'Lá bùa' nạo vét luồng lạch

Tàu thuyền không mắc cạn, song nhiều doanh nghiệp vẫn xin Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Bộ GTVT lập dự án để nạo vét luồng lạch. Lợi nhuận khủng từ khai thác cát đã trở thành miếng mồi béo bở cho doanh nghiệp và trở thành “áp lực” đối với cơ quan quản lý.

Có được giấy phép khai thác, doanh nghiệp chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”. Ảnh: Đ.H.

Tàu không mắc cạn vẫn nạo vét?

Cục ĐTNĐ công bố các loại thủ tục lập dự án nạo vét luồng lạch, khảo sát đo đạc có vẻ rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tham gia nạo vét phải có đủ số lượng tàu thuyền đảm bảo tiêu chuẩn về đăng ký, đăng kiểm, cũng như công suất hoạt động. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, có những khúc sông như khu vực sông Hồng (TP Hà Nội) từ nhiều năm trở lại đây không còn cảnh tàu thuyền mắc cạn, song Cục ĐTNĐ vẫn cấp phép nạo vét.

Anh Nguyễn Văn Lưu (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), làm nghề chài lưới trên sông Hồng cho biết, nhiều năm trở lại đây, đánh bắt cá dọc sông Hồng từ Phúc Thọ về tới Phú Xuyên, Hà Nội chưa hề gặp chiếc tàu, thuyền nào mắc cạn. “Điều đáng nói, có khu vực như Phúc Thọ hoặc Ba Vì, TP Hà Nội dù ruộng vườn của nhiều hộ gia đình bị sạt lở song, cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho các doanh nghiệp nạo vét luồng lạch” - anh Lưu nói.

Chia sẻ với phóng viên, anh T. chủ doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi ở Vĩnh Phúc đã “giải nghệ” trong hoạt động khai thác cát trên sông Hồng nói: Hiện có nhiều doanh nghiệp xin cấp phép nạo vét luồng lạch, nhưng bản chất là hút cát bán lấy tiền. Còn Anh D., chủ một doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi ở Đông Anh, Hà Nội cho biết: Đối với các doanh nghiệp nạo vét luồng lạch chỉ cần lập dự án sau đó “chạy” được giấy phép là đã thu được tiền.

Anh D. cho rằng, chính vì lợi nhuận khủng nên cả doanh nghiệp và đơn vị cấp phép đều cố gắng tìm cách lách luật. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ, đến tháng 12/2016 có 66 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo anh D., các doanh nghiệp có giấy phép trong tay sẽ chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng” từ việc thu tiền đối với các tàu thuyền có nhu cầu hút cát. Cụ thể, các tàu hút cát sẽ phải trả từ 8.000 đến 50.000 đồng/khối tùy từng loại cát cho doanh nghiệp có giấy phép. Đối với tàu cuốc sẽ phải trả tiền cao hơn tàu hút, bởi cát được tẩy rửa, sàng lọc kỹ hơn tàu hút. Các tàu hút cát thường có tải trọng từ 100 đến 400 mét khối, ngày hoạt động tối đa đạt khoảng 5 chuyến.

Anh D. cho rằng, chính vì lợi nhuận khủng nên cả doanh nghiệp và đơn vị cấp phép đều cố gắng tìm cách lách luật. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ, đến tháng 12/2016 có 66 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, 40 dự án đã hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai thi công; hơn 20 dự án bị chấm dứt, thu hồi do đơn vị không chứng tỏ được năng lực.

Cung cấp thông tin cho báo chí để giám sát

Theo ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ cho biết: Trong tháng 12/2016, Cục đã tổ chức kiểm tra các dự án được thanh tra và yêu cầu khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án, xử lý các vi phạm của các đơn vị liên quan. Hiện Cục đã thành lập một tổ chuyên trách để quản lý các dự án xã hội hóa, xây dựng kế hoạch kiểm tra năm 2017 và kiểm tra định kỳ theo quy định đối với 15 dự án đang triển khai thi công.

Cũng theo ông Thọ, Cục sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thi công thực hiện dự án của nhà đầu tư để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án, đặc biệt là thi công không đúng phạm vi, chuẩn tắc theo quy định, sử dụng phương tiện thi công không đúng số lượng, chủng loại đã đăng ký.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Cục ĐTNĐ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan chức năng TP Hà Nội, nơi dự án đi qua trong kiểm tra, giám sát cộng đồng thực hiện thi công dự án của nhà đầu tư; kịp thời cung cấp thông tin cho các phương tiện truyền thông để cùng quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép trong vùng nước tuyến luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa…

Đức Hoàng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/la-bua-nao-vet-luong-lach-1132285.tpo