Lạ kỳ sức mạnh tiêm kích đa năng tốt nhất CTTG 2

Với khả năng tham chiến không đối không, không đối đất, không đối hạm, chiến đấu cơ P-47 xứng danh được xếp vào là tiêm kích đa năng tốt nhất CTTG 2.

Republic P-47 Thunderbolt là một trong những mẫu chiến đấu cơ chủ lực được Không quân Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và ở một số nước Đồng Minh. Với thiết kế của P-47, nó có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không khác nhau từ không chiến, tấn công mặt đất cho đến chống hạm như tiêm kích đa năng thế kỷ 21.

Sức mạnh của tiêm kích đa năng P-47 đến từ “kho vũ khí” mà nó có thể mang theo. Khi được trang bị đầy đủ trọng lượng của chiếc máy bay này lên tới 8 tấn, trong đó có hơn 1,1 tấn vũ khí gồm bom và rocket các loại. Và với phạm vi chiến đấu lên đến hơn 1.200km, P-47 là sự lựa chọn hoàn hảo cho các đợt không kích chiến thuật hoặc hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất.

Tuy nhiên, điều khiến P-47 trở nên đáng sợ hơn không phải là bom hay rocket mà lại chính hệ thống súng máy 12,7mm mà nó được trang bị, với cụm 4 súng máy M2 12.7mm ở mỗi bên cánh cùng cơ số đạn lên đến 3.400 viên. Nó có thể được xem là vũ khí tuyệt vời nhất P-47 được trang bị dành cho cả nhiệm vụ tấn công mặt đất lẫn không chiến.

Với các tính năng trên, chỉ sau một thời gian ngắn sau khi xuất hiện P-47 đã nhanh chóng trở thành mẫu chiến đấu cơ phổ biến nhất của Không quân Mỹ với hơn 15.600 chiếc sản xuất trong giai đoạn 1941-1945, và nó cũng hoạt động tại hơn 20 quốc gia trong và sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Về động cơ, P-47 sử dụng chung hệ thống động cơ Pratt & Whitney R-2800-59B như trên một số dòng chiến đấu cơ nổi tiếng khác của Mỹ khi đó là Vought F4U Corsair và Grumman F6F Hellcat. R-2800 có công suất 2.600 mã lực cho phép máy bay đạt tới vận tốc tối đa 713km/h ở trần bay 13.100m.

Tại Mặt trận phía Tây, P-47 hoạt động như một máy bay hộ tống cho các phi đội máy bay ném bom của quân Đồng Minh với tầm hoạt động của nó. Trên đường trở về sau mỗi phi vụ P-47 cũng có thể được điều động tham gia tấn công các mục tiêu mặt đất khi khu vực hoạt động chính của nó đều nằm ở Đức.

Chỉ tính riêng từ ngày D-Day cho đến khi Đức đầu hàng Đồng Minh, chiến đấu cơ P-47 đã tiêu diệt hơn 86.000 toa tàu, 9.000 đầu máy xe lửa, 6.000 xe chiến đấu bọc thép và 68.000 xe tải các loại của quân Đức chỉ ở riêng Mặt trận phía Tây.

Trong suốt thời gian hoạt động của mình, P-47 cũng được phát triển thành nhiều biến thể khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Và một trong những lý do nữa tạo nên tên tuổi của P-47 chính là khả năng bảo vệ phi công của nó.

Hình ảnh P-47 khai hỏa dàn súng máy M2 ở hai bên cánh của mình mỗi khẩu M2 có tốc độ bắn lên tới 600 phát/phút.

Do thiên về khả năng tấn công mặt đất phần khung của P-47 được thiết kế khá chắc chắn bảo vệ an toàn cho hệ thống động cơ lẫn phi công. Buồng lái của nó cũng được bọc thép với thiết kế chỗ ngồi khá rộng giúp phi công thoải mái hơn trong các phi vụ hộ tống tầm xa.

Các biến thể nổi tiếng nhất của P-47 là P-47C và P-47D với gần 13.000 chiếc được chế tạo ở cả hai biến thể này nhược điểm của các phiên bản P-47 trước đó đều được khắc phục. Trong ảnh là một chiếc P-47D với ba quả bom An-M64 227kg chuyên cho tấn công mặt đất.

Trong ảnh là một chiếc P-47D khác với cụm ống phòng rocket 110mm M8. Với M8 chiếc P-47 cũng có thể thực hiện các phi vụ chống hạm khi tầm bắn của mẫu rocket này lên tới hơn 4km với nhiều nhất 12 ống phóng.

Tỉ lệ phi công thiệt mạng trên P-47 cũng khá thấp khi xảy ra sự cố lẫn bị bắn hạ, trong nhiều trường hợp P-47 bị mất một phần cánh hoặc phần thân vị bắn nát phi công vẫn có thể điều khiển máy bay hạ cánh.

Dù khá nặng nề đối với một chiếc tiêm kích, nhưng P-47 vẫn có bảng thành tích khá ấn tượng tại Châu Âu khi bắn hạ 3.752 máy bay các loại của đối phương và chỉ để mất 3.499 chiếc trong tất cả các trường hợp.

Ttrong vòng 5 năm mẫu chiến đấu cơ này đã thực hiện 746.000 phi vụ trong đó có 423.435 đợt là tại Châu Âu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến tận cuối những năm 1950, P-47 mới chính thức bị loại biên khỏi Không quân Mỹ.

Dù có tuổi đời hơn 70 năm nhưng P-47 vẫn còn hoạt động ở vài nơi trên thế giới chủ yếu là trong các bộ sưu tập máy bay tư nhân, nó thường xuất hiện trong các buổi biểu diễn tại triển lãm quốc phòng hoặc hội chợ hàng không. Số lượng P-47 còn hoạt động hiện tại không quá 50 chiếc.

Trà Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/la-ky-suc-manh-tiem-kich-da-nang-tot-nhat-cttg-2-756710.html