dân bản – anh Vì Văn Hôm cho hay: Người Tà Ẻn những năm trước hầu hết chẳng mấy ai có hình thể cao, to, về sự học thì chẳng ai học hết lớp 12 cũng là bởi đói nghèo quá. Nhưng bây giờ, lớp trẻ nhìn đã cao hơn người lớn cả cái đầu, nhiều thanh niên trong bản đang theo học các lớp dạy nghề hay cao đẳng, đại học. Có được như thế là nhờ chúng tôi đã bảo ban nhau cách làm ăn, cùng nhau phát triển. Tuy cuộc sống vẫn chưa được như mong muốn nhưng hầu như chẳng còn ai phải đói cơm, đứt bữa như trước. Nhiều mô hình kinh tế đã và đang được bà con trong bản áp dụng và có hiệu quả tốt, sức lan tỏa rộng: Nuôi trâu, bò, dê nhốt chuồng; nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng làm hàng hóa; trồng cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với kinh tế ao – chuồng…

Một trong những giải pháp quyết liệt xóa nghèo mà có tính kết đoàn rất cao ở Tà Ẻn là việc kiên quyết không cho hộ dân nào được mang đất sản xuất gán nợ, cho thuê như ở một số vùng đồng bào Sinh Mun khác.

Ông Vì Văn Vầu cho hay: Bởi đói nghèo đã nhiều năm, nhiều kiếp nên chuyện dân bản phải nợ tiền vay lãi ngoài của tư thương không phải là hiếm và vẫn chưa trả được. Cũng đã có không ít chủ cho vay tính chuyện vào đây ép dân bản gán đất, gán nhà trừ nợ. Nhưng cả bản đã họp nhau và thống nhất rằng đất sản xuất là đất của ông cha ngàn đời để lại. Nó không chỉ giúp ta có miếng ăn mà còn có việc làm, giúp chúng ta biết lao động và sáng tạo trên ruộng, trên nương. Bởi thế, không có một hộ nào được gán đất ở, đất sản xuất cho tư thương. Nếu có nợ nần dân bản đoàn kết để cùng trả nợ”. Thấy quyết tâm của dân bản như thế nên tư thương cũng phải lui.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/la-lung-ta-en-717909.html