Kỳ vọng thương mại VN-Nga tăng cao nhờ FTA

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đang trên đà tăng trưởng và được kỳ vọng tăng từ mức 4 tỉ đô la Mỹ hiện nay lên 10 tỉ đô la Mỹ trong vài năm tới nhờ các ưu đãi thuế quan đến từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VCUFTA) có hiệu lực từ ngày mai, ngày 5-10.

Ông Ivan Gumnikov, Đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam (phải, ngoài cùng) đang trao đổi với doanh nghiệp sau cuộc họp báo hôm 4-10 tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 4-10 tại TPHCM, ông Alexey Popov, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM, cho biết trong năm ngoái xuất khẩu của Nga sang Việt Nam tính bằng đô la Mỹ đã tăng 15%, còn từ đầu năm đến nay tăng 1,5 lần. Thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam tiếp tục tăng 1/3 từ đầu năm đến nay và đang tiếp tục tăng.

Với đà tăng như hiện nay và hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong VCUFTA, việc tăng trưởng thương mại song phương 2-3 lần, từ mức 4 tỉ đô la Mỹ hiện nay lên tới 10 tỉ đô la Mỹ, và có thể hơn nữa trong tương lai gần (khoảng 5 năm tới) là hoàn toàn thực tế, vị này cho biết.

Theo thông tin tại cuộc họp báo, khi hiệp định này có hiệu lực, việc xóa bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa. Đối với Liên minh kinh tế Á – Âu, đó là nông sản, sản phẩm thịt (thịt gia cầm, giò), sản phẩm sữa (pho mát, bơ), lúa mì, bột mì, phân bón, thép ống, thép cán, lốp xe, ô tô (xe tải, xe khách).

Đối với Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu là nông sản, cá, gạo, trái cây, rau quả, sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng,….

Ông Ivan Gumnikov, Đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, trích dẫn một tính toán của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, sau khi FTA này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ tăng 50%. Ngoài ra, FTA này cũng xem xét vấn đề đầu tiên là giảm rào cản thuế quan cho hàng dệt may của Việt Nam, nên nhóm hàng này sẽ đến được người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia FTA này khi xuất khẩu sang Nga.

Ông Ivan Gumnikov cho biết thêm, sản phẩm thế mạnh của Nga là xe ô tô (xe tải, xe khách) cũng sẽ có triển vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thị trường xe ô tô Việt Nam tương đối bão hòa, do đó trước mắt xe ô tô từ Nga xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu theo hạn ngạch (thuế suất 0%) mà Việt Nam cấp.

Để được hưởng mức hạn ngạch nhập khẩu ô tô với thuế suất 0%, đòi hỏi việc lập liên doanh giữa doanh nghiệp Nga và Việt Nam đáp ứng nhiều điều kiện. Ông Ivan Gumnikov cho TBKTSG Online biết, hiện tại bên phía Nga thấy chưa có trở ngại nào trong việc lập liên doanh như vậy.

“Hiện các hãng xe của Nga là KAMAZ và UAZ đang đàm phán tích cực để thành lập các liên doanh như vậy. Việc này đang tiến triển khả quan và hiện đã có cơ sở vững chắc cho việc lập liên doanh này. Các hãng xe như KAMAZ và UAZ đã có danh tiếng tốt đối với một số doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại chủ yếu là đạt các thỏa thuận của các liên doanh này”, ông Ivan Gumnikov cho biết.

Ngoài ra, bên cạnh các ưu đãi về hải quan, theo ông Alexey Popov, sau FTA này, quy trình hải quan giữa các nước tham gia hiệp định cũng thuận lợi hơn, thống nhất và đơn giản hóa hơn. Các nước thành viên tham gia hiệp định cũng thống nhất tham gia hệ thống thương mại điện tử.

Hiện Nga và Việt Nam cũng đang xúc tiến việc thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng rúp của Nga và tiền đồng Việt Nam) và việc này vẫn đang được thảo luận ở cấp độ chuyên gia. Việc thanh toán bằng nội tệ được kỳ vọng giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư tốt hơn giữa hai nước.

Việc bắt đầu có hiệu lực của hiệp định cũng hứa hẹn triển vọng hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Trong 8 tháng đầu năm nay có 266.000 du khách Nga tới thăm Việt Nam, tăng 25% so với năm ngoái. Du khách Việt Nam sang Nga cũng tăng đáng kể, đạt 60.000 người và dự kiến vượt hơn 100.000 vào cuối năm nay.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á - Âu, trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại… Số lượng 738 doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.

Dự kiến, đầu tháng 10-2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh Kinh tế Á – Âu khi Hiệp định VCUFTA có hiệu lực” tại TPHCM nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (về cơ chế chính sách, vận tải, thanh toán, thuế quan, rào cản kỹ thuật thương mại, đối thủ cạnh tranh…) mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi tiếp cận thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu.

Hiện có 41 doanh nghiệp từ TPHCM đang sang Nga để tham gia hội chợ “Saigon Expo” từ ngày 6 đến 14-10 tại Moskva (Nga) nhằm giới thiệu hàng hóa và dịch vụ từ TPHCM, chủ yếu trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, lương thực thực phẩm,…., theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VCUFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày mai, 5-10, sau khi được ký vào ngày 29-5-2015. Đây là thỏa thuận quốc tế đầu tiên và cho tới nay là duy nhất về các điều kiện thương mại ưu tiên được Liên minh kinh tế Á-Âu ký kết với bên thứ ba.

Hiện na. trong chương trình nghị sự còn đặt ra một vấn đề rộng lớn hơn, đó là việc thành lập khu thương mại tự do giữa ASEAN và Liên minh kinh tế Á-Âu. Cho đến thời điểm hiện tại Singapore, Campuchia, Thái Lan và Myanmar đã gửi các đề nghị tiến hành đàm phán về vấn đề này. Ngoài ra, trong hội nghị thượng định Nga – ASEAN tại Sochi vào tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Indonesia và Philippines cũng bày tỏ sự quan tâm về việc thành lập khu thương mại tự do này.

(Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP.HCM)

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152225/ky-vong-thuong-mai-vn-nga-tang-cao-nho-fta.html/