Lạ lùng công nghệ bảo quản biến vải thiều Bắc Giang để hai năm vẫn tươi mới

Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho Bắc Giang ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng được nâng cao.

Thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và tỉnh Bắc Giang đã tập trung hỗ trợ công nghệ bảo quản sau thu hoạch vải thiều phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia… Nhiều công nghệ bảo quản hiện đại như Jural của Israel, CAS của Nhật Bản hay công nghệ NANO và màng MAP đã được giới thiệu và ứng dụng tại Bắc Giang. Công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cũng được ứng dụng trong việc trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn.

Cụ thể, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho Bắc Giang ứng dụng công nghệ CAS của Nhật Bản, cho phép bảo quản được quả vải sau hai năm mà vẫn giữ được chất lượng, màu sắc như khi mới hái. Theo đó, Bộ cho phép những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vải sang thị trường Mỹ phối hợp với Sở KH&CN Bắc Giang xây dựng dự án để được hỗ trợ ứng dụng công nghệ này.

Công nghệ CAS có thể bảo quản nông sản, thủy sản, thực phẩm tươi ngon đến 99% trong thời gian dài. Đây là công nghệ đã được áp dụng rất hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hải sản, nông sản, thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Ireland, Anh, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã tiến hành nâng cấp hệ thống chiếu xạ tại Hà Nội, đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu. Bắt đầu từ năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu vải có thể triển khai chiếu xạ tại Hà Nội thay vì phải vào khu vực phía Nam như trước. Việc vải thiều Bắc Giang có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước khác đã mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường nông sản của Bắc Giang nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp chất lượng vải Bắc Giang ngày càng được nâng cao

Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên cho biết, với sự chỉ đạo của tỉnh và phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng trong hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều, người dân đã quan tâm đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp chất lượng vải ngày càng được nâng cao, sản lượng tiêu thụ liên tục tăng.

Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 5 nước gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, Bắc Giang cũng đang xúc tiến hồ sơ để đăng ký bảo hộ sở hữu nhãn hiệu cho vải thiều Lục Ngạn tại Mỹ, Australia, Malaysia, Singapore và một số nước khác. Những quốc gia này cũng đều là các thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Với sự mở rộng thị trường quốc tế qua từng năm, sản phẩm vải thiều ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò, là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân ở Bắc Giang.

Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2016, diện tích trồng vải toàn tỉnh đạt 30.000 ha, sản lượng đạt 142.315 tấn, trong đó tập trung ở các huyện Lục Ngạn (91.508 tấn), Lục Nam (25.000 tấn), Tân Yên (6.500 tấn), Lạng Giang (5.700 tấn), Yên Thế (9.500 tấn) và Sơn Động (4.107 tấn). Giá trị sản xuất từ vải thiều đạt gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Lê Huy

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cong-nghe-bao-quan-giup-vai-thieu-bac-giang-nang-tam-vi-the-d122978.html