Kỳ vọng những đại biểu hiệu năng, chuyên nghiệp

Đối với công dân, bầu cử là quyền chính trị quan trọng của họ chỉ khi nó dân chủ và mở rộng. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đã có cuộc trao đổi với LĐTĐ về không khí dân chủ cũng như kỳ vọng lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn vào cơ quan quyền lực nhân dân trong kỳ bầu cử này.

- PV: Được biết, ông đã tham gia nói chuyện với tư cách là chuyên gia tại nhiều địa phương về công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó phần lớn là ở Hà Nội. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo LĐTĐ điểm mới nhất trong kỳ bầu cử này?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Theo tôi, điểm mới nhất là không khí dân chủ mở rộng, do tinh thần của Hiến pháp thúc đẩy chủ quyền nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy rất mạnh mẽ. Sau đó là quyền con người cũng được Hiến pháp ghi nhận và được triển khai, chính điều đó tạo được không khí dân chủ. Ngay như việc người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND rất nhiều, đã chứng tỏ không khí dân chủ.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền trong kỳ bầu cử này rất tốt. Do hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển, thậm chí có thêm công cụ để vận động bầu cử trên website của Hội đồng bầu cử quốc gia thành lập. Ngoài ra, đại biểu của Trung ương được giới thiệu nhiều nhất từ trước đến nay, với gần 200 đại biểu. Điều đó cho thấy Quốc hội chuyên trách nhiều hơn.

- PV: Ông đánh giá gì về công tác bầu cử của Hà Nội cho đến nay?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Hà Nội đang tiến hành theo tiến độ chung, kế hoạch khá bài bản và cũng là nơi tuyên truyền tốt. Ngay như số lượng đại biểu tự ứng cử cao cho thấy thông tin cũng như sự quan tâm của người dân tới bầu cử rất tốt.

Trong danh sách 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử. Trong 205 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP có 9 người tự ứng cử. Có thể thấy số lượng người tự ứng cử ĐBQH vượt trội so với số lượng người được giới thiệu, tương quan là khá lớn. Rất đáng hoan nghênh vì những người tự ứng cử đã thể hiện quyền làm chủ và giúp cho hoạt đông bầu cử dân chủ hơn. Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn trong công tác bầu cử, bởi luật quy định đạt trên 50% số phiếu mới trúng cử, trong đó có 2 điều kiện, một là đạt số phiếu cao hơn và trên 50% phiếu, đồng nghĩa với việc được cử tri ủy quyền. Như vậy, hiệp thương vòng 3 tiếp tục phải lựa chọn những người xứng đáng nhất để người dân bầu chọn.

-PV: Ông kỳ vọng gì vào nhân sự sẽ được nhân dân lựa chọn sắp tới?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Đất nước hội nhập thì việc tiếp cận thế giới rộng mở hơn. Những người muốn vươn lên làm người đại diện của nhân dân phải có đầu óc tiếp cận được tư tưởng, tri thức mới của thế giới nhiều hơn. Vì vậy, ở nhiệm kỳ sắp tới, các đại biểu đứng trước những thách thức rất lớn. Trước hết, họ phải góp phần vào thúc đẩy nền quản trị quốc gia. Không chỉ có doanh nghiệp, lực lượng lao động cạnh tranh mà nền quản trị quốc gia phải chất lượng, hiệu năng hơn. Hai là, Quốc hội là cơ quan đại diện, rõ ràng là đại biểu, thì anh phải đại diện cho nguyện vọng người dân. Trong thời kỳ hội nhập người dân cần gì, thiếu cái gì, tất cả cái đó đại biểu phải nhận thức được, thúc đẩy để đáp ứng. Hệ thống quản trị quốc gia phản ứng được, phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước nhu cầu của người dân thì lúc đó anh mới đại diện được.

Thứ ba là, anh phải nhanh chóng trở thành đại biểu hiệu năng, chuyên nghiệp, ở chỗ anh phải có các kỹ năng để thẩm định luật, thông qua luật, thì luật mới có chất lượng, phù hợp lợi ích cho người dân, thuận lợi cho người dân, chứ không phải ban hành một đạo luật mà người dân phải chi phí ngày càng tốn kém và làm việc khó hơn. Phải có kỹ năng để làm nhà lập pháp, đồng thời có kỹ năng để làm một người tranh luận được các góc cạnh về chính sách minh bạch, được - mất của chính sách với người dân. Mặt khác, phải có đủ năng lực để giám sát, để Chính phủ, các cơ quan công quyền, bộ, ngành đảm bảo chế độ trách nhiệm của hệ thống này, trước hết là trách nhiệm giải trình, tiếp đó là phụng sự nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Anh Sơn cán bộ hưu trí (phường Thanh Liệt, huyện Thanh Trì – Hà Nội)

Việc có nhiều gương mặt trẻ tham gia ứng cử trong lần bầu cử tới là một điều rất tốt. Bộ máy lãnh đạo rất cần những cán bộ trẻ năng động để bảo đảm được tính kế thừa bền vững. Đại biểu Quốc hội phải có đức, có tài, có đủ khả năng và điều kiện để phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân, của đất nước. Do đó, người tự ứng cử phải xem xét mình có đủ tài năng, đạo đức và điều kiện để đại biểu cho nhân dân hay không?

Điều tôi mong muốn ở các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới là sự hy sinh vì lợi ích chung. Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì thế, các đại biểu Quốc hội phải là người đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân.

Để làm được điều này, tôi hy vọng rằng các đại biểu được nhân dân tin tưởng bầu chọn sẽ trở thành điểm tựa vững chắc để những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân đối với những vấn đề lớn của đất nước được đưa ra thảo luận và giải quyết.

T.Liên (ghi)

Cô Nguyễn Xuân Quỳnh (giáo viên Trường PTTH Phan Huy Chú):

Thời gian này, không khí trong nhà trường chúng tôi vô cùng phấn khởi. Chúng ta đã có Chủ tịch Quốc hội mới. Tôi và các cán bộ trong trường hoàn toàn tin tưởng vào việc giới thiệu và bầu cử này của Quốc hội. Tôi đánh giá quy trình miễn nhiệm và bầu chức danh chủ chốt của Nhà nước hoàn toàn hợp với ý nhân dân.

Việc bầu cử là trách nhiệm và là vinh dự của mỗi cử tri, trong đó có tôi. Tôi tin rằng, dù trúng hay không trúng vào cơ quan Quốc hội và HĐND các cấp, những người được giới thiệu ứng cử cũng sẽ phát huy hết trách nhiệm của mình trên cương vị công tác và tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước vững mạnh.

Tôi kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, công tác giáo dục – đào tạo sẽ được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa.

Nguyễn Hoài (ghi)

Phương Linh (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-vong-nhung-dai-bieu-hieu-nang-chuyen-nghiep-34994.html