Kỳ vọng luồng vốn lớn đến từ Hoa Kỳ

(Baodautu.vn) Mối quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam tiếp tục được khẳng định, nhất là khi các phiên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có những tiến triển.

TIN LIÊN QUAN

Tập đoàn hàng đầu của Mỹ tìm cơ hội ở Việt Nam

Thủ tướng tiếp Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ

Exxon Mobil xúc tiến dự án 20 tỷ USD tại Việt Nam

Đón sóng TPP, doanh nghiệp Hoa Kỳ tấp nập đến Việt Nam

American Investment Solutions có lẽ là một trong những nhà đầu tư Hoa Kỳ mới nhất đầu tư vào Việt Nam, khi vào cuối tuần trước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án Hạ Long Star, vốn đầu tư 550 triệu USD. Công ty này chính là một trong 3 cổ đông góp vốn trong liên doanh Limitless World (Việt Nam), chủ đầu tư của Dự án.

Coca-Cola đã khẳng định vị thế của mình sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam (Ảnh: Đức Thanh)

Theo kế hoạch, sau một thời gian đình trệ, Hạ Long Star sẽ được khởi công xây dựng ngay trong năm nay, để đến năm 2020, có thể đưa khu đô thị, du lịch tổng hợp và khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4-6 sao này đi vào hoạt động.

Trong khi sự tham gia của nhà đầu tư American Investment Solutions khá lặng lẽ, thì sự “đổ bộ” của hàng loạt tập đoàn lớn, thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN trong những tháng đầu năm nay đang đặt ra những kỳ vọng về việc sẽ có một luồng vốn lớn từ quốc gia này sẽ chảy vào Việt Nam thời gian tới.

Khẳng định của ông C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây, đó là “sự tin tưởng và quyết tâm đầu tư ở Việt Nam của các tập đoàn Hoa Kỳ”. “Doanh nghiệp Hoa Kỳ rất hứng khởi với các cơ hội được mở ra từ thị trường Việt Nam, đặc biệt là tương lai xán lạn khi Việt Nam gia nhập TPP”, ông C. Feldman nói.

TPP, với sự tham gia của 12 thành viên, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam, được cho là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tại Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia thành viên, nhất là Hoa Kỳ.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam tại TP.HCM cho biết, TPP cho phép hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ được miễn thuế, miễn là đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm. TPP cũng là cơ chế xác định rõ các tiêu chuẩn và quy phạm để tạo ra sự bình đẳng trong nền kinh tế. “Nếu thực hiện tốt TPP, Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung và do đó, nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ cũng sẽ tăng lên”, ông Herb Cochran nói.

Sau khi việc đàm phán TPP bắt đầu, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tới Việt Nam và đặt kỳ vọng vào các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhưng thị trường lại vươn rộng sang các quốc gia thành viên TPP. Nike là một trong những nhà sản xuất đầu tiên mong muốn mở rộng việc sản xuất tại Việt Nam, bởi khi Việt Nam gia nhập TPP, Nike có thể “tiết kiệm” được hàng trăm triệu USD tiền thuế. Cùng với Nike, còn rất nhiều nhà đầu tư khác.

Trên thực tế, không phải đợi TPP, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư. Trong đó, General Electric (GE) là một trong những nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam sớm nhất, với các nhà máy sản xuất tua-bin điện gió và vẫn đang mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

UPS, doanh nghiệp chuyển phát nhanh hàng đầu Hoa Kỳ, sau khi trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, cũng đang kỳ vọng mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực logistics khác, một khi chính sách của Việt Nam “mở cửa”.

Và Coca-Cola, sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, đã khánh thành các dây chuyền sản xuất mới tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là một phần của gói đầu tư 300 triệu USD tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015, mà lãnh đạo tập đoàn này đã cam kết.

“Như vậy, Coca-Cola đã có 9 dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng nhân viên, lên hơn 4.000 nhân viên trong 10 năm tới”, ông Irial inan, Phó chủ tịch Coca-Cola nói và cho biết, Cola-Cola đã bắt đầu kinh doanh có lãi tại thị trường Việt Nam.

Mới đây, thêm Exxon Mobil, sau một thời gian dài kinh doanh tại Việt Nam, đang xem xét dốc tới 20 tỷ USD để xây dựng một cụm khí - điện ở miền Trung. Peninsula Pacific cũng đang đàm phán để tham gia Dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD, tại Quảng Nam, cùng với VinaCapital. Còn Intel đã công bố việc đóng cửa nhà máy ở Costa Rica và chuyển một phần sản xuất này sang nhà máy tại TP.HCM...

Nếu các kế hoạch đầu tư trên thành hiện thực, sẽ cải thiện đáng kể lượng vốn và thứ hạng của nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 135,6 triệu USD vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Còn tính lũy kế đến nay, con số này là trên 2,55 tỷ USD.

Cho dù Hoa Kỳ vẫn đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và cũng còn một khoản vốn lớn được các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thông qua nước thứ ba, song thực tế, vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng.

“Còn rất nhiều thách thức đối với việc thúc đầu đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Đó là sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu có sẵn, hệ thống luật pháp chưa rõ ràng, các ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn...”, ông Herb Cochran nhận định.

Nguyên Đức

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/ky-vong-luong-von-lon-den-tu-hoa-ky.html