'Lá Khat' có thể tước đoạt sinh mạng của người sử dụng

Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì trong 'lá Khat' có thành phần chất Cathione. Ðây là chất ma túy nằm trong danh mục mục I, Nghị định 82/2013/NÐ-CP của Chính phủ, là chất tuyệt đối cấm, kể cả sử dụng trong y tế và nghiên cứu khoa học. Vì vậy 'lá Khat' là chất ma túy rất nguy hiểm cần phải ngăn chặn.

Cục Cảnh sát ÐTTP về ma túy (Bộ Công an) vừa phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan TP.HCM triệt phá đường dây vận chuyển hơn 5,2 tấn “lá Khat” vào Việt Nam. “Lá Khat” được trồng nhiều ở khu vực Rừng châu Phi, tập trung chủ yếu ở Ethiopia, Kenya.

Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì trong “lá Khat” có thành phần chất Cathione. Ðây là chất ma túy nằm trong danh mục mục I, Nghị định 82/2013/NÐ-CP của Chính phủ, là chất tuyệt đối cấm, kể cả sử dụng trong y tế và nghiên cứu khoa học. Vì vậy “lá Khat” là chất ma túy rất nguy hiểm cần phải ngăn chặn.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Bộ Công an), cho biết: Vừa rồi qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi phát hiện nghi vấn một số đối tượng lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất hàng hóa gửi rất nhiều thảo mộc khô với danh nghĩa là chè vào Việt Nam rồi đưa đi Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc và một số nước khác để tiêu thụ. Từ những bất thường trong những kiện hàng hóa đó, bằng các biện pháp kiểm tra nghiệp vụ chúng tôi phát hiện đây không phải chè hay thảo mộc thông thường, mà là “lá Khat”- một loại cây chứa chất ma túy.

Hình dáng của "lá Khat".

Hình dáng của "lá Khat".

+ Thưa thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, ông có thể cho biết rõ hơn ma túy “lá Khat” nguy hiểm như thế nào?

+Cây “lá Khat” thuộc nhóm cần sa tổng hợp, bản thân “lá Khat” đã là cây chứa chất ma túy Cathione, khả năng gây nghiện rất cao. Khi bị lệ thuộc vào nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tước đoạt đi mạng sống của người sử dụng. Tác hại của ma túy này nguy hiểm ở chỗ nó ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, tạo cho người sử dụng cảm giác ban đầu rất phấn khích, hưng phấn, không có mệt mỏi, không có sự đói, thậm chí là hưng phấn đến cực đỉnh. Nhưng trên thực tế khi sử dụng vào thì rất nguy hiểm, người phụ thuộc vào nó sẽ không kiểm soát được hành vi, có thể làm bất kỳ điều gì mà khi không dùng thì không thể làm được.

Chẳng hạn bơi lội trên vũng nước, hoang tưởng có người nào đó theo đuổi mình, hay leo trèo lên tòa tháp cao hàng chục mét để nhảy múa trên đó. Thậm chí người sử dụng có thể gây ra trọng án về hình sự như giết người. Về mặt hành vi không kiểm soát được, còn về mặt sức khỏe khi lạm dụng ma túy “lá Khat” thì gây nên một loạt hiệu ứng phụ như: rụng răng, gây nên hiện tượng điên loạn và là một trong những tác nhân gây ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng, ung thư răng (vì dùng “lá Khat” thường nhai, hoặc pha nước uống).

Bởi vậy “lá Khat” có thể tước đi sinh mạng sống của con người lúc nào không biết. Tuy nhiên, giới trẻ thường tuyên truyền cho nhau sử dụng cần sa tổng hợp không gây nghiện, sử dụng rất thích, đây là điều vô cùng nguy hiểm.

+ Mặc dù chất Cathionie nằm trong danh mục tuyệt đối cấm sử dụng của Chính phủ, tuy nhiên việc xử lý các vi phạm liên quan đến “lá Khat” đang gặp vướng mắc. Ông có thể cho biết lý do vì sao?

+ Đúng như vậy. Vướng mắc ở đây là do chế tài xử lý về mặt pháp luật. Trong các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Luật hình sự năm 1999, cũng như Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua có một Chương tội phạm về ma túy.

Điều 247 của Bộ Luật hình sự 2015 có quy định: Xử lý hình sự đối với người có hành vi trồng cây coca, cây thuốc phiện, cây cần sa và cây có chứa chất ma túy khác. Tuy nhiên, khi cá thể hóa và định khung hình phạt ở các Điều luật tiếp theo, ví dụ Điều về tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất ma túy chỉ quy định: Mua bán, vận chuyển, tàng trữ cây coca, cây cần sa, cây thuốc phiện mà không nhắc tới “các cây khác có chứa chất ma túy”.

Nếu chiếu theo quy định của pháp luật thì cây “lá Khat” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật hình sự. Đây là cái khó cho lực lượng chức năng khi xử lý hình sự những vụ việc như thế này. Vì vậy, khi ngăn chặn được thì chúng tôi chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác ví dụ như tiêu hủy, xử phạt hành chính những đơn vị nhập, xuất khẩu “lá Khat”.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát ÐTTP về ma túy (Bộ Công an).

+ Như vậy các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để mua bán, vận chuyển “lá Khat”. Để “bịt” những lỗ hổng đó, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã có đề xuất gì?

+ Chính vì có những lỗ hổng về quy định của pháp luật như vậy nên Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đề nghị các cơ quan làm luật bổ sung, chỉnh sửa quy định chặt chẽ hơn.

Trong Luật đã quy định “người nào trồng cây cần sa, cây coca, cây thuốc phiện và những cây khác chứa chất ma túy thì xử lý hình sự”, do vậy trong những điều luật cụ thể ngoài cây cần sa, cây coca, cây thuốc phiện phải đưa bổ sung “các cây khác có chứa chất ma túy”. Bởi vậy bây giờ chúng ta phát hiện cây “lá Khat” có chứa thành phần chất độc Cathoine, biết đâu trong thời gian tới trong đấu tranh phát hiện ra cây khác có chứa chất ma túy nằm trong các Nghị định của Chính phủ thì chúng ta có thể xử lý được ngay mà không vướng như hiện nay.

Đối với “lá Khat”, trước mắt Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã có văn bản đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xây dựng hướng dẫn xử lý chất ma túy trong cây “lá Khat”. Chúng tôi đề nghị cần phải xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm liên quan đến “lá Khat”.

+ Với vai trò là cơ quan thường trực trong phòng, chống tội phạm ma túy, Cục Cảnh sát ĐTTP sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn các loại ma túy thẩm lậu vào Việt Nam?

+ Điều đáng mừng là hiện nay chưa phát hiện việc đưa cây “lá Khat” ra thị trường Việt Nam nên việc sử dụng chưa có ở Việt Nam. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi chủ quan, sau khi giám định thấy tác hại của ma túy “lá Khat”, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát có biện pháp phòng ngừa.

Chúng tôi có điện yêu cầu lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy của 63 tỉnh, thành cùng với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, đặc biệt là Hải quan và kiểm soát cửa khẩu để ngăn chặn bằng được việc vận chuyển cây “lá Khat” vào Việt Nam và đưa đi nước ngoài.

Song song với đó chúng tôi cũng trao đổi với lực lượng phòng chống ma túy của các nước, thông qua kênh các sĩ quan liên lạc thường trực tại Việt Nam yêu cầu có sự phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng nhập “lá Khat” vào Việt Nam và chuyển đi nước ngoài. Tuy nhiên, không có giải pháp nào hiệu quả hơn là các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được tác hại của ma túy “lá Khat” để tránh xa.

Cần phải làm cho các các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nắm được kiến thức về các loại ma túy, nhất là khi ma túy tổng hợp ngày càng biến tướng và len lỏi đời sống hiện nay. Phải làm sao để các em hiểu rằng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp là một mối hiểm họa vô cùng lớn của xã hội.

+ Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn. Hình dáng của "lá Khat"

Theo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, từ cuối 2015 đến nay, cơ quan này đã phối hợp Cục Hải quan Hà Nội và TP.HCM phát hiện hàng chục vụ vận chuyển trái phép, thu giữ hơn 5,2 tấn “lá khat”. Ở sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan chức năng phát hiện gần 200 bưu kiện “lá khat” (hơn 2,5 tấn) nhập và chuyển ra nước ngoài. Còn tại TP.HCM, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm kiện hàng với khối lượng trên 2,7 tấn dưới tên gọi là “chè đen”, “chè xanh”…

Đại tá Mai Sơn Cương, Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, cho biết sau khi nhập “lá khat”, các đối tượng ở Việt Nam “thay tên, đổi họ” mang tên các loại thảo mộc, gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ra nước thứ ba để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng nước chuyển đến.

Chẳng hạn, Công ty TNHH XNK C.G (trụ sở tại TP.HCM) làm thủ tục xuất khẩu 34 kg “lá khat” đi Mỹ nhưng khai báo “lá henna” đã sấy khô dùng để chế tạo “mực xăm henna”. Công ty TNHH Dịch vụ thương mại H.N (tại Hà Nội) gửi 108 kg “lá khat” dán nhãn là Moringa leave pure, natural dried leave (tên tiếng Việt là Chùm ngây khô, tinh chất tự nhiên) gửi đi Mỹ, Úc.

Đây là những kiện hàng do công ty nhập khẩu về sau đó đóng gói, gắn nhãn mác của công ty rồi vận chuyển đi các nước tiêu thụ. Có lô hàng còn được phân bổ vào luồng xanh (miễn kiểm tra hải quan) khi xuất khẩu.

Huy Hà

Nguồn: Cảnh sát toàn cầu

Xem thêm video:

[mecloud]KsYTv6w3SZ[/mecloud]

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/la-khat-co-the-tuoc-doat-sinh-mang-cua-nguoi-su-dung-a162239.html