Kỳ4: Phương cách chế "bùa yêu" của người phương Tây

(PL&XH) - Các gia nhân và ngay cả vị bá tước bị vợ cắm sừng cũng phải thừa nhận rằng bà bá tước vốn không phải là loại người đa tình. Chính bá tước nhiều lần bực bội vì vợ mình ít thích chuyên ái ân.

Những câu chuyện huyền bí về bùa ngải Nhiều người nghĩ rằng những bí ẩn về bùa ngải (bùa yêu, bùa mê, bùa lú) chỉ là văn hóa của những quốc gia phương Đông, nhưng không hẳn vậy. Ở phương Tây đã có nhiều người áp dụng các phương pháp liên quan đến bùa ngải và sự thành công của họ khiến cho khoa học lại tiếp tục đau đầu… Câu chuyện chàng bán vải khiến nữ bá tước mê mệt Năm 1919, tại Luân Đôn, dân chúng Anh truyền nhau câu chuyện có một không hai về một chàng trai buôn vải từ Tích Lan (Srilanka) sang Luân Đôn đã khiến cho phu nhân của một vị bá tước thất điên bát đảo. Điều kỳ lạ là chàng trai buôn vải này có hình thức chẳng khác Chung Vô Diệm là mấy, anh ta bị bệnh đậu mùa nên mặt và tay đều có vết rỗ loang lổ, ngoài gương mặt xấu và nghề nghiệp buôn bán vải vóc ra, anh chàng này chẳng có gì đặc biệt. Ấy thế mà anh đã trở thành tình địch của vị bá tước kia. Nhiều người rất băn khoăn không biết nguyên nhân nào đã khiến bà bá tước mê mệt chàng trai này đến vậy? Các gia nhân và ngay cả vị bá tước bị vợ cắm sừng cũng phải thừa nhận rằng bà bá tước vốn không phải là loại người đa tình. Chính bá tước nhiều lần bực bội vì vợ mình ít thích chuyên ái ân. Thế thì nguyên nhân về chuyện "tình cảm" không phải là điều khiến bà bá tước say mê anh chàng bán vải? Giả thuyết cuối cùng được đưa ra về vấn đề này cho đến nay vẫn chưa ổn, nhưng cũng được cho là có lý hơn cả… Đó là giả thuyết về “bùa yêu”, một điều huyền hoặc đã được gán cho câu chuyện có thật tại một đất nước tự hào là văn minh, đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Nhà tâm lý học J.Kenold giải thích như sau: Từ lâu các nhà nghiên cứu về các điều huyền bí đã không loại "bùa yêu" ra khỏi lãnh vực này. Sở dĩ câu chuyện hướng về đề tài đó là do anh chàng bán vải đã đến từ Tích Lan, theo các tài liệu xưa thì nơi đây là xứ sở của các loại bùa yêu. Không phải ngay thành phố mà ở những vùng phụ cận hay tại các chợ trời ở trên biên giới giữa hai quốc gia “bùa yêu” được bán như một loại thuốc quý. Cùng đi tìm xuất xứ của bùa yêu Cách đây gần 1.000 năm, các tài liệu cổ đã ghi nhận qua hình vẽ về một loại hoa kỳ lạ có thể làm cho người ta ngủ hay mê man. Về sau các nhà thám hiểm tây phương đã lưu ý nhiều về loại cây này. Vùng đảo Ceylon ở Ấn Độ Dương là nơi xuất phát của nó. Cây hoa đặc biệt với mùi thơm diệu kỳ đến độ vừa ngửi đã cảm thấy tâm thần rã rời, trong người lâng lâng. Vào thời ấy Tích Lan còn quá xa lạ và hoang vu nên khó có ai đặt chân đến. Nhiều người nghĩ rằng đây là loại cây thuộc giống thuốc phiện. Nhưng thực sự tác dụng của loại cây này đối với hệ thần kinh khác xa với loại thuốc phiện… Muốn nghiên cứu sâu xa về nó không có cách gì hơn là phải đến tận nơi để xem tận mắt. Về sau, những nhà thám hiểm và nhất là những nhà khảo cứu về sinh vật học đã vượt biển Ấn độ để đến hòn đảo kỳ lạ này. Rồi họ đặt chân lên vùng đất Ceylon, lúc đó là một hoang đảo kỳ bí với các thổ dân trần trụi thường sử dụng những loại vũ khí thô sơ như cung tên và giáo dài gắn đá nhọn. Sau nhiều gian khổ, trèo đèo vượt suối, các nhà thực vật học mới tìm thấy một giống cây đặc biệt mà thổ dân vùng đất đảo này thường bảo vệ rất kỹ và tôn thờ như cây thần. Một nhà sinh vật học người Pháp đã tìm đủ mọi cách len lỏi vào giang sơn của thổ dân vùng đảo Ceylon. Ông này được vị tù trưởng tiếp đón lạnh nhạt. Nhưng sau khi chiếc hộp quẹt tóe lửa bùng sáng từ tay nhà sinh vật học thì vị tù trưởng đã mời vào lều uống một thứ rượu la được, chắt từ 1 số rễ cây, và nhà sinh vật học đã lưu lại vùng đất ấy khá lâu để tìm hiểu tường tận về loại cây này. Cây được gọi theo âm địa phương là Nagamaru. Đặc biệt, hoa có mùi thơm thoảng nhẹ một cách lạ lùng trong không khí nhưng khi ngửi trực tiếp lại có mùi khó chịu. Thổ dân ở đây luôn luôn bảo vệ và giữ bí mật về công dụng của hoa này. Tuy nhiên, qua cách chế biến, tế tự, chăm sóc, nhà sinh vật học phán đoán được mục đích của việc dùng hoa cho từng lĩnh vực. Chỉ vào lúc nửa đêm, khi hoa nở độ ngày (hoa giữ lâu trên cây), người ta sẽ hái hoa về và đem ép để lấy tinh chất của hoa. Phần lớn của hoa Nagamaru được đem phơi khô trên những giàn tre rồi tán nhỏ. Nước ép hoa có mùi vị thật kỳ lạ, đặc biệt khi nếm vào đầu lưỡi sẽ có cảm giác lâng lâng trong người. Theo các tài liệu cổ thì cảm giác tương tự như trên cơ thể được mân mê, sau đó là tâm hồn như ru vào cõi trần đầy tình cảm mến thương kỳ lạ. Nếu nhỏ vài giọt tinh chất này vào chén nước mưa để uống sẽ cảm thấy trong người một niềm mê luyến tha thiết khó tả, và tự nhiên có cảm giác dễ thương yêu, dễ cảm tình với người đối diện, nhất là người khác phái. Ngày xưa tại vùng đảo Ceylon hoang dã, chỉ có vài vị tù trưởng hoặc thầy phù thủy là đứng ra pha chế loại nước "yêu đương" này từ cây Nagamaru. Về sau, các tay buôn chuyên làm ăn trục lợi đã chế loại "bùa mê, bùa yêu" từ chất sắc của cây này để đem bán ở vùng nam và trung Ấn. Các tay lái buôn cũng thường "lận lưng" loại bùa yêu này để đem sang Ai Cập bán. Công dụng thực tế của loại “bùa yêu” Theo một số nhà sinh vật học đã thử nghiệm từ lâu về các chất ở cây này thì loại "bùa yêu" Nagamaru không có khả năng duy trì được sự lâu dài sự yêu thương mê mệt kẻ khác. Nhà sinh lý học F. Franklin cho rằng tác dụng của các chất trong cây Nagamaru thường có khả năng làm giảm sự hoạt động bén nhạy của lý trí. Khi lý trí bị mê mờ thì bản năng thể xác dễ buông thả tự do. Hơn nữa, lý trí còn được xoa dịu và ru ngủ nên dễ dàng đi đến tình trạng ngã theo cảm tính tự nhiên. Chất trong cây Nagamaru dễ dàng tan trong máu và cũng biến mất nhanh có lẽ do một số chất nào đó trong máu làm cho dung hòa. Vì thế người uống loại nước này sẽ dễ dàng "yêu đương" nhưng chỉ vài phút là tỉnh ngộ ngay khi chất thuốc tan. Mặc dù vậy theo các bô lão ở Ceylon thì chỉ chừng ấy thời gian cũng đủ cho người uống phải thuốc ấy không những bị gạt tiền mà còn bị gạt luôn cả tình. Nạn nhân đau khổ nhất là đàn bà con gái và không có trường hợp nào đúng với câu "một phút lỡ lầm" hơn lúc này. Các thổ dân ở đảo Ceylon có kinh nghiệm sử dụng loại “bùa yêu” này đã cho biết: Nhiều thầy phù thủy có kinh nghiệm trong việc pha chế đã chế được loại bùa yêu có khả năng duy trì sự đam mê đắm đuối cho những người mới gặp trong vòng 1 giờ (thời gian nguy hại có thể tàn phá đời người con gái trinh nguyên). Ngoài chất sắc từ cây Nagamaru ra loại thuốc này còn có thêm các chất rút từ các cây cỏ khác nữa. Cho đến nay, chưa có nhà sinh vật học hay sinh lý học nào tìm thấy thêm loại cây cỏ có khả năng tạo sự yêu đương mê mẩn mà chỉ tìm được một số cây gây hưng phấn cho tình dục mà thôi. Theo một số nhà nghiên cứu thì quả thật sự kích dục thường đi theo với sự yêu thương, tăng cường hỗ trợ cho nó, và như thế có thể xem loại cây này như một chất kích dục. Việc pha chế loại thuốc làm “bùa yêu” từ cây Nagamaru ngày càng được nhiều thổ dân đem dùng, cả thân cây và lá đều đem sấy khô làm bùa để đeo, có khi đốt lấy chất than bỏ vào một cái túi nhỏ để đeo ngay trước ngực, nơi tim. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế của những thổ dân thì kết quả do "bùa yêu" này mang lại không công hiệu bằng thuốc nước pha chế từ cây ra. Có một điều mà các thổ dân ở đảo Ceylon tiết lộ, khi người nào đó hết bị bùa yêu tác động thì họ sẽ như qua cơn mê, ngơ ngác, buồn bã, rã rời, họ trở nên khinh ghét và ghê tởm người mà trước đó họ đã say mê. Do đó phải làm thế nào để người ấy tiếp tục uống loại nước sắc này thì mới duy trì được "tình yêu". Những câu chuyện về bùa mê, thuốc lú hiện vẫn còn là một ẩn số, cho dù khoa học phần nào chứng minh được rằng sự tin tưởng vào bùa ngải chỉ là yếu tố tâm linh, nhưng rõ ràng hiện tượng tâm linh này vẫn có đất sống trong xã hội loài người… (Còn nữa) Bằng Tường

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110924111416468p1001c1049/ky4-phuong-cach-che-bua-yeu-cua-nguoi-phuong-tay.htm