Kỳ vọng gì ở Fulbright Việt Nam?

Một trường ĐH tiếp cận những chuẩn mực quốc tế đồng thời bám rễ sâu trong thực tế đặc thù Việt Nam mới có khả năng giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở Việt Nam và thu hẹp dần khoảng cách với thực tiễn toàn cầu

Việc thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) là một điểm nhấn quan trọng trong bài nói chuyện của Tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24-5. Ông đã gọi đó là trường ĐH độc lập, bất vụ lợi đầu tiên của Việt Nam, nơi sẽ có tự do học thuật đầy đủ và sẽ có học bổng cho sinh viên nghèo. Sinh viên, học giả, nghiên cứu sinh sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính sách công, quản trị, kinh doanh, kỹ thuật, tin học và các ngành nhân văn.

Đáp ứng nhu cầu bức thiết

FUV không từ trên trời rơi xuống mà là thành quả nhiều năm hoạt động tại Việt Nam của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FTEP), là kết quả nỗ lực của nhiều người ở cả hai phía Việt Nam và Mỹ. FTEP đã đạt được nhiều thành quả tích cực và đáng khích lệ, đặc biệt khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường của Việt Nam. Trong những bước ban đầu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu huấn luyện một đội ngũ chuyên gia, doanh nhân, cán bộ quản lý am hiểu về kinh tế, tài chính và chính sách để hoạt động trên sân chơi quốc tế đầy cạnh tranh là một nhu cầu vô cùng bức thiết. FTEP đã góp một phần rất quan trọng đáp ứng nhu cầu ấy.

Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng FUV và ông Bob Kerry, Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV, tại buổi họp báo ngày 25-5 Ảnh: HUỆ BÌNH

Càng hội nhập sâu thì nhu cầu về những con người có tri thức và tầm nhìn quốc tế càng lớn. Để Việt Nam phát triển được tiềm năng của mình, rất cần một thế hệ mới không chỉ có tri thức chuyên môn mà còn có kỹ năng lãnh đạo, khả năng xây dựng chính sách công và kiến tạo những thiết chế mới có thể thúc đẩy động lực phát triển, không chỉ về kinh tế mà còn là xã hội.

Thế hệ mới này phải được đào tạo trong một môi trường thích hợp, một trường ĐH tiếp cận những chuẩn mực quốc tế trong học thuật và quản trị, đồng thời bám rễ sâu trong thực tế đặc thù của Việt Nam vì chỉ có như vậy họ mới có khả năng giải quyết những vấn đề mà cuộc sống thực tế đang đặt ra ở Việt Nam và thu hẹp dần khoảng cách với thực tiễn toàn cầu. Với ý nghĩa đó, việc sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học ngày càng nhiều là một điều rất tốt, rất đáng khích lệ nhưng không đủ vì các trường ĐH nước ngoài nhìn chung chủ yếu dạy những tri thức rút ra từ thực tiễn nước họ, vốn khác biệt nhiều so với thực tiễn Việt Nam. Vì thế, không có gì lạ khi chúng ta thấy những người trẻ đi du học về, khi muốn áp dụng những gì đã học, rất thường vấp phải bức tường đá: “Nước mình nó khác, không làm vậy được đâu!”.

Kỳ vọng lớn lao

Chúng ta không kỳ vọng FUV hoạt động giống hệt như một trường ĐH nước ngoài đặt trên đất Việt Nam. Nếu như thế, sinh viên, học giả làm việc tại FUV cũng không gặt hái được điều gì khác hơn so với khi họ theo học hay làm việc ở nước ngoài.

Chúng ta mong đợi FUV cắm rễ trên thực tế Việt Nam và nghiên cứu, giảng dạy những vấn đề nảy sinh từ thực tế ấy. Hoạt động quản trị kinh doanh ở Mỹ hẳn là có những nét tương đồng với hoạt động quản trị kinh doanh ở Việt Nam nhưng cũng có những kinh nghiệm ở nơi này không hoặc chưa thể áp dụng thành công ở nơi khác. Việc áp dụng đó còn đòi hỏi phải nghiên cứu để tìm ra những phương cách phù hợp. Vì vậy, dạy quản trị kinh doanh ở Việt Nam có thể và cần phải khác với dạy quản trị kinh doanh tại Mỹ. Đào tạo kỹ năng cho sinh viên Việt Nam có thể sẽ phải khác với đào tạo kỹ năng cho sinh viên Mỹ do những khác biệt về bối cảnh và đặc biệt là về văn hóa. Có những thứ được xem là đương nhiên đối với sinh viên Mỹ lại không hề đương nhiên đối với sinh viên Việt Nam và ngược lại. Nhưng cuối cùng, sinh viên Mỹ và sinh viên Việt Nam rồi đây sẽ có thể cùng làm việc trong một công ty, một tổ chức, vận hành trên cùng một sân chơi… Vì vậy, cả hai phải học cách làm việc cùng nhau, trong khi cùng chấp nhận những nguyên tắc và giá trị phổ quát, vẫn có ý thức bảo toàn những bản sắc mà thiếu nó, chúng ta không còn là chính mình nữa.

Đó là điều FUV có thể đóng góp cho Việt Nam, không chỉ cho Việt Nam mà còn là nước Mỹ và cả thế giới. Thông qua việc nhìn nhận, đánh giá, phân tích vấn đề trên nền tảng một thực tiễn khác, họ có thể làm cho kho tàng tri thức nhân loại trở thành phong phú hơn.

Thêm nữa, FUV còn có thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng, là mô hình quản trị, là nơi cung cấp hạt giống cho những trường ĐH khác trong cả nước để tất cả cùng vươn lên một trình độ mới, giúp họ tiếp cận với những chuẩn mực phổ quát trên thế giới về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với ý nghĩa đó, chúng ta hy vọng FUV không tồn tại như một ốc đảo mà tồn tại trong mối tương quan hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau với các trường ĐH trong nước.

Chờ hành lang quản lý

FUV sẽ không thể làm được điều này nếu như nó không có được sự độc lập và mức độ tự chủ cần thiết trong giảng dạy, nghiên cứu. Bản chất của hoạt động hàn lâm là tìm kiếm cái mới. Con đường này có khi gập ghềnh, có lúc sai lầm, có vô vàn thử thách. Nếu chúng ta không chấp nhận những thử thách ấy và chỉ nhắc lại những gì đã được chấp nhận xưa nay sẽ không bao giờ có cái mới nào được tạo ra. Chúng ta sẽ mãi giậm chân tại chỗ trong khi ngoài kia thiên hạ tiến như vũ bão và những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra sẽ mãi còn đó, không có giải pháp nào để giải quyết.

FUV đã được trao giấy phép thành lập. Điều này nói lên sự quyết tâm ủng hộ và cam kết của Chính phủ Việt Nam cũng như cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu có một trường ĐH như thế. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chờ xem giấy phép hoạt động của FUV sẽ dành cho nó một hành lang quản lý như thế nào để đánh giá tiềm năng và triển vọng thực sự của nó bởi những gì mà các trường ĐH Việt Nam hiện nay đạt được chính là kết quả của các chính sách và quy định hiện hành. Nếu phải vận hành trong cùng khuôn khổ ấy thì có rất ít hy vọng FUV sẽ tạo ra một kết quả xuất sắc. Xe Mercedes chạy đường làng thì cũng chỉ 5 cây số một giờ thôi!

Mục đích có thể giống nhau nhưng con đường nhiều khi phải khác nhau. Chúng ta hy vọng FUV góp phần kiến tạo một con đường cho Việt Nam hướng tới mục tiêu chung là hòa bình và thịnh vượng cho cả hai nước. FUV sẽ đóng vai trò cầu nối trong việc tạo ra một thế hệ trẻ mới cho Việt Nam có tầm nhìn toàn cầu và am hiểu thực tế của đất nước mình, một thế hệ không chỉ có tri thức mà còn có chí hướng và dũng khí vượt qua gian khó.

Tại cuộc họp báo ngày 25-5, bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng FUV, nói rằng trường muốn tạo ra tác động tích cực cho hệ thống giáo dục Việt Nam với cách tiếp cận mở đối với chia sẻ kiến thức. FUV muốn được chia sẻ tri thức của mình với các trường khác tại Việt Nam và trên thế giới.

Không dễ dàng thành công

Trong bài nói chuyện của mình, Tổng thống Obama đã nhận xét người Việt trẻ là những người có tất cả những gì đất nước cần để trở nên thịnh vượng: tài năng, nhiệt huyết và hoài bão. Một nền giáo dục có chất lượng sẽ làm nảy nở, sẽ nhân rộng, sẽ chắp cánh cho những tài năng, nhiệt huyết và hoài bão ấy. Đó mới là tài sản quý giá nhất của quốc gia. Mọi quốc gia hùng cường đều có thể là một bằng chứng cho thấy động lực quan trọng nhất tạo nên sự hùng cường ấy chính là những con người với đầy đủ phẩm giá và khả năng sáng tạo.

Vì thế, sự thành công của FUV trong tương lai còn quan trọng hơn cả việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều hơn nỗ lực của cả hai phía vì thành công của FUV sẽ không đến một cách dễ dàng. “Không có bữa trưa nào là miễn phí”, chúng ta hy vọng FUV sẽ được tạo điều kiện để thực hiện sứ mạng của nó và đáp ứng được kỳ vọng của người Việt cả trong và ngoài nước.

Phạm Thị Ly

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ky-vong-gi-o-fulbright-viet-nam-20160526222417368.htm