Kỳ vọng chấn chỉnh nạn 'chi ngoài'

Một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp tập trung kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua là giảm các loại chi phí, cũng như việc thanh kiểm tra để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa các kiến nghị, cần sự tích cực chung tay của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Rào cản chi phí một lần nữa lại được cộng đồng doanh nghiệp đề cập tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm nay như là một trong những tồn tại lớn vẫn chưa được gỡ bỏ. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thể chế kinh tế nói chung đã góp phần giảm thiểu nhiều chi phí chính thức của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan... Đặc biệt đáng ghi nhận là chi phí trong việc tiếp cận các dịch vụ công của doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu...

Tuy nhiên, nhiều loại chi phí khác như chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí làm các thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí vẫn còn cao. Một số một quy định về thủ hành chính còn chồng chéo, phức tạp, thậm chí không thực sự cần thiết, làm gia tăng thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với các khoản chi cho việc tiếp cận dịch vụ công như xin cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, đấu thầu, đánh giá tác động môi trường, tiếp cận vốn ngân hàng…, cũng chưa có sự cải thiện.

Ông Nguyễn Văn Thân

Ngoài ra, doanh nghiệp còn thường xuyên bị kiểm tra, thanh tra trong việc chấp hành pháp luật thuế, lao động, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy..., khiến doanh nghiệp phải chi thêm các khoản chi không chính thức.

Việc các loại chi phí còn cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng…

Chi phí không chính thức là vấn đề mà Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo dẹp bỏ từ lâu nay, nhưng tại sao vẫn tồn tại dai dẳng, thưa ông?

Chủ trương của Chính phủ là quyết liệt loại trừ các khoản chi phí không chíng thức và cũng đã có nhiều giải pháp, song khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, thể hiện ở sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu của một bộ phận không nhỏ người thừa hành công vụ; không hướng dẫn hoặc hướng dẫn chậm, hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ…

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại việc kinh doanh bằng “quan hệ” nhằm che giấu năng lực yếu kém của mình. Doanh nghiệp đã chủ động “chi ngầm”, “lót tay” để có được sự thuận lợi trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp tuy hiểu luật pháp, nhưng do chịu sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải chi để được việc.

Mặc dù nhận thức được các hành động đó là không chính đáng, thậm chí còn vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại nên doanh nghiệp phải miễn cưỡng thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, rất cần nỗ lực từ các phía như cơ quan, công chức, viên chức nhà nước và bản thân doanh nhân, doanh nghiệp.

Theo ông, làm thế nào để thực hiện một cách triệt để?

Đương nhiên, đây là một việc không đơn giản, nên không thể ngày một ngày hai có thể làm triệt để được. Chúng ta cần hiểu một phần của nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trên là do chế độ tiền lương của công chức, viên chức còn rất thấp, cùng với đạo đức công vụ thấp, nên họ đã tìm kiếm thu nhập thêm từ các khoản chi không chính thức của doanh nghiệp.

Do đó, cùng với việc cải cách chế độ tiền lương, Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ, chấn chỉnh hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức thừa hành thông qua việc tăng cường kỷ luật và trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, lấy chỉ tiêu phục vụ doanh nghiệp để đánh giá công chức, viên chức.

Về phía doanh nghiệp cũng phải cố gắng sản xuất-kinh doanh thành công và nhất là tuân thủ pháp luật, cũng như các chuẩn mực văn hóa, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị. Như vậy có nghĩa là cần có sự vào cuộc tích cực, cùng hỗ trợ lẫn nhau từ hai phía là cán bộ thi hành và doanh nghiệp.

Chúng ta cần nhận thức rõ, đây là việc phải chấn chỉnh, dù khó cũng phải làm, bởi nếu nạn “chi ngoài” không được đẩy lùi, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chán chường, nản chí trong kinh doanh, đồng thời bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy chính quyền, giảm niềm tin của nhân dân.

Hiếu Minh thực hiện.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/ky-vong-chan-chinh-nan-chi-ngoai-188729.html