Kỳ vọng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump

Giới quan sát cho rằng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sẽ như một phép thử thực tế cho chính sách đối ngoại của ông.

Cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster đã công bố lịch trình cụ thể chuyến thăm này, theo đó, Tổng thống Trump sẽ tới thăm 4 quốc gia Trung Đông, ông cũng sẽ tới châu Âu để gặp gỡ Giáo hoàng Francis, tham gia hội nghị thượng đỉnh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhóm các nước G7.

Nếu như đem so sánh với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama thì chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump không chỉ diễn ra muộn hơn về mà còn trái ngược hoàn toàn với đời Tổng thống trước. Trong khi ông Obama đã quyết định tới thăm 4 nước châu Âu gồm Canada, Anh, Pháp và Đức trong chuyến đi đầu nhiệm kỳ thì Tổng thống Trump lại lựa chọn Trung Đông là điểm dừng chân.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump là một phép thử cho chính sách đối ngoại của ông.

Hạ nhiệt căng thẳng trong nước

Theo CNN, chuyến công du này được chuẩn bị giữa những khó khăn đang bủa vây ông Trump, đặc biệt sau khi ông kí quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey. Cho dù là khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng chuyến đi cũng như một cách để Tổng thống Trump tránh xa những chỉ trích của dư luận trong nước.

Tình hình chính trị cũng trở nên phức tạp hơn sau những nghi ngờ về việc ông Trump đã tiết lộ một số thông tin mật nhạy cảm cho các nhà ngoại giao Nga trong tuần qua. Và giờ đây, vị Tổng thống sẽ phải đối mặt với thêm nhiều câu hỏi từ phía những đồng minh và đối tác về sự tin tưởng và uy tín của mình. Theo như một số nguồn tin, những thông tin mật này có thể tới từ cơ quan tình báo của Israel. Sau vụ việc này, ông Trump sẽ cần phải có những động thái để củng cố mối quan hệ với Israel.

“Thế nhưng lịch sử của nước Mỹ vẫn luôn như vậy. Khi những vị Tổng thống gặp khó khăn trong chính sách đối nội thì họ sẽ chuyển sang các chính sách đối ngoại – nơi cho phép họ được bước ra trường quốc tế một cách ngạo nghễ với một sự độc lập mà họ có được trong những vấn đề của an ninh thế giới”, Chuyên gia Aaron David Miller, Phó Chủ tịch tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson bình luận.

Chuyến đi này vẫn được hi vọng là sẽ mở ra một con đường phát triển mới, dù có là tạm thời bằng việc gặp gỡ các đồng minh của Mỹ và thảo luận một cách xây dựng về những vấn đề của chiến tranh và hòa bình.

Chuyên gia Miller cũng gợi ý, nếu Tổng thống Trump có thể đưa ra một sự lựa chọn dành cho vị trí Giám đốc FBI trước khi khởi hành, đây sẽ là giải pháp giúp ông hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.

Tránh đi vào “vết xe đổ” Trung Đông của cựu Tổng thống Obama

Giới chuyên gia cho rằng, trong “vùng đất” của Tổng thống Trump, mọi động thái đều bắt đầu với một nỗ lực tạo nên sự khác biệt với người tiền nhiệm của ông - Barrack Obama. Đặc biệt câu nói “tôi muốn làm theo cách của tôi” giống như là khát vọng lãnh đạo của vị Tổng thống này. Và không gì có thể chứng minh điều đó rõ ràng hơn bằng việc ông Trump chọn Saudi Arabia và Israel làm hai điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến công du của mình.

Ông Aaron David Miller, từng là một nhà thương lượng ở Trung Đông trong các đời chính phủ Mỹ cho rằng, để tạo được nhiều kết quả trong chuyến công du này, đầu tiên Trump cần có những hành động cứng rắn hơn đối với Iran - một động thái sẽ làm hài lòng cả Saudi Arabia và Israel.

Thứ hai, vị Tổng thống này sẽ không bỏ qua Israel như Obama đã làm trong chuyến công du đầu tiên của ông ấy tới Trung Đông. Trái lại ông Trump dự định sẽ thực hiện một bài diễn văn lớn trước cộng đồng Hồi giáo tại Saudi Arabia và sau đó ông sẽ có một bài phát biểu tại bảo tàng Israel ở Jerusalem. “Việc chọn Saudi Arabia trở thành điểm đến đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Trump được cho là để xóa tan đi những tư tưởng cho rằng ông là người có tư tưởng bài xích Hồi giáo”, ông Miller nhận định.

“Nước Mỹ là trên hết” nhưng không có nghĩa “nước Mỹ là duy nhất

Chuyến đi này của Tổng thống Trump còn có thêm một hệ quả nữa (cho dù có chủ đích hay không). Tư tưởng của Tổng thống ngay từ khi tranh cử là khẩu hiệu "nước Mỹ là trên hết", vậy nên có thể dễ dàng được hiểu là các chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ cho phép nước Mỹ hành động đơn phương mà không cần tới những đồng minh của mình. Thế nhưng từ đầu đến cuối, tư tưởng này đã bị những quốc gia trong khối liên minh chính trị của Mỹ “viết lại” nhanh chóng.

Tổng thống Trump không thể dàn xếp tiến trình hòa bình giữa Israel - Palestin một mình. Ông chủ Nhà Trắng cũng không thể đánh bại tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và ngăn chặn nó phát triển một cách đơn phương. Và tất nhiên Tổng thống Mỹ càng không thể kiềm chế và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên một mình. Đó là lí do tại sao ông kết thúc chuyến công du của mình với một cuộc họp cùng với NATO - một đồng minh mà ông đã từng chê bai trước đó.

Mỹ không thể chống IS nếu không có sự hợp tác với các nước khác.

Như vậy, tất cả những vấn đề được dự định trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump đều là những vấn đề gây đau đầu trong suốt thời gian qua. Để giải quyết những “bài toán” chính trị này cần sự thu xếp thấu đáo và không có nhiều cơ hội cho giải pháp mang tính lịch sử.

“Trên thực tế, không quan trọng ai được chọn làm Tổng thống của nước Mỹ, bên ngoài quốc gia này là một thế giới cùng nhau tìm ra những giải pháp chứ không phải để thay đổi theo chủ ý của riêng ai. Và chuyến công du này của ông Trump sẽ là một phép thử đối với thực tế. Và để có thể đối phó với một thế giới đấy những điều khó lường, Tổng thống Trump sẽ cần tới những thỏa thuận tốt trong sự hợp tác với cả những quốc gia ông thích và những quốc gia ông chẳng ưa”, chuyên gia David Miller kết luận.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ky-vong-chuyen-cong-du-nuoc-ngoai-dau-tien-cua-tong-thong-trump-a326250.html