Kỳ vọng 'xóa đói, giảm nghèo' từ cây cao su tại vùng Tây Bắc

Ngày 17.10, tại Lai Châu, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ khai thác mủ cao su tại Nông trường Lùng Thàng (xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).

Ông Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc trò chuyện cùng công nhân cao su tại Lai Châu. Ảnh Trần Vương

Khai thác mủ cao su sau 9 năm chờ đợi

Lễ khai thác mủ đánh dấu thời gian 9 năm triển khai dự án phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc (2007-2016). Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và tỉnh Lai Châu mà còn làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào các dân tộc tham gia góp đất trồng để phát triển cây cao su tại Tây Bắc.

Sau 9 năm bắt đầu thực hiện triển khai dự án phát triển cao su, rừng cao su tại miền núi phía Bắc đã có thể bắt đầu thu hoạch. Ảnh Trần Vương

Ông Trần Ngọc Thuận-Tổng Giám đốc Tập đoàn cao su Việt Nam cho hay “Đây là một cột mốc quan trọng khi Tập đoàn CN Cao su VN (VRG) chính thức làm lễ khai thác mủ cao su tại NT Lùng Thàng (Công ty CPCS Lai Châu), đánh dấu chặng thời gian 9 năm VRG triển khai dự án phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự kiện này làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào dân tộc tham gia góp đất trồng cao su và khẳng định cây cao su có thể sinh trưởng, phát triển và cho mủ cao su đảm bảo chất lượng tại vùng Tây Bắc này xóa đi những nghi ngờ, những ý kiến trái chiều về việc trồng cây cao su tại đây.”

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thực hiện nghi thức cạo mủ cho cây cao su. Ảnh Trần Vương

Kỳ vọng những tiềm năng và lợi ích kinh tế từ cây cao su mang lại, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử dòng “vàng trắng” được khơi nguồn từ mảnh đất Lai Châu. Việc phát triển cây cao su trong khu vực nói chung còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là góp phần ổn định đời sống của các hộ dân tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống tới đồng bào miền núi. Đồng bào từ chỗ cơm không đủ ăn, lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang lối sản xuất tập trung, đời sống được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Mặt khác điều này còn giúp đảm bảo an ninh Quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Chăm lo cho đồng bào “xóa đói, giảm nghèo”

Theo lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam, đến nay 9 công ty cao su trực thuộc VRG tại miền núi phía Bắc đã giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, hầu hết là đồng bào dân tộc tại chỗ. Tham gia góp đất và vào làm công nhân cao su đã từng bước giúp đồng bào thay đổi tập quán du canh du cư, chuyển từ phương thức canh tác thô sơ lạc hậu qua tác phong công nhân.

Những cây cao su tại khu vực miền núi phía Bắc đã cho những tấn mủ cao su đầu tiên. Ảnh Trần Vương

Dù đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng các công ty đã nỗ lực đảm bảo thu nhập ổn định cho công nhân lao động với mức bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thu nhập tiền lương, đồng bào còn được các công ty hỗ trợ trồng xen canh trên đất cao su; hỗ trợ tiền vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập. Cùng với đó, các công ty đã thực hiện tốt chế độ chính sách cho công nhân lao động, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trang cấp đầy đủ bảo hộ lao động...

Tại buổi lễ khai thác mủ cao su đầu tiên, ông Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh việc phát triển cây cao su tại một số vùng có điều kiện của Tây Bắc là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Tây Bắc.

Đồng bào dân tộc tại xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu háo hức chờ đợi việc khai thác mủ cao su. Ảnh Trần Vương

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho cây cao su phát triển bền vững trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc nói chung và cho Lai Châu nói riêng, ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị trong thời gian tới các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lai Châu và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm như xem xét, giải quyết một số chính sách ưu đãi, đặc thù đối với Chương trình phát triển cây cao su. Cần thực hiện tập trung nguồn lực, ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu vùng cao su, nhất là hệ thống đường giao thông vùng cao su, điện, nước, y tế... Các công ty thành viên của Tập đoàn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đề ra các biện pháp hợp lý để quản lý vườn cây cao su trong thời kỳ kiến thiết; áp dụng kỹ thuật chăm sóc, chế độ cạo mủ theo hướng giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Mặt khác các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong triển khai Đề án “Chủ trương, chính sách về đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn”. Sớm nghiên cứu, đề xuất “cơ chế khuyến khích phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm”.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ky-vong-xoa-doi-giam-ngheo-tu-cay-cao-su-tai-vung-tay-bac-602137.bld